Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, hơn 1 tháng nay, gần 55 triệu con tôm giống bị thiệt hại, nâng số tôm nuôi bị thiệt hại từ đầu năm đến nay lên 700 triệu con với hơn 1.700ha diện tích ao nuôi bị ảnh hưởng.
Qua ghi nhận thực tế tại thị xã Duyên Hải, nhiều chủ ao thông tin, gần đây đã xuất hiện loại bệnh lạ khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Nông dân tạm gọi là bệnh “gan trắng” bởi khi nhiễm bệnh con tôm có triệu chứng bỏ ăn, lờ đờ, màu sắc nhợt nhạt... Đặc biệt, gan tụy tôm bệnh có màu trắng bệch.
Ông La Văn Sớm, ở ấp 11, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải chia sẻ, cả tháng nay gia đình ông mất ăn mất ngủ bởi trong số 10 ao tôm của ông, đã có 4 ao bị nhiễm bệnh.
Theo ông Sớm, bệnh “gan trắng” xuất hiện ở giai đoạn tôm nuôi từ 10-30 ngày tuổi, và tốc độ lây lan rất nhanh. Buổi sáng ông thăm ao thấy một vài con nổi đầu, nhưng chỉ vài giờ sau tôm chết đã nổi đỏ cả ao. Ông Sớm ước tính gia đình thiệt hại gần 500 triệu do tôm bệnh.
Tương tự, theo nhiều chủ ao có tôm nuôi giai đoạn dưới 1 tháng tuổi, tại huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú cho biết, tôm cũng bị nhiễm bệnh “gan trắng” như ông Sớm.
Theo người dân hiện có nghi vấn nguồn gốc bệnh “gan trắng” trên tôm có thể xuất phát từ một loại dời (có nguồn gốc từ Trung Quốc) được sử dụng làm thức ăn cho tôm bố mẹ ở trang trại giống.
Ông Lâm Ngọc Ánh, có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm ở ấp Nhì, xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang lý giải, nếu tôm chết dưới 30 ngày tuổi, khả năng cao từ trại giống tôm đã bị nhiễm bệnh.
Ông Ánh đề xuất chính quyền địa phương nên tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các công ty cung cấp con giống kém chất lượng. Ông mong muốn cán bộ thú y tăng cường lấy mẫu để xác định nguyên nhân gây bệnh và hướng dẫn người nuôi cách khắc phục tình trạng này. Đồng thời lão nông cũng đề xuất địa phương có chính sách hỗ trợ cho những hộ nuôi tôm gặp tổn thất nghiêm trọng.
Ông Diệp Thành Toàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh xác nhận: Qua công tác thực tế tại địa phương chúng tôi ghi nhận có xuất hiện bệnh mới trên tôm như thông tin người dân cung cấp. Bệnh này với tốc độ lây lan rất nhanh và gây thất thoát nặng nề cho người nuôi. Hiện, cán bộ trung tâm cần thời gian nghiên cứu để xác định nguyên nhân và hướng giải quyết.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, đến nay công tác quản lý dịch bệnh vẫn đảm bảo. Sở đã tổ chức 69 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản cho hơn 2.000 lượt hộ. Cán bộ thú y đang duy trì việc lấy mẫu tại các hộ nuôi tôm, công tác giám sát chất lượng nguồn tôm giống ngoài tỉnh vẫn đang tiến hành...
Thạc sĩ Nguyễn Công Thức, Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh thông tin, bệnh “gan trắng” trên tôm hiện chưa thể xác định nguyên nhân, nguồn gốc. Chi cục Chăn nuôi và thú y đang tiến hành lấy mẫu gửi đến cơ quan chuyên môn xác định chính xác sẽ thông tin thông thêm.
Hiện tại, hộ nuôi tôm nên báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y khi phát hiện dịch bệnh để phối hợp lấy mẫu. Để phòng tránh nông dân cần thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của tôm nuôi và thực hiện các biện pháp vệ sinh ao nuôi, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Ngoài ra, chủ ao cần tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và nâng cao ý thức để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, người nuôi không nên quá bi quan, nên chọn phương án nuôi trồng an toàn để giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu. Thời tiết tại ĐBSCL đang vào mùa mưa cùng với triều cường dâng trên các sông, là yếu tố bất lợi về môi trường nước, tác động rất xấu đến sức khỏe tôm nuôi và dễ gây ra dịch bệnh.
Người nuôi nên tạm ngừng thả giống tôm thẻ và tôm sú một thời gian để cải thiện môi trường ao nuôi. Đối với hộ nuôi tôm ao đất, ông Đông đề xuất nông dân chuyển đổi sang nuôi một số loại thủy sản khác để cải thiện thu nhập.