| Hotline: 0983.970.780

Xử lý gỗ rừng trồng làm trụ chống cho hồ tiêu, thanh long

Thứ Hai 03/11/2008 , 09:30 (GMT+7)

Gỗ làm trụ cho hồ tiêu và thanh long được chọn là loại gỗ rừng trồng phổ biến hiện nay như: keo, bạch đàn, mỡ, bồ đề…

Bà con nông dân hoặc các doanh nghiệp có thể liên hệ với nhóm nghiên cứu theo địa chỉ: Phòng Nghiên cứu Bảo quản lâm sản, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội; ĐT 84.48363282; Fax 84.48389722; Email: pbqls@fsiv. Org.vn

* Trụ được xử lý có độ bền 15-20 năm, giá thành thấp

Việt Nam có sản lượng hồ tiêu xuất khẩu vào hàng lớn nhất trên thế giới. Diện tích trồng hồ tiêu hàng trăm nghìn hecta tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Đặc tính sinh học của cây hồ tiêu là cần có trụ thẳng đứng để leo bám phát triển, trụ đó gọi là “nọc”. Một hec-ta hồ tiêu cần trung bình từ 2.500 - 2.700 nọc.

Trước đây người dân có tập quán dùng loại gỗ quý chịu được mưa nắng không bị nấm mục, mối mọt phá hoại (như gỗ tứ thiết đinh, lim, sến, táu, thuộc nhóm 2) làm nọc. Nhưng từ nhiều năm nay, diện tích rừng tự nhiên nước ta bị suy giảm nghiêm trọng, không còn gỗ tứ thiết quý như vậy để làm nọc, người ta đã tìm đến các loại vật liệu thay thế như bê tông hay trụ xây gạch.

Các loại vật liệu này tuy đáp ứng được độ bền ngoài trời, song có nhược điểm là hấp thụ nhiệt khi nắng ảnh hưởng không tốt đến bộ rễ bám của cây, mặt khác giá thành các loại trụ này khá đắt, ảnh hưởng đến túi tiền của bà con nông dân trồng tiêu. Loại hình nọc là cây sống có ưu điểm rẻ tiền song có nhược điểm cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu và dễ bị bệnh chết. Giai đoạn 2004 – 2005, tại vùng Đông Nam bộ, cây nọc sống là cây lồng mức, cây vông nem đã bị dịch bệnh gây chết trên diện rộng làm đổ hàng ngàn ha hồ tiêu.

Ngoài cây hồ tiêu, còn một loài cây leo bám khác có hiệu quả kinh tế cao, cũng cần dùng đến trụ chống đó là thanh long. Đặc tính kỹ thuật của trụ thanh long cũng tương tự nọc tiêu, cần độ bền vững, không quá hấp thụ nhiệt ảnh hưởng đến rễ bám và phải rẻ tiền, người nghèo có thể chấp nhận được (hiện thanh long được trồng nhiều ở các tỉnh Nam Trung bộ, ngoài nhu cầu ở thị trường trong nước còn xuất khẩu sang Mỹ và Tây Âu).

Tóm lại, để sản xuất được những mặt hàng nông sản quý như hồ tiêu, thanh long, những năm trở lại đây, nhu cầu nọc là rất lớn, cung không đủ cầu, nhất là với người nông dân nghèo, ở vùng sâu vùng xa, họ không có cách gì có đủ nọc cho vườn tiêu, hay thanh long nhà mình. Đứng trước yêu cầu thực tế này, năm 2006, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT), thực hiện Dự án sản xuất thử cấp Nhà nước: “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết bị sản xuất chế phẩm XM5 và ứng dụng để xử lý gỗ rừng trồng làm cọc chống ngoài trời để trồng hồ tiêu, thanh long”, thời gian thực hiện 24 tháng.

