| Hotline: 0983.970.780

Khám phá 'kho vàng xanh' của Yên Bái

"Đồi quế ơn Bác" dẫn dắt kỹ thuật trồng quế cho bà con người Dao

Thứ Ba 03/10/2023 , 06:19 (GMT+7)

YÊN BÁI Từ 'Đồi quế ơn Bác', Văn Yên đã hình thành vùng nguyên liệu lớn nhất nước, không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn là sợi giây gắn kết cộng đồng. 

Chuyện "Đồi quế ơn Bác"

Đi trên những còn đường bê tông mới đổ khang trang ở xã vùng cao Viễn Sơn (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), từ đồi này sang đồi khác chỉ bạt ngàn cây quế, mùi hương vỏ quế đang phơi tỏa ra thơm ngát. Hiện đang vào giữa vụ thu hoạch vỏ quế nên hầu hết người dân vào rừng bóc vỏ, các cơ sở thu mua, sơ chế tấp nập công nhân, người bào vỏ, người xẻ gỗ, mọi khoảng trống được người dân tận dụng để phơi sản phẩm.

Cây quế đã gắn bó với người Dao ở huyện Văn Yên (Yến Bái) từ nhiều đời nay. Ảnh: Thanh Tiến.

Cây quế đã gắn bó với người Dao ở huyện Văn Yên (Yến Bái) từ nhiều đời nay. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Ông Mai Kiên - Bí thư Đảng ủy xã Viễn Sơn cho biết: Có lẽ không có dân tộc nào lại có mối quan hệ gắn bó thân thuộc với một loài cây như người Dao và cây quế. Mỗi người dân ở đây khi được sinh ra đã được tắm và đắm mình trong hương quế để tránh gió, trừ tà. Khi dựng vợ, gả chồng lại được ông bà, cha mẹ tặng cho một đồi quế làm của hồi môn. Bởi vậy các giá trị văn hóa của cây quế đã đi vào những câu hát Páo dung, giao duyên, hát ru, lễ cấp sắc, Tết nhảy, Tết trồng cây... của bà con.

Theo những cụ cao niên trong xã, những năm 50 – 60 của thế kỷ trước, cây quế được người dân trồng quanh nhà, trên đồi nương để lấy bóng mát, giữ đất, giữ nước; vỏ quế được sử dụng làm thuốc và hương liệu, gỗ quế lớn có thể làm nhà ở hoặc chuồng nuôi gia súc. Tuy nhiên người dân trồng theo kiểu tự phát, rải rác chứ không trồng tập trung thành đồi, thành vùng. Nhiều diện tích trồng xen với cây trồng khác nên cây quế phát triển không đều, nguyên liệu chưa có nhiều.

Năm 1969, nghe tin Bác Hồ mất, người dân trong làng đã quyết định trồng một đồi quế ơn Bác để thể hiện lòng tiếc thương và biết ơn đối với Người. Ông Bàn Kim Vạn (sinh năm 1951) ở thôn Khe Dứa (xã Viễn Sơn) kể: Thời điểm đó, cuộc sống của bà con trong thôn còn nghèo lắm, quế cũng chưa được trồng nhiều và có giá trị như bây giờ.

Đồi quế ơn Bác vừa để tưởng nhớ Bác Hồ, vừa để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách trồng quế đúng kỹ thuật. Ảnh: Thanh Tiến.

Đồi quế ơn Bác vừa để tưởng nhớ Bác Hồ, vừa để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách trồng quế đúng kỹ thuật. Ảnh: Thanh Tiến.

"Trong thời điểm cả nước đau thương khi Bác Hồ mất, người dân chúng tôi bàn nhau cùng trồng một đồi quế lấy tên là "Đồi quế ơn Bác" để mọi người cùng trồng, cùng chăm sóc, bảo vệ. Khi nhìn vào đồi quế sẽ nhắc nhở mọi người nhớ đến những điều Bác Hồ đã dạy, từ đó cùng nhau thi đua lao động sản xuất mở rộng diện tích vùng trồng quế ở địa phương mình", ông Vạn kể.

