Luang Prabang bao đời nay vẫn vậy. Người dân, cây cỏ, muông thú dường như không có sự hối hả, đến mức người Lào gọi đây là thành phố... nhường. Nhưng Mekong đang biến đổi, nên ẩn chứa trong nhịp sống vốn dĩ an yên là những ‘đốm lửa’ lo toan cho phương cách thích nghi mới trước thách thức cận kề.
Trong cuốn sách “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” tác giả Brian Eyler đã viết: “Sự hào phóng của dòng sông là điều làm nó vĩ đại và địa lý cùng sản vật tự nhiên của nó mang lại những trải nghiệm sống không nơi nào trên thế giới có được”.
Bằng sự tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng hành trình hơn 4.350 km của dòng Mekong từ cao nguyên Thanh Tạng đến Đồng bằng sông Cửu Long, Brian Eyler cũng khẳng định: Nếu chúng ta không bắt đầu ngay hôm nay, xem dòng sông và cảnh quan xung quanh như một hệ thống kết nối, cùng nhau hành động để bảo tồn, ngày tàn của dòng Mekong hùng vĩ đã đến.
Không chỉ Brian Eyler, nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng đã đưa ra những cảnh báo về sự tác động của thiên nhiên và con người đối với Mekong và đặt ra bài toán ứng phó của mỗi quốc gia, mỗi vùng đất.
Trải nghiệm ở Luang Prabang giúp chúng tôi hiểu thêm sự thích ứng trước biến động của vùng đất, con người nơi đây.
Người Lào có câu nói “chưa đến Luang Prabang xem như bạn chưa đến với đất nước chúng tôi”.
Đây là kinh đô quốc gia thống nhất đầu tiên của Vương quốc Lan Xang, được vua Phà Ngừm thành lập năm 1354.
Theo tài liệu lịch sử, thời kỳ Pháp đô hộ các nước Đông Dương, Luang Prabang bị sáp nhập thành Vương quốc Lào và trở thành nơi trú ngụ cuối cùng của dòng dõi Hoàng gia.
Truyền thuyết của người Lào kể rằng, thời cổ xưa Đức Phật từng đến Luang Prabang và dự đoán rằng nó sẽ trở thành một thành phố giàu có và thịnh vượng.
Lời tiên tri của Đức Phật sau đó đã thành hiện thực. Qua nhiều thế kỷ Luang Prabang không chỉ giàu có mà còn là trung tâm Phật giáo, tên gọi thành phố trong tiếng Lào có nghĩa là Đức Phật nhỏ.
Ngày nay, Luang Prabang là thành phố du lịch nổi tiếng nhất xứ sở Triệu Voi, năm 1995 được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Người Lào còn gọi Luang Prabang là thành phố nhường. Bởi nơi đây không có xe taxi, không có đèn tín hiệu giao thông, người dân đi lại trên đường chậm rãi.