Phòng nghiên cứu Bảo quản lâm sản, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã khẩn trương triển khai dự án, kết hợp với Cty TNHH Xử lý mối và bảo quản gỗ để hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm bảo quản gỗ XM5 ở 2 dạng bột và cao. Gỗ làm trụ cho hồ tiêu và thanh long được chọn là loại gỗ rừng trồng phổ biến hiện nay như: keo, bạch đàn, mỡ, bồ đề… Đây là các loài gỗ mềm, nhẹ để tự nhiên ngoài trời thì chỉ một thời gian ngắn đã bị nấm mục, côn trùng phá hoại, song nếu được ngâm tẩm thì thấm thuốc nhanh, có khả năng chống chịu sinh vật phá hoại lớn gấp nhiều lần so với độ bền tự nhiên của chúng.

Thời gian qua, nhóm nghiên cứu đã sử dụng chế phẩm XM5 do Cty TNHH Xử lý mối và bảo quản gỗ sản xuất theo công nghệ của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, thử nghiệm 2 mô hình trồng hồ tiêu và thanh long tại hai địa điểm là: xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận. Đối với chế phẩm XM5 dạng bột, khi sử dụng được hoà tan trong nước sạch với nồng độ dung dịch từ 15-20%. Gỗ rừng trồng sau khi khai thác, bóc sạch vỏ, ngâm trong dung dịch trên với thời gian từ 15-20 ngày.

Sau đó gỗ được kê xếp dưới mái che để thuốc XM5 tiếp tục thấm sâu, ổn định trong gỗ, đến khi gỗ khô mới đưa ra làm trụ chống cho hồ tiêu và thanh long. Đối với chế phẩm XM5 dạng cao, cách xử lý như sau: gỗ tươi mới chặt về (độ ẩm hơn 70%) bóc sạch vỏ, quét XM5 dạng cao lên khắp bề mặt với lượng dùng 450-500 g/m2 bề mặt gỗ; sau đó cuốn một lớp ni-lông khắp cây gỗ và ủ trong 20 ngày để XM5 khuếch tán thấm sâu vào trong gỗ; khi đưa ra sử dụng thì bóc bỏ lớp ni-lông.

Qua thực tế sử dụng cả hai loại chế phẩm XM5 dạng bột và cao để xử lý bảo quản gỗ rừng trồng làm nọc tiêu, thanh long tại các địa phương kể trên cho thấy, gỗ rừng trồng hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu đề ra, với ưu điểm vượt trội về giá thành so với các loại vật liệu khác, mà thời gian sử dụng lại tương đương (khoảng 10-15 năm). So với nọc bằng gỗ lim rừng tự nhiên, nọc gỗ rừng trồng xử lý XM5 rẻ hơn 20 lần; so với nọc bằng bê tông cốt thép, hay xây gạch rẻ hơn 1,5-2 lần.

Cũng cần nói thêm là, nhóm nghiên cứu cũng đã thí nghiệm đánh giá tác động môi trường khi dùng hoá chất tẩm vào gỗ rừng trồng làm nọc, hoàn toàn không gây độc hại cho môi trường đất và không khí, không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cũng như chất lượng hạt tiêu. Theo kế hoạch, cuối năm 2008, sau khi tổng kết khoa học nghiệm thu Dự án, các mô hình trồng hồ tiêu và thanh long sử dụng trụ chống bằng gỗ rừng trồng được xử lý bảo quản bằng chế phẩm XM5 sẽ là các điểm để giới thiệu và triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ làm loại hình trụ mới cho các địa phương trồng hồ tiêu và thanh long.

Xem thêm
Nuôi gà Ai Cập lấy trứng theo hướng an toàn sinh học

AN GIANG Mô hình chăn nuôi gà Ai Cập lấy trứng thương phẩm, nhân giống và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn sinh học đã mở ra hướng mới cho người chăn nuôi.

Hơn 90% nhà yến chưa có có sở pháp lý

Đại đa số nhà yến chưa có cơ sở pháp lý đang ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung tổ yến nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Mô phỏng là công cụ độc đáo để trải nghiệm thực hành ảo

Vĩnh Long Mô phỏng là một trong những công cụ độc đáo hiện nay để hỗ trợ việc giảng dạy và học tập các khái niệm khoa học phức tạp thông qua trải nghiệm thực hành ảo.