Chuyển động ấn tượng về hạ tầng của Lào cộng hưởng với làn sóng đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp hứa hẹn sẽ sớm tạo ra diện mạo mới cho đất nước Triệu Voi. Trong tập 2 này, hãy cùng chúng tôi đến với vùng đất còn nguyên cơ hội doanh thương cho các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Tự ngàn xưa sông Mekong đã là một phần cuộc sống của các quốc gia Đông Nam Á.
Dòng sông Mẹ là mạch nguồn sự sống, bao dung, miệt mài nuôi dưỡng biết bao vùng đất, cộng đồng và các nền văn minh.
Sông không chỉ là sinh kế mà còn là trầm tích, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Ngày nay, Mekong là một trong những dòng sông chịu tác động tiêu cực lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Mưa lũ. Hạn hán. Nguồn nước cạn kiệt, tác động của các dự án thủy điện đã và đang trở thành mối đe dọa hiện hữu hạ nguồn Mekong
Câu hỏi lớn: Giải pháp thích ứng, cơ hội phát triển của các quốc gia là gì?
Đời sống hàng triệu người dân thay đổi ra sao?
Một ký sự dài 7 tập được thực hiện đồng thời ở 3 quốc gia: Việt Nam, Lào và Campuchia mang tên Chuyện hạ nguồn Mekong do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện phần nào sẽ trả lời.
Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chung dòng nước Mekong, chung dãy Trường Sơn hùng vĩ, bao đời nay, mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào đã trở thành biểu tượng đặc biệt, riêng có.
Cùng nhau kháng chiến, cùng nhau đi qua những năm tháng gian khó tương thân, tương ái để làm nên lịch sử vĩ đại của hai dân tộc.
Thời đại ngày nay, những dấu chân người Việt vẫn đang từng ngày mở lối trên xứ sở Triệu Voi.