| Hotline: 0983.970.780

Khám phá 'kho vàng xanh' của Yên Bái - vùng đất tổ của cây quế

Chủ Nhật 01/10/2023 , 15:31 (GMT+7)

Ở xã Viễn Sơn (huyện Văn Yên, Yên Bái), cây quế được trồng bạt ngàn, người dân coi như cây quế như 'vàng xanh' bởi giá trị kinh tế mà nó mang lại.

Ngôi đình thờ ông tổ của cây quế

Huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) được coi là vùng đất tổ của cây quế. Hiếm nơi nào người dân lại trồng nhiều quế như xã Viễn Sơn (huyện Văn Yên). Từ dưới thung sâu tới các triền núi cao, đặt chân tới đâu cũng gặp những đồi quế trùng điệp.

Ngôi đình Tháp Cái ở xã Viễn Sơn thờ các vị thành hoàng làng và ông tổ cây quế Văn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngôi đình Tháp Cái ở xã Viễn Sơn thờ các vị thành hoàng làng và ông tổ cây quế Văn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngôi đình Tháp Cái nằm giữa những đồi quế ngút ngàn là nơi thờ các vị thành hoàng làng và thờ ông tổ của cây quế Văn Yên. Trong ngôi đình, những miếng vỏ quế lớn của cây quế cổ thụ và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây quế được người dân sắp đặt trang nghiêm.

Ông Lý Tiến Thành - Bí thư thôn Tháp Cái kể: Nhắc đến cây quế thì phải nhớ đến ông Bàn Phú Sáu, người đầu tiên tìm ra cây quế đưa về trồng và dạy dân cách trồng, chăm sóc, dân bản gọi ông là ông tổ cây quế.

Ông Bàn Phú Sáu là một trong những người đầu tiên đưa gia đình về khai khẩn, lập bản ở Viễn Sơn, một lần vào rừng săn bắn, ông đuổi theo một con hươu vào tận rừng sâu và nhìn thấy một cây to, có rất nhiều quả, trên cây có đàn chim đang ăn quả. Lại gần cây lạ, ông thấy từ cây tỏa ra mùi thơm, lấy lá cây ăn thử thấy có vị cay ngọt, thơm nồng. 

Trong đình Tháp Cái có trưng bày nhiều sản phẩm đặc sắc của cây quế. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong đình Tháp Cái có trưng bày nhiều sản phẩm đặc sắc của cây quế. Ảnh: Thanh Tiến.

Mang một cây nhỏ về trồng cạnh nhà để làm bóng mát, những năm sau cây lớn lên cho ra rất nhiều quả, ông đem hạt đi trồng quanh nhà, trên nương và vận động, dạy dân bản cách trồng. Mới đầu, người dân chỉ dùng loại cây này để làm thuốc chữa bệnh và hương liệu. Sau một thời gian, có nhiều người miền xuôi lên mua vỏ quế mang đi khắp nơi để làm thuốc và hương liệu. Thấy cây lạ vừa chữa bệnh, lại mang lại thu nhập nên dân làng trồng khắp núi đồi và gọi theo tiếng Dao là “phinh gia húa” (cây của tiên gia), sau này gọi là cây quế và được người Dao cùng các dân tộc trong vùng trồng ngày càng nhiều.

Trải trải qua hơn 200 năm, đình Tháp Cái vẫn tồn tại gắn bó với cộng đồng người Dao ở vùng đất Viễn Sơn. Hàng năm, người dân trong xã lại tổ chức lễ hội gắn với các nghi thức tâm linh và dâng lên đình những sản phẩm đặc sắc nhất từ cây quế. 

Nhiều đại gia từ rừng quế

Viễn Sơn là xã vùng cao của huyện Văn Yên, có trên 900 hộ dân với hơn 3.800 nhân khẩu, trong đó người Dao chiếm 75%. Cây quế đã gắn bó thủy chung với người Dao ở Viễn Sơn từ trong tâm tưởng, ký ức đến đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất. Trải qua nhiều thế hệ, người Dao xã Viễn Sơn vẫn coi quế là cây trồng chủ lực và là một trong những nguồn thu nhập chính.

Một ngôi nhà khang trang mới xây dưới chân đồi quế. Ảnh: Thanh Tiến.

Một ngôi nhà khang trang mới xây dưới chân đồi quế. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Hiện trong xã có rất nhiều đại gia sở hữu cả rừng quế rộng lớn san sát nhau, từ đồi này sang đồi khác, hộ ít có vài ba ha, hộ nhiều cả chục ha. Hiện nay, nhiều hộ dân có thu nhập vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm. Ở đây có những rừng quế với những “cụ quế” cao tuổi, có đường kính 40 - 50cm, trên vỏ đã ngả màu nâu vàng. Đi dưới những rừng quế xanh ngút mắt, chiêm ngưỡng những ngôi nhà khang trang mới hiểu vì sao người Dao coi cây quế như “kho vàng xanh”.

Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, ở Viễn Sơn có hai HTX nổi tiếng về sản xuất, chế biến quế là HTX Công Tâm và Cộng Lực. Đặc biệt, 6 bản người Dao thuộc HTX Cộng Lực khi đó đã được nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nhờ thành tích phát triển diện tích quế.

Đến nay, xã Viễn Sơn đã phát triển diện tích quế lên gần 2.500ha, mỗi năm người dân bán ra thị trường trên 600 tấn quế vỏ, hơn 4.000m3 gỗ quế và hàng trăm tấn tinh dầu, đem về thu nhập gần 50 tỷ đồng. Đến năm 2021, xã vùng cao Viễn Sơn đã được tỉnh Yên Bái công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2010, vùng quế Viễn Sơn và 7 xã trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, huyện Văn Yên đã sở hữu vùng quế lớn nhất nước với giống quế được coi tốt nhất, có hàm lượng tinh dầu cao.

Cây quế được trồng bạt ngàn ở xã Viễn Sơn (huyện Văn Yên) - nơi được coi là đất tổ của vùng quế Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Cây quế được trồng bạt ngàn ở xã Viễn Sơn (huyện Văn Yên) - nơi được coi là đất tổ của vùng quế Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo Chủ tịch xã Bàn Phúc Hín, chính quyền xã luôn xác định cây quế là cây chủ lực, vì vậy luôn có kế hoạch bảo vệ, bảo tồn và phát triển cây quế, hàng năm đều giao chỉ tiêu cụ thể trong việc trồng, chăm sóc và phát triển cây quế. Đặc biệt, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến sản phẩm quế, nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm quế. Chú trọng bảo tồn những cây quế, đồi quế lâu năm để cung cấp hạt giống tốt, giữ nguồn gen quế quý của địa phương; quản lý tốt việc thu hái, gieo ươm quế giống trên địa bàn để cung cấp cho nhân dân sản xuất.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.