Mô hình vườn táo có hệ thống lưới, bẫy ngăn chặn ruồi đục quả xâm nhập, diệt cỏ bằng phương pháp ủ bạt, trồng đậu đen tạo nguồn phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học giúp năng suất đạt 45 tấn/ha/vụ và doanh thu từ 800 - 900 triệu đồng/ha/vụ.
Trồng táo áp dụng quản lý sâu bệnh hại cho thu nhập 900 triệu đồng/ha
Đây là vườn táo được áp dụng quy trình quản lý sâu bệnh hại tổng hợp do Viện Nha Hố có trụ sở tại tỉnh Ninh Thuận thực hiện. Tại đây, toàn bộ vườn táo được bao bọc bởi hệ thống lưới nhằm ngăn chặn ruồi đục quả từ bên ngoài xâm nhập vào. Cùng với đó, hệ thống bẫy đèn, bẫy bả, keo kính cũng được Viện Nha Hố thiết lập bên trong vườn để phòng trừ các loại côn trùng, sâu gây hại.
Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu cho sản xuất táo an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho việc phát triển táo trong thời gian sắp tới. Chúng tôi đã triển khai mô hình nghiên cứu từ giống đến các kỹ thuật có liên quan và đã đạt được kết quả bước đầu rất tốt. Đặc biệt là kiểm soát ruồi đục quả, các đối tượng sâu bệnh hại mà không phải phun thuốc bảo vệ thực vật vẫn đảm bảo sản xuất an toàn và chất lượng ngày càng nâng cao hơn. Chúng tôi sử dụng các giải pháp kỹ thuật như bao lưới trên toàn cánh đồng để ngăn chặn dịch bệnh từ ngoài vào, bên trong thì dùng các bẫy bả từ bẫy đèn đến bẫy dính tới các loại bẫy enterpro. Chúng tôi đã bắt được các loại dịch hại trên khắp cánh đồng, do vậy chúng tôi kiểm soát dịch bệnh rất tốt.
Cùng với việc bao lưới toàn bộ vườn để ngăn chặn ruồi đục quả, Viện Nha Hố cũng thực hiện diệt trừ cỏ bằng phương pháp phủ bạt ở nền vườn. Cách làm này đã thay thế hoàn toàn việc trừ cỏ bằng thuốc cỏ theo cách truyền thống. Từ đó tạo ra sự an toàn và giảm chi phí đầu vào.
Đối với nền vườn đã được xử lý cỏ bằng hệ thống bạt che, Viện Nha Hố tổ chức trồng cây đậu đen để làm thảm thực vật. Thảm đậu đen trưởng thành sẽ góp phần giữ độ ẩm cho đất. Đặc biệt tạo nguồn phân bón hữu cơ và hình thành ổ sinh thái có lợi cho vườn.
Ông NGUYỄN VĂN CHÍNH, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Thực vật, Viện Nha Hố
Ngoài việc cải tạo đất thì việc trồng đậu đen tạo điều kiện tốt cho ổ sinh thái, các loài vi sinh vật có ích phát triển. Hiện nay các loại thiên địch như nhóm nhện lớn, các loài ong ký sinh và đặc biệt các loài bọ chân chạy, sinh vật có ích sẽ có nơi cư trú để phát triển. Trong điều kiện chúng ta duy trì tốt ổ sinh thái cho các loài sinh vật có ích trong đồng ruộng thì sẽ hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm tăng hiệu quả kinh tế, giảm thuốc và sẽ sản xuất an toàn, canh tác bền vững.
Hiện nay, Viện Nha Hố nghiên cứu và ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ trong sản xuất để tạo sản phẩm an toàn. Các mô hình được đánh giá cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và được bà con nông dân quan tâm, ứng dụng.
Tiến sĩ MAI VĂN HÀO, Viện trưởng Viện Nha Hố
Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu thì chúng tôi cũng xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ như thế này tại Viện cũng như những vùng lân cận. Song song đó thì chúng tôi kết hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương như Sở NN-PTNT, Sở Khoa học Công nghệ của các tỉnh trong vùng để chúng tôi chuyển giao, mở các lớp tập huấn cho bà con nông dân. Tới bây giờ, hầu như quy mô sản xuất táo ứng dụng bao lưới rất lớn, trên 90%. Ngoài cây táo, bà con cũng sử dụng cho các loại cây trồng khác, đặc biệt đối với các cây trồng bị ảnh hưởng bởi ruồi vàng.
Theo Viện Nha Hố, quy trình quản lý sâu bệnh hại tổng hợp áp dụng trên các giống táo mới TN01 và TN05 cho hiệu qua kinh tế cao. Năng suất táo đạt 40 - 45 tấn/ha/vụ, độ brix đạt > 13%.
Tỷ lệ quả bị hại trên mô hình giảm xuống dưới 5%. Mô hình này góp phần giảm trên 20% lượng nước tưới, giảm 10 - 15% lượng phân bón và giảm 60 - 70% số lần phun thuốc BVTV. Mô hình này tạo ra sản phẩm an toàn và mang lại doanh thu từ 800 - 900 triệu đồng/ha/vụ.