| Hotline: 0983.970.780

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đón tin vui

Chủ Nhật 17/09/2023 , 05:59 (GMT+7)

UNESCO đánh giá, thảm rừng nguyên sinh vào khoảng 1.045,2 ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học.

Khu vực vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là nơi đại diện cho 7 hệ sinh thái liền kề. Ảnh: Nhật Quang.

Khu vực vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là nơi đại diện cho 7 hệ sinh thái liền kề. Ảnh: Nhật Quang.

Nơi trú ngụ nhiều động, thực vật quý hiếm

Lúc 21h ngày 16/9 (giờ Việt Nam), tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia), Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) đã chính thức gõ búa công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới. Đây là sự kiện truyền thông quốc tế, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam ra thế giới.

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO đánh giá là nơi có vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, có giá trị nổi bật toàn cầu, là điểm cuối trong quá trình tiến hóa karst, nơi đây là môi trường sống của nhiều loài động vật quý hiếm và là đại diện cho 7 hệ sinh thái liền kề.

Nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với các đặc điểm karst liên quan như các mái vòm và hang động. Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là xứ sở của những dãy núi đã kỳ vỹ trên biển và những hang động. Các yếu tố đá, nước, rừng tạo thành một thế giới thiên nhiên muôn màu, đẹp và hấp dẫn hiếm có. Tại đây, màu xám của đá núi, sắc xanh lá cây rừng, sự chuyển tiếp giữa màu xanh biển sâu và màu lam trong các hồ nước cho tới các tùng áng và vịnh hẹp ẩn khuất trên biển. Đáng nói, cảnh quan biến màu mỗi khi trời bắt đầu mưa, đá vôi xám ngay lập tức chuyển sang tông màu sẫm do lớp tảo lục lam trên bề mặt bị dầm nước.

Quần đảo Cát Bà là nơi duy nhất có loài voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus). Ảnh: Huy Cầm.

Quần đảo Cát Bà là nơi duy nhất có loài voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus). Ảnh: Huy Cầm.

Việc mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà sẽ tăng thêm giá trị vốn có của di sản, được minh chứng qua sự hài hòa về cảnh quan, địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng về các loài động thực vật.

Theo Chi cục Kiểm lâm Vùng I, khu vực vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc danh lục đỏ IUCN, 51 loài đặc hữu.

UNESCO đánh giá, rừng nguyên sinh vào khoảng 1.045,2 ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của khu vực. Trong đó về động vật, ở đây có những loài quý hiếm bậc nhất của thế giới, không nơi nào có như: Voọc Cát Bà, thạch sùng mí,… Đặc biệt, voọc Cát Bà là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào sách Đỏ thế giới. Đến nay, còn khoảng trên 70 cá thể, phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều loại thực vật đặc hữu, chỉ thích nghi sống ở các đảo đá vôi, mà không nơi nào trên thế giới có được, đó là: thiên tuế Hạ Long, khổ cử đài tím, cọ Hạ Long, móng tai Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long, hài vệ nữ hoa vàng...  Bên cạnh đó, các loài cây lá mọng hoặc trông xù xì như xương rồng Euphorbia antiquorum, huyết giác Dracaena cambodiana, chi tuế Cycas sp, dây leo không lá tiết căn Sarcostemma acidum,… đã góp phần mang lại cho thảm thực vật ở đây một dáng vẻ chống chịu hạn của thực vật sa mạc.

Rừng nguyên sinh vào khoảng 1.045,2 ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của khu vực. Ảnh: Nhật Quang.

Rừng nguyên sinh vào khoảng 1.045,2 ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của khu vực. Ảnh: Nhật Quang.

Với khu vực Vườn quốc gia Cát Bà, có một bồn trũng gần bến tàu Việt Hải bị che phủ phần lớn bởi một đầm lầy nước ngọt với các tán cây hỗn hợp. Men theo đường vào làng, thảm thực vật rừng nhường chỗ cho những cánh đồng lớn với cây lau sậy Phragmites karka.

Mặc dù có tầm quan trọng thứ yếu và không phát huy được nhiều giá trị kinh tế, nhưng mỗi đầm lầy nước ngọt dường như có những đặc điểm khác nhau, nhiều đầm còn hoàn toàn nguyên sơ, một số là nơi cư ngụ cho những loài đặc biệt như Combretocarpus, đây là điểm hiếm có tại các vùng đất ẩm ướt nước ngọt.