Ông Lý Tiến Đức ở thôn Khe Lợ (xã Viễn Sơn), người từng tham gia trồng quế ở Đồi quế ơn Bác kể: "Lúc đó chúng tôi còn trẻ, mới chỉ 19 - 20 tuổi, được các anh chị đoàn thanh niên xã vận động, chúng tôi đi dọn sạch cỏ rác trên một quả đồi khoảng 1ha, dùng cuốc xẻng đánh đường đồng mức để trồng quế. Đồi quế vừa để tưởng nhớ Bác Hồ, vừa là đồi quế mẫu trồng đúng quy cách kỹ thuật, đúng khoảng cách để bà con áp dụng làm theo".

Sẻ chia khó khăn, gắn kết cộng đồng

Đến năm 1995, diện tích "Đồi quế ơn Bác" được mở rộng ra hơn 3ha, chính quyền xã đã giao cho Hội Cựu chiến binh và Hội Phụ nữ tiếp tục trồng, chăm sóc, bảo vệ. Đến chu kỳ khai thác, các tổ chức Hội này sẽ thu hoạch bán lấy tiền để xây dựng quỹ đóng góp làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa và làm đường điện chiếu sáng. Ngoài ra, một phần quỹ sẽ hỗ trợ vốn cho các hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn để phát triển sản xuất.

Nguồn thu nhập từ cây quế đã góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở Văn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Nguồn thu nhập từ cây quế đã góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở Văn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Triệu Văn Tài – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Viễn Sơn cho biết: Sau 2 chu kỳ khai thác, nguồn quỹ của Hội hiện có hơn 300 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã hỗ trợ cho những hộ hội viên gặp rủi ro do tai nạn, ốm đau vay vốn không lãi suất.

"Những hộ hội viên cần vay vốn phát triển kinh tế, chúng tôi lấy lãi suất theo lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, đã hỗ trợ cho 10 trường hợp hội viên làm kinh tế với số vốn trên 200 triệu đồng, chủ yếu để chăn nuôi và kinh doanh. Từ năm 2020, trên địa bàn không còn hội viên cựu chiến binh nghèo, số hộ khá, giàu đạt trên 60%", ông Tài cho biết.

Từ phong trào "Đồi quế ơn Bác" và sự tích cực hướng dẫn, tuyên truyền của lực lượng cán bộ khuyến nông, đến nay, việc thâm canh cây quế của người dân đã có nhiều thay đổi. Bà con đã trồng quế tập trung, mật độ trung bình từ 6.500 – 7.000 cây/ha. Trong thâm canh đã áp dụng tỉa thưa theo từng giai đoạn. Đặc biệt trong quá trình làm cỏ, người dân đã sử dụng máy cắt cỏ để giảm công lao động, không sử dụng thuốc diệt cỏ trên đồi quế để bảo vệ môi trường và đảm bảo chất lượng nguyên liệu.

Cây quế vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa là sợi giây gắn kết người dân với nhau trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương. Ảnh: Thanh Tiến

Cây quế vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa là sợi giây gắn kết người dân với nhau trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương. Ảnh: Thanh Tiến

Sản xuất quế cần nhiều nhân công lao động, vì thế mỗi mùa quế, người Dao ở Viễn Sơn lại đoàn kết cùng nhau lên rừng trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế sản phẩm. Cuộc sống ấm no nhờ cây quế, họ lại cùng nhau đồng lòng đóng góp xây dựng các công trình thiết yếu trong thôn, bản để xây dựng nông thôn mới. 

Đến nay, vùng quế Viễn Sơn đã hình thành sản xuất hàng hóa tập trung với gần 2.500ha. Hiện trên địa bàn xã có 1 công ty chế biến tinh dầu quế; 1 doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế. Ngoài ra, còn có 2 HTX và hàng chục tổ hợp tác trồng và sơ chế quế. Trung bình mỗi năm, cây quế mang lại thu nhập gần 50 tỷ đồng cho người dân, nhiều hộ dân đã trở thành tỷ phú. 

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.