| Hotline: 0983.970.780

Tính xa cho vùng quế Yên Bái

Thứ Sáu 13/10/2023 , 06:52 (GMT+7)

Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025 ổn định diện tích sản xuất quế khoảng 80.000ha, trong đó diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... khoảng 20.000ha.

Lợi thế và tiềm năng thị trường rất lớn

Bài liên quan

Diện tích quế của tỉnh Yên Bái hiện đã phát triển với quy mô trên 80.000ha, tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên, Trấn Yên và một số ít tại huyện Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái: Năm 2022, sản lượng khai thác từ quế trên địa bàn tỉnh đạt hơn 18.000 tấn vỏ quế khô; gỗ quế tận thu sau khai thác vỏ trên 200.000m3; gần 90.000 tấn cành lá quế, cung cấp nguyên liệu để chế biến dược phẩm, thực phẩm, tinh dầu quế... cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm từ khai thác quế chia ra làm 4 nhóm chính gồm quế vỏ, cành lá quế, vỏ quế vụn nghiền bột và gỗ quế.

Các cơ sở chế biến quế ở Yên Bái ngày càng được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. Ảnh: Thanh Tiến.

Các cơ sở chế biến quế ở Yên Bái ngày càng được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với quy mô tương đối lớn, sử dụng công nghệ lò hơi để chiết xuất tinh dầu với tổng công suất 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Ngoài ra, còn có hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, chủ yếu hoạt động theo phương pháp thủ công với sản lượng chế biến tinh dầu mỗi năm bình quân 300 - 800kg/cơ sở. Các sản phẩm tinh dầu quế mà các nhà máy, cơ sở nhỏ lẻ sản xuất ra mới chỉ là sản phẩm tinh dầu thô, có giá trị thấp (khoảng từ 550 - 650 nghìn đồng/kg).

Quế vỏ và phần lớn tinh dầu quế của tỉnh Yên Bái chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Ấn Độ... Các sản phẩm chế biến đồ thủ công mỹ nghệ, bột quế... chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước.

Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới là rất lớn và cung luôn không đủ cầu. Nguyên nhân là do cây quế chỉ trồng phổ biến ở một vài nước châu Á như Srilanka, Lào..., nhưng sản lượng tập trung lớn nhất là Việt Nam, trong khi ở Việt Nam cũng chỉ có một số huyện của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Yên Bái trồng nhiều nhất và cho sản phẩm có hàm lượng tinh dầu cao.

Sản phẩm từ quế Yên Bái đã xây dựng được thương hiệu với nhiều thị trường cao cấp trên thế giới. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm từ quế Yên Bái đã xây dựng được thương hiệu với nhiều thị trường cao cấp trên thế giới. Ảnh: Thanh Tiến.

Một thực tế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cây quế hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái là tình trạng phát triển nóng, người dân trồng quế chưa theo quy hoạch; việc khai thác không hợp lý, tận thu quá mức. Nhiều hộ trồng quế đã khai thác ồ ạt, thậm chí khai thác trắng cả những diện tích quế còn non; chặt cây, tỉa cành không khoa học... đã tác động xấu đến sự sinh trưởng, phát triển và chất lượng của các sản phẩm từ quế.

Đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến

Bài liên quan

Để đảm bảo chất lượng các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ cây quế, tỉnh Yên Bái đang chú trọng đến việc phát triển bền vững cây quế trên địa bàn, quản lý chặt chẽ các cây lâm nghiệp chính, trong đó có cây quế nhằm sử dụng giống quế có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được cấp có thẩm quyền công nhận trong việc trồng mới.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh Yên Bái đã định hướng quy hoạch phát triển cây quế cũng như công nghiệp chế biến các sản phẩm từ quế một cách trọng tâm và bài bản.

Thứ nhất là tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ nhằm đưa sản phẩm quế Yên Bái thâm nhập vào các thị trường phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu quế hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu quế hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Thứ hai, gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao. Mở rộng và phát huy hiệu quả các dự án liên kết theo chuỗi giá trị đã có, đồng thời xây dựng các dự án liên kết theo chuỗi giá trị mới. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến, quy trình quản lý hiện đại để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Thứ ba, quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững, hướng tới việc áp dụng các công nghệ chế biến và quy trình quản lý chất lượng tốt nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm quế. Ngoài ra, khuyến khích các cơ sở chế biến các sản phẩm trà quế, nước tẩy rửa từ quế, bột quế, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế... Đầu tư nâng cao chất lượng, sản lượng, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá để mở rộng thị trường.

Tỉnh Yên Bái đã đề ra mục tiêu phát triển cây quế đến năm 2025 ổn định diện tích sản xuất khoảng 80.000ha; diện tích tập trung, chuyên canh khoảng 35.000ha, trong đó diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... khoảng 20.000ha.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Vụ dưa hấu 'đắng'

Thời tiết bất lợi cùng giá xuống quá thấp khiến người trồng dưa hấu ở vùng biên giới huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) thua lỗ nặng, nhiều hộ bỏ ruộng, chẳng buồn thu hoạch.