Sáng 7/7, Sở NN-PTNT Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Trị (VFBC) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam (WV) tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm cà phê Arabica huyện Hướng Hóa năm 2023.
Cà phê Arabica Catimor (cà phê chè) được trồng tại Quảng Trị từ năm 1994 và nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh.
Tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh hơn 3,9 nghìn ha, chủ yếu tập trung tại huyện Hướng Hóa; năng suất trung bình đạt 11,5 tạ/ha, sản lượng nhân gần 4,5 nghìn tấn. Cây cà phê đã đem lại công ăn việc làm, tạo sinh kế ổn định cho hơn 8 nghìn hộ dân.
Cà phê Arabica Hướng Hóa nổi tiếng thơm ngon, đã được cấp nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh", có 4 sản phẩm OCOP 4 sao, đã tham gia chuỗi giá trị cà phê Việt Nam và toàn cầu. Hiện có 10 doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và đã trao đổi với các HTX tại Hướng Hóa, 4 doanh nghiệp xúc tiến ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 1 hợp đồng liên kết chế biến cà phê Arabica.
Cùng với sự phát triển của nghề trồng cà phê, 34 đơn vị thu mua, sơ chế, chế biến cà phê cũng đã hình thành và phát triển. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% sản lượng được các doanh nghiệp, HTX sơ chế, chế biến để bán ra thị trường.
Những năm gần đây, các cơ sở sản xuất, HTX bắt đầu tiếp cận được một số thị trường cao cấp như Đức, Ý, Hà Lan, Nhật Bản và Úc nhưng với số lượng ít ỏi.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho hay, cây cà phê có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền tây Quảng Trị, góp phần xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, sản xuất cà phê tiềm ẩn nhiều rủi ro; thị trường tiêu thụ không ổn định. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới còn hạn chế. Diện tích cà phê già cỗi tăng cao làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Mặt khác, chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ; các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê bộc lộ nhiều điểm yếu...
Để thúc đẩy ngành hàng cà phê, thời gian qua, cùng với các chính sách của Trung ương, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh Quảng Trị tích cực phối hợp với các sở, ban ngành mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê.
Mục tiêu của Quảng Trị là duy trì và ổn định diện tích 5 nghìn ha; đảm bảo có ít nhất 1 nghìn ha cà phê được tái canh đến năm 2026, trong đó có 50ha cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; phát triển 60ha cà phê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa). Đến năm 2030, Quảng Trị quyết tâm hoàn thành tái canh cà phê già cỗi bằng bộ giống cà phê chè chất lượng cao, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật.
“Hội nghị là cơ hội để ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương lắng nghe ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp, người sản xuất và các ý tưởng góp ý của các đại biểu để góp phần hoàn thiện môi trường đầu tư, chính sách hỗ trợ nhằm thực hiện tốt hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê ổn định và bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người trồng cà phê trong thời gian tới.
Chính phủ Đan Mạch cũng đã quyết định hỗ trợ Quảng Trị 1,2 triệu USD thực hiện dự án sản xuất cà phê không gây mất rừng. Đây là cơ hội để Quảng Trị phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp”, bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị chia sẻ.
Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu giữa 2 HTX với 10 tổ nhóm sản xuất và 5 hợp đồng liên kết giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm cà phê thóc, cà phê nhân giữa các doanh nghiệp với các tổ nhóm sản xuất và các HTX sản xuất cà phê với diện tích 250ha, sản lượng liên kết trung bình năm khoảng 300 tấn cà phê thóc và 5 tấn cà phê nhân, giá trị hợp đồng gần 20 tỷ đồng.
Bên lề hội nghị, các đại biểu đã tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm từ cà phê đặc sản Arabica Khe Sanh thông qua 20 gian hàng giới thiệu của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn.
Trải qua trăm năm dâu bể, đến nay, cà phê Khe Sanh mới tìm lại được vị thế và khẳng định thương hiệu cà phê chất lượng thơm ngon nhất Việt Nam, vươn ra thế giới qua ngôi vị quán quân cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” năm 2021 do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Năm 2022, cà phê Khe Sanh lại được Giải Bạc cuộc thi “Coffees Roasted at the Origin” dành cho những nhà sản xuất và chế biến nhỏ trên thế giới do Tổ chức phi chính phủ AVPA (The Agency for the Valorization of Agricultural Products) tổ chức tại Paris, Pháp.