Từ những bài hát đầu tiên được ký bút danh Phong Nhã, thay cho tên thật Nguyễn Văn Tường, ông đã quyết định chọn con đường riêng mình: phục vụ tuổi thơ.
Ngoài bài hát nổi tiếng nhất “Ai yêu Bác Hồ hơn thiếu niên nhi đồng”, nhạc sĩ Phong Nhã còn có ca khúc “Cùng nhau ta đi lên” được chọn làm bài hát truyền thống của Đội Thiếu niên tiền phong.
Với hơn 200 ca khúc viết cho nhi đồng và viết vì nhi đồng, nhạc sĩ Phong Nhã đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Bên cạnh việc sáng tác, ông có gần 1/4 thế kỷ làm Tổng Biên tập báo Thiếu Niên Tiền Phong.
Nhạc sĩ Phong Nhã lập gia đình muộn hơn bạn bè cùng trang lứa. Quá tuổi 30, ông mới kết duyên cùng bà Đàm Thị Sản là một người phụ nữ đồng hương Duy Tiên - Hà Nam.
Căn nhà đơn sơ của nhạc sĩ Phong Nhã ở phố Thanh Nhàn - Hà Nội là nơi thường xuyên lui tới của những người yêu âm nhạc thiếu nhi.
Sinh thời, nhạc sĩ Phong Nhã băn khoăn: “Ngày trước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có Ban Sáng tác thiếu nhi, cũng làm được khá nhiều việc.
Bây giờ thì không còn ban nữa, mà bài hát cho thiếu nhi thì ít người quan tâm nên gần như đã thành một mảng trống.
Gần đây có một số bài hát cho trẻ con, vận dụng pop, rock... Cũng được, nhưng phần nào hụt hẫng và khó phổ biến. Nếu đi vào dân tộc, vào truyền thống thì có thể hợp hơn”.
Ở Việt Nam, số lượng nhạc sĩ chuyên viết cho thiếu nhi không nhiều, có thể kể đến Bùi Đình Thảo, Trần Viết Bính, Phạm Tuyên… Trong đó, nhạc sĩ Phong Nhã là người suốt đời dành tất cả tâm huyết với những giai điệu đồng hành lứa tuổi nhi đồng. Vì vậy, nhạc sĩ Phong Nhã mất đi, để lại một khoảng trống khó thay thế!