
Ông Jim Skea, Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), phát biểu khai mạc phiên họp thứ 62, diễn ra từ ngày 24-28/2. Ảnh: IPCC.
Ngày 24/2, phiên họp thứ 62 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã khai mạc tại Hàng Châu, Trung Quốc. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh năm 2024 được các bên tham gia ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử và sự báo động về tốc độ nóng lên của Trái Đất ngày càng gia tăng.
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch IPCC, ông Jim Skea, nhấn mạnh rằng phiên họp này có vai trò quan trọng trong việc triển khai Báo cáo Đánh giá thứ 7 về biến đổi khí hậu của tổ chức. Các quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc trong buổi khai mạc cũng đề cập đến tính cấp bách của tình hình hiện tại.
Bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cảnh báo rằng dù mục tiêu của Hiệp định Paris là giữ nền nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp "vẫn khả thi", nhưng thế giới đang tiến sát đến ngưỡng này.
Bà cảnh báo rằng "thời gian không đứng về phía chúng ta", đồng thời kêu gọi các quốc gia cần hành động dứt khoát, đầy tham vọng để đạt được những kết quả có tác động thực sự. Đại diện Liên hợp quốc cho biết việc trì hoãn các biện pháp cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ khiến đẩy nhân loại rơi vào tình thế không thể đảo ngược, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và đời sống con người.

Bà Ko Barrett, Phó Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO): Những báo cáo của IPCC được dùng như cơ sở khoa học để các quốc gia hoạch định chính sách ứng phó đa tác động. Ảnh: IPCC.
Cũng tại phiên họp, bà Ko Barrett, Phó Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhấn mạnh rằng những nghiên cứu khoa học không chỉ có giá trị học thuật mà còn là cơ sở quan trọng giúp các chính phủ đưa ra các chính sách ứng phó với những thách thức phức tạp của biến đổi khí hậu.
Theo bà Barrett, năm 2024 đã ghi nhận mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên khoảng 1,55 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vượt xa các dự báo trước đó và tiến gần hơn đến ngưỡng nguy hiểm.
Kể từ cuối thế kỷ 19, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất đã tăng hơn 1,1 độ C, đủ để khuếch đại mức độ thảm họa thời tiết ở mọi châu lục. Bên cạnh đó, đã có những dự đoán tương tự về sức khỏe, hệ thống lương thực toàn cầu và hiệu suất kinh tế.
Một ví dụ điển hình thời tiết cực đoan, gần đây tại Rio de Janeiro, Brazil, nhiệt độ thực tế vào ngày 18/2 tại thành phố này đạt mức 44°C, trong khi nhiệt độ cảm nhận vào ngày 17/2 đã vượt ngưỡng 62°C tại khu vực phía tây thành phố. Đây là mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận tại Rio de Janeiro kể từ năm 2014 buộc chính quyền thành phố đã phải ban hành cảnh báo mức 4 trên thang 5 cấp về nắng nóng.
Trước những thực tế này, phiên họp lần thứ 62 của IPCC đặt ra nhiệm vụ cấp bách: làm thế nào để các quốc gia có thể tăng tốc thực hiện các biện pháp cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng thế giới cần đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường. Chỉ khi có sự hợp tác toàn cầu và những cam kết mạnh mẽ, nhân loại mới có thể tránh được những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu trong tương lai.