Huyện Văn Yên tập trung xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tăng giá trị thu nhập cho người dân.
Quế hữu cơ Văn Yên rộng đường xuất khẩu
Huyện Văn Yên tập trung xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tăng giá trị thu nhập cho người dân.
Gia đình ông Trương Minh Hoan ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã gắn bó với cây quế từ hơn 20 năm qua. Trước đây, gia đình ông trồng quế bằng hạt, bón phân vô cơ, sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh. Từ năm 2015, gia đình ông Hoan và các hộ dân trong thôn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng quế hữu cơ.
Khi trồng quế hữu cơ, các hộ dân sẽ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm phân bón, sử dụng thảm thực vật để tạo độ ẩm và sự mầu mỡ cho đất. Việc làm cỏ trên đồi quế sử dụng máy phát hoặc các biện pháp thủ công, tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ. Nhờ đó, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Đặc biệt, sản phẩm được các công ty bao tiêu với giá cao hơn từ 10 -15% so với các hộ không có chứng nhận.
PB ÔNG TRƯƠNG MINH HOAN, Xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái: “Khi làm quế hữu cơ, chúng tôi chú trọng từ khâu chọn hạt giống từ vườn cây giống bố mẹ tốt để đưa vào ươm trồng. Khi trồng thì bón phân lân 1 lần, sau đó trong quá trình chăm sóc không sử dụng bất kỳ phân hóa học hay thuốc hóa học để tạo ra sản phẩm quế sạch”.
Văn Yên là thủ phủ của cây quế Việt Nam với tổng diện tích hơn 57.000 ha. Những năm gần đây, chính quyền huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tích cực vận động, hỗ trợ người dân trồng quế theo vùng tập trung và sản xuất theo hướng hữu cơ. Huyện phối hợp các doanh nghiệp, đơn vị như: Công ty NEDSPICE Bình Dương, công ty Sơn Hà, Trung tâm nghiên cứu Bảo vệ rừng (thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt nam), Trung tâm Khuyến nông tỉnh… tổ chức tập huấn cho hàng nghìn lượt nông dân kỹ thuật sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ để tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
PB ÔNG PHẠM TRUNG KIÊN, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái: “Với diện tích hơn 57.000 ha, trong đó trên 10.000 ha quế hữu cơ. Vùng nguyên liệu đang được huyện phát triển ở các xã đã có chỉ dẫn địa lí và vùng lân cận. Thời gian tới, chúng tôi sẽ quy hoạch vùng giống và rừng giống chuyển hóa để lựa chọn những cây giống đầu dòng tốt nhất để cung cấp cho các vườn ươm”.
Sau khi thu hút các công ty lớn như: Sơn Hà, Olam Việt Nam, Vicimex, Prosi Thăng Long xây dựng nhà máy thu mua chế biến, xuất khẩu ngay tại địa phương. Các doanh nghiệp đã đồng hành cùng người nông dân băng việc hỗ trợ giống, kỹ thuật để xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ, ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Giải pháp phát triển bền vững này đã giúp cho các sản phẩm quế Văn Yên có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu.
PB BÀ HOÀNG THỊ LIÊN, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam: “Yên Bái là một trong những tỉnh trọng điểm phát triển quế của cả nước và Văn Yên có vùng nguyên liệu lớn nhất. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực quảng bá cho ngành quế Việt Nam nói chung và của Văn Yên nói riêng. Từ đó tiếp cận thêm thị trường, tăng sản lượng xuất khẩu.”
Hiện nay, mỗi năm huyện Văn Yên cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn tấn vỏ quế khô và hơn 300 tấn tinh dầu quế. Doanh thu trên 800 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, toàn huyện đã xây dựng vùng quế hữu cơ hơn 10.000 ha. Việc thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang trồng hàng hóa theo hướng hữu cơ không chỉ nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm quế tại Văn Yên, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước tự nhiên, đảm bảo sức khỏe cho người dân.