Ký sự truyền hình dài 7 tập được quay đồng thời ở 3 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia mang tên 'Chuyện hạ nguồn Mekong' do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Tự ngàn xưa sông Mekong đã là một phần cuộc sống của các quốc gia Đông Nam Á.
Dòng sông Mẹ là mạch nguồn sự sống, bao dung, miệt mài nuôi dưỡng biết bao vùng đất, cộng đồng và các nền văn minh.
Sông không chỉ là sinh kế mà còn là trầm tích, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Ngày nay, Mekong là một trong những dòng sông chịu tác động tiêu cực lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Mưa lũ. Hạn hán. Nguồn nước cạn kiệt, tác động của các dự án thủy điện đã và đang trở thành mối đe dọa hiện hữu hạ nguồn Mekong
Câu hỏi lớn: Giải pháp thích ứng, cơ hội phát triển của các quốc gia là gì?
Đời sống hàng triệu người dân thay đổi ra sao?
Một ký sự dài 7 tập được thực hiện đồng thời ở 3 quốc gia: Việt Nam, Lào và Campuchia mang tên Chuyện hạ nguồn Mekong do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện phần nào sẽ trả lời.
Tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp của đất nước Lào hôm nay đã được khai mở bằng đột phá giao thông.
Khát vọng, chiến lược trở thành trung tâm logicstic của khu vực Đông Nam Á đang được hiện thực cũng bằng đột phá giao thông.
Và cũng từ giao thông đất nước Triệu Voi đang vươn mình mạnh mẽ nhờ chính sách mang tầm vóc cách mạng.
Thay đổi tư duy, xây dựng chiến lược phát triển quốc gia đúng hướng, giấc mơ lớn của người Lào đang dần trở thành hiện thực.
Mỗi ngày dòng sông Mekong vẫn mải miết chảy qua đất nước Triệu Voi và cùng với đó là một dòng chảy từ những con đường tơ lụa thời đại mới.
Dòng chảy mang theo khát vọng hoà bình, kết nối, để cùng nhau phát triển thịnh vượng và vững bền.
Gió từ đất nước Lào đang thổi. Đó là ngọn gió mới mát lành mở ra cơ hội phát triển cho cả khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên nắm bắt được hay không còn tùy thuộc vào tầm nhìn của mỗi quốc gia.