Chiều 18/8, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với bà Mette Ekeroth – Phó Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp giữa hai nước.
Bà Mette Ekeroth cho biết Việt Nam - Đan Mạch có lịch sử hữu nghị lâu đời và mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Chuyến thăm của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến sang Đan Mạch hồi năm ngoái đã góp phần bổ sung và giúp cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thú y thành công hơn nữa. Nhờ đó, cơ quan thú y của hai bên đã hợp tác chặt chẽ để tiến thành thanh tra, kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất thịt bò và xương bò tại Đan Mạch.
Bên cạnh đó, giai đoạn 1 và 2 của Chương trình “Hợp tác chiến lược ngành về an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn” (SSC) giữa Việt Nam và Đan Mạch đã diễn ra rất thành công và đạt được các kết quả cụ thể như hỗ trợ Cục Chăn nuôi về mảng quản lý thức ăn chăn nuôi, Cục Thú y xây dựng Thông tư về cây thuốc thú y và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thông tư về truy xuất nguồn gốc.
“Theo tôi được biết, phía Việt Nam rất muốn tiếp tục hợp tác với Đan Mạch và đã có những cam kết mạnh mẽ giữa Bộ NN-PTNT và Đan Mạch để triển khai hợp tác trong giai đoạn tiếp theo. Ở giai đoạn tiếp theo dự kiến diễn ra từ năm 2024-2026, tôi hy vọng Bộ sẽ hỗ trợ để tiếp tục chương trình vào năm tới”, bà Mette Ekeroth – Phó Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch cho biết.
Bà Ekeroth cũng đề cập đến vấn đề tiếp cận thị trường. Việt Nam và Đan Mạch đã kỹ kết Thỏa thuận Thú y và có mẫu giấy chứng nhận thú y nhiều năm cho các sản phẩm thịt bò và nội tạng đỏ từ năm 2015. Từ đó, đến nay một số công ty Đan Mạch đã xuất khẩu các sản phẩm này sang Việt Nam.
Từ 2020, Đan Mạch đề nghị xin được bổ sung sản phẩm thịt bò có xương vào danh sách nhập khẩu của Việt Nam. Cục Thú y hai bên đã trao đổi ý kiến về giấy chứng nhận thú y đối với xương bò bổ sung song chưa đi đến thống nhất. Phía Đan Mạch mong chờ ý kiến từ Cục Thú y của Việt Nam để xúc tiến xuất khẩu sản phẩm thịt bò có xương sang Việt Nam sớm.
Ở chiều ngược lại, Đan Mạch cũng khuyến khích Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường nước này và Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) cũng giúp tạo điều kiện thuận lợi để xúc tiến thương mại hai bên.
Trả lời về sản phẩm thịt bò có xương của Đan Mạch, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tháng 9/2022, Cục đã cử đoàn sang Đan Mạch để kiểm tra và đánh giá thực tiễn. Sau đó, Cục đã thông báo kết quả và trên cơ bản đồng ý đề nghị của phía Đan Mạch bổ sung sản phẩm này trong giấy chứng nhận kiểm định.
Đan Mạch có khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm động vật vào Việt Nam, trong đó có khoảng 40 doanh nghiệp là sản phẩm thịt.
Trong khi đó, Việt Nam có lĩnh vực chăn nuôi phát triển mạnh, có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi chăn nuôi và có nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong.... Ông Long cho biết, phía Việt Nam mong muốn xuất khẩu sản phẩm thịt ức gà sang Châu Âu, trong đó có thị trường Đan Mạch. Ông đề nghị phía Đan Mạch tạo điều kiện mở cửa thị trường với sản phẩm này của Việt Nam.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết sẽ giao các Cục, Vụ có liên quan phối hợp với phía Đan Mạch để tiếp tục triển khai Chương trình SSC ở giai đoạn 3 và đề nghị phía Đan Mạch chuẩn bị kế hoạch cụ thể trong thời gian ngắn nhất gửi Bộ.
Về kim ngạch thương mại hai bên, Thứ trưởng nhìn nhận, tiềm năng, lợi thế của thị trường hai nước rất lớn. Song kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 500 triệu USD. Thứ trưởng giao đại diện Cục Thú y làm việc để sớm cho phép nhập thịt bò có xương của Đan Mạch và đề nghị phía Đan Mạch làm việc với cơ quan chuyên môn để sớm mở cửa thị trưởng với sản phẩm ức gà Việt Nam, từ đó tăng cường thương mại hai chiều tương xứng với tiềm năng của hai nước.