Bên cạnh đó, nằm rải rác trong khu vực là 138 hồ nước mặn được hình thành từ các hố sụt, phễu karst và thung lũng kín. Các hồ nước này, chiếm khoảng 1/3 tổng số hồ nước mặn trên thế giới, là nơi lưu giữ những loài cổ xưa, quý hiếm, có giá trị lớn cho việc bảo tồn và nghiên cứu khoa học, vừa là môi trường thuận lợi cho các loài sinh vật tiến hóa.

“Một khu vườn sinh thái độc đáo, một khu bảo tồn thiên nhiên nguyên vẹn, cùng hệ thống núi đá vôi karst, hang động phong phú, hệ sinh thái đặc trưng kết hợp với âm thanh ồn ào sóng vỗ, của nhịp sống dân cư, tạo nên phong cảnh kỳ vỹ, tràn đầy sức sống của thiên nhiên và con người”, anh Nguyễn Trọng Tiến, một du khách đến từ Hà Nội trầm trồ.

Đường xuyên đảo Cát Bà. Ảnh: Nhật Quang.

Đường xuyên đảo Cát Bà. Ảnh: Nhật Quang.

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển bao gồm: hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn. Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.

Khẳng định với thế giới về bảo tồn

Ông Nguyễn Văn Thịu – Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà cho biết, sự chuẩn bị về công tác bảo tồn để quần đảo Cát Bà cùng với vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới đã được thành phố Hải Phòng chỉ đạo nhiều năm nay.

Đầu tiên đó là việc sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản, các nhà hàng nổi để trả lại cảnh quan thiên nhiên. Thứ hai là tháo dỡ các công trình vi phạm trong Vườn quốc gia để phục vụ cho mục đích bảo tồn. Thứ ba là thực hiện hàng loạt biện pháp lâm sinh để làm giàu rừng cũng như khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng. Thứ tư là thành lập các tổ xung kích bảo vệ rừng, các cụm phòng cháy chữa cháy rừng tại các xã vùng đệm Vườn quốc gia Cát Bà. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái ở Cát Bà.

Ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà chia sẻ với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nhật Quang.

Ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà chia sẻ với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nhật Quang.

“Đây là một số biện pháp để bảo tồn rừng và thiên nhiên ở Cát Bà, cái này thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, các địa phương cũng đã vào cuộc. Đặc biệt, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ cũng như chung tay bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên”, ông Thịu chia sẻ.

Cũng theo ông Thịu, việc vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới là một tin rất vui, là thông điệp để người dân Việt Nam và người dân các nước hiểu được rằng quần đảo Cát Bà là di sản của thế giới. Do vậy để giữ gìn những lợi ích, giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho nhân loại, phải có trách nhiệm chung, cũng nhau gìn giữ.

Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và khẳng định với thế giới rằng, chúng ta làm tốt công tác giữ gìn, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Dù chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng vẫn làm tốt công tác bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, phong cảnh đẹp của nhân loại.

“Trong thời gian tới, các địa phương, các cơ quan chức năng liên quan được giao tăng cường công tác quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như xử lý các hành vi vi phạm xâm hại đến sự đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên trên quần đảo Cát Bà. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác làm giàu rừng, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế để làm tốt hơn cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy được giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng”, ông Thịu khẳng định.

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là điểm cuối của quá trình tiến hóa Karst

Nơi đây được UNESCO đánh giá là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản giá trị cần được gìn giữ, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển trái đất. Vùng biển này gồm nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ nguyên đại cổ sinh đến tân sinh. Nhiều hệ tầng trầm tích ở khu vực này chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới các dạng hoá thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành động, thực vật đã tuyệt diệt hoặc gần như tuyệt diệt trên Trái đất.

Sự hiện diện của rừng nguyên sinh, vịnh và những hòn đảo trên vịnh là những minh chứng độc đáo về quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình karst, hệ fengcong và fenglin hình thành qua hàng triệu năm trong điều kiện nhiệt đới, ẩm, diễn tiến lớn từ các dãy núi cao xuống đến biển, nơi địa hình karst cuối cùng đạt tới mực xâm thực cơ bản.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.