Những công viên rừng được xây dựng từ sự chung tay của cộng đồng, biến những khu vực ít người lui tới của thành phố trở thành nơi vui chơi, nghỉ ngơi của người dân Thủ đô.
Rừng trong phố: Xóa điểm đen rác thải, tăng không gian trong lành
Kể từ khi Công viên rừng Chương Dương đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân trong con ngõ nhỏ phố Hàm Tử Quan (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở nên lành mạnh, trong lành và mới mẻ hơn…
Ông Vũ Văn Bá – Phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Trước đây nó còn bừa bãi, lung tung. Đến bây giờ, nó đã dần ổn định và đẹp, buổi sáng và buổi chiều, trẻ em và người lớn tuổi rất thích được ra đây để giao lưu, các dụng cụ tuy chưa được nhiều nhưng cũng đủ thay đổi để tập luyện. Mọi người ra đây rất là thoải mái và vui vẻ.”
Em Phạm Khánh Huyền – Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Từ khi công viên này đưa vào hoạt động, em thấy đây là việc làm rất tốt. Bởi ở đây có nhiều khu vực để vui chơi, không gian rộng, thoải mái, thoáng mát và có nhiều dụng cụ cho chúng em tập thể dục.”
Công trình này đã cải thiện môi trường sống, gắn kết cộng đồng và tăng cường sự đa dạng sinh thái cho vùng bờ bãi ven sông Hồng. Bên cạnh đó, Công viên rừng Chương Dương được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa và được sự ủng hộ từ người dân địa phương, nên việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh được mọi người rất chú trọng.
Còn đây là những hình ảnh tại công viên rừng Phúc Tân… không chỉ xóa bỏ được những điểm đen về rác thải, tăng cường sự đa dạng sinh thái cho vùng bờ bãi ven sông Hồng mà còn giúp gắn kết cộng đồng thông qua sân chơi hòa nhập…
Để có được một sân chơi như ngày hôm nay, không chỉ có các thành viên trong nhóm mà còn là sự đồng lòng của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Cùng nhau dọn dẹp, cùng nhau lên ý tưởng và cùng nhau thực hiện… Chính vì lẽ đó mà những công viên rừng này ngày càng đẹp hơn và phát huy được giá trị trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt – Đồng sáng lập Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố: khái niệm cộng đồng là cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Tổ 1 Phúc Tân là then chốt nòng cốt, tham gia từ khi nhặt rác đến làm vườn, ngoài ra cộng động theo nghĩa rộng, những người thành phố, mỗi km chạy chuyển đổi thành vật chất,… họ tham gia được. Không chỉ sống ở đây mà những người khác thì có sức sống và tạo nên hiệu ứng… phường Phúc Tân, Phúc Xá cũng làm thay đổi. Điều thứ 3 là khi người dân chính là BQL thì họ có trách nhiệm, thấy giá trị sản phẩm hạ tầng mang lại lợi ích cho họ và con cái họ sẽ là người bảo vệ…
Thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn Thủ đô với định hướng vừa góp phần chống lấn chiếm hệ thống sông hồ, vừa tạo thêm điểm vui chơi không gian công cộng cho người dân. Đồng thời cũng góp phần khai thác các hoạt động văn hoá du lịch ven sông Hồng, ngay khu vực trung tâm Thành phố./.