Tối 11/5, tại Hải Phòng đã diễn ra chương trình Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” gắn với kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà của Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO).
Ngoài Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nhiều lãnh đạo Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương, đại diện các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước cùng hàng vạn người dân đã tham dự, tạo nên sự thành công ngoài mong đợi cho sự kiện.
Đây là lần đầu tiên TP Hải Phòng tổ chức chương trình này tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính ở Bắc Sông Cấm để khẳng định tầm nhìn, sự quyết tâm trong việc mở rộng không gian đô thị, dư địa phát triển mới, đưa Hải Phòng trở thành đô thị phát triển thành đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.
Với không gian mới rộng rãi, hiện đại, giao thông tiện lợi, chương trình được tổ chức chuyên nghiệp, hoành tráng và long trọng nên khán đài sân khấu Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 với sức chứa 18 nghìn người đã được phủ kín người.
Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2024 có dấu ấn đặc biệt, bởi Hải Phòng và Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, là di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Từ năm 1992, tỉnh Quảng Ninh đã lập hồ sơ trình và năm 1994 vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, tiếp đó đến năm 2000 được ghi danh lần thứ 2.
Phát huy lợi thế này, với vị thế thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung cho phát triển du lịch và đạt nhiều thành tích ngoạn mục với 9 năm liên tiếp có GRDP đạt trên 10%/năm.
Để nâng tầm giá trị vịnh Hạ Long, từ năm 2011 Quảng Ninh và Hải Phòng đã thống nhất và song hành lập hồ sơ trình UNESCO để vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào ngày 16/9/2023. Ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định, Hải Phòng cùng với Quảng Ninh sẽ xây dựng chương trình hành động, nhằm bảo tồn, phát huy tối đa giá trị đối với di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
“Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, Hải Phòng rất coi trọng giá trị văn hóa và đời sống tinh thần của người dân, xem đây là động lực, là mạch nguồn của sự phát triển. Với truyền thống lịch sử - văn hóa - con người Hải Phòng, cùng với những di sản văn hóa đã được vinh danh sẽ là tiền đề là động lực quan trọng để thành phố phấn đấu phát triển đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và thực sự trở thành động lực phát triển của cả nước”, ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định.
Chúc mừng TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, ông Jonathan Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, việc ghi danh quần thể Di sản thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là kết quả từ những nỗ lực phi thường của các địa phương, của người dân và những người đã làm việc rất tích cực để giữ gìn, bảo vệ tài sản thiên nhiên quý giá và độc đáo này, đặt di sản này ở mức độ bảo vệ cao nhất.
Tầm nhìn dài hạn của Hải Phòng và Quảng Ninh với sự phát triển chung thông qua sự kết hợp như vậy rất đáng trân trọng, UNESCO đánh giá cao sự liên kết chặt chẽ này.
Trong những năm qua, UNESCO đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc giữ gìn và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú cùng các giá trị địa chất đặc biệt của quần đảo Cát Bà trong bối cảnh kinh tế vùng Đông Bắc phát triển nhanh chóng.
Cát Bà đã được UNESCO ghi danh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004 và các cơ quan liên quan trong khu vực đã cùng nhau hợp tác để thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững cũng như bảo tồn di sản thiên nhiên tuyệt vời này.
Việc được ghi danh vào danh sách Di sản thế giới, Cát Bà đã nhận được sự công nhận cao nhất của UNESCO, trở thành một khu di sản có giá trị nổi bật toàn cầu của nhân loại. Danh hiệu Di sản thế giới sẽ góp nâng cao vị thế cũng như mang lại nhiều cơ hội lớn dành cho Hải Phòng bởi sự quan tâm đặc biệt của công chúng, của đối tác, của các nhà đầu tư.
Ông Jonathan Baker lưu ý, sau khi được ghi danh, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh sẽ còn nhiều việc phải làm phía trước để đạt được mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững, trong đó có những hành động cần làm ngay để đảm bảo việc gìn giữ quần thể Di sản thế giới này theo đúng các yêu cầu của Công ước về Di sản thế giới.
Việc thực hiện các cam kết đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ là 1 trong 21 quốc gia thành viên của UNESCO từ năm 2024.
Bên cạnh đó, các định hướng phát triển như tăng trưởng du lịch đi đôi với kế hoạch quản lý chặt chẽ, tăng cường thực thi các quy định, phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan để đảm bảo sự phân bổ nguồn lực thỏa đáng và tăng cường nghiên cứu sẽ góp phần đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển khu di sản.
“Tôi đề nghị TP Hải Phòng, các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan của Việt Nam tiếp tục cam kết thực hiện 5 khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới trong Quyết định ghi danh Di sản thế giới mở rộng từ vịnh Hạ Long sang quần đảo Cát Bà. Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam và cá nhân tôi sẽ sẵn sàng đồng hành cùng địa phương và các đối tác liên quan trong hành trình này”, ông Jonathan Baker đề nghị.
Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là sự kiện chính trị - văn hóa, xã hội, niềm tự hào của người dân Hải Phòng diễn ra thường niên vào tháng 5, gắn với kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955). Lễ hội góp phần quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa, hình ảnh thành phố; xây dựng thương hiệu, nâng cao vị thế, uy tín của Hải Phòng với người dân trong nước và bạn bè quốc tế…
So với những năm qua, chương trình Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2024 sở hữu nhiều điểm mới liên quan địa điểm tổ chức, công nghệ hiện đại, cách thức dàn dựng nghệ thuật sáng tạo với sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên.
Tổng kinh phí cho chuỗi sự kiện của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ ước tính khoảng 45-50 tỷ đồng từ ngân sách và xã hội hóa. Trong đó, kinh phí chi riêng cho chương trình nghệ thuật “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” hết khoảng 25 tỷ đồng.