Mở rộng hệ thống cấp nước sạch
Đợt hạn mặn 2023 - 2024, tình trạng thiếu nước ngọt ở Sóc Trăng diễn ra trầm trọng. Chính quyền tỉnh này đã tìm rất nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tuy nhiên, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng quan ngại, mạch nước ngầm hiện ngày càng thiếu hụt, không sạch và ngọt như xưa. Nhiều nơi, dù khai thác ở độ sâu 500 - 600m, nước ngầm vẫn có mùi bùn, tạp chất và bị nhiễm mặn. Do đó, việc đảm bảo nguồn nước sạch, nước ngọt là ưu tiên hàng đầu của tỉnh.

Mạch nước ngầm ở Sóc Trăng hiện đang suy giảm cả về khối lượng và chất lượng. Ảnh: Kim Anh.
Hiện, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sóc Trăng) đang quản lý, vận hành 140 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Các công trình có công suất thiết kế từ 168 - 2.874m3/ngày đêm, tổng lưu lượng là 116.508 m3/ngày đêm. Lưu lượng khai thác bình quân là 90.000 m3/ngày đêm. Tổng chiều dài tuyến ống cấp nước đang quản lý hơn 3.600km, phục vụ cấp nước cho hơn 149.000 hộ dân nông thôn.
Để cung cấp nước sạch kịp thời cho người dân trong đợt hạn mặn năm nay, tỉnh Sóc Trăng đang triển khai “Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, ngành cấp nước đã lập hồ sơ xin cấp phép khoan bổ sung giếng cho 15 trạm, hệ cấp nước và điều chỉnh nâng lưu lượng khai thác cho 21 trạm, hệ cấp nước.
Đồng thời, triển khai lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời), quan trắc và giám sát chất lượng nước tại 7 Trạm cấp nước: Vĩnh Tân, Vĩnh Hiệp, Khánh Hòa, Trường Khánh 2, An Thạnh 2, Long Hưng, Mỹ Hương 2 (thuộc Dự án thí điểm ứng dụng năng lượng tái tạo và giám sát chất lượng nước cho các công trình cấp nước tập trung).

Vào các đợt hạn mặn gay gắt, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Sóc Trăng phải điều động phương tiện vận chuyển nước cấp cho khu vực bị thiếu hụt. Ảnh: Kim Anh.
Ngoài ra, năm 2023, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Dự án công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng được đầu tư 91 tỷ đồng để xây mới 4 công trình cấp nước tập trung (An Thạnh Tây, An Thạnh Nam, Vĩnh Tân, Lạc Hòa) và 2 công trình mở rộng đường ống cấp nước với chiều dài trên 46.000m, phục vụ cho 4.670 hộ dân.
Dự kiến các công trình sẽ thi công hoàn thành và đưa vào vận hành cấp nước cho người dân trước ngày 30/9/2025. Góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung từ 64% (năm 2024) lên 68% vào cuối năm 2025 (tăng thêm 10.000 hộ).
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, dự án trên đã giải quyết cơ bản nhu cầu nước sạch cho 100.000 hộ dân ĐBSCL ở thời điểm 2019 - 2020 thiếu nước sinh hoạt. Bộ đã triển khai 3 giải pháp gồm: nối dài đường ống ở những khu vực đã có nhà máy; xây dựng mới nhà máy cấp nước nếu như đó là khu tập trung dân cư; hỗ trợ kinh phí để người dân xây dựng bể tự dự trữ nước. Từ đó, việc cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân và sản xuất nông nghiệp đang được kiểm soát khá tốt.

Dự án công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trên đã giải quyết cơ bản nhu cầu nước sạch cho 100.000 hộ dân ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp quan ngại, tất cả nguồn nước (mặn, ngọt, lợ) đều là tài nguyên, nhưng hiện nay một số vùng ngay sát biển vẫn đang trồng lúa. Về lâu dài, việc sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, bắt buộc người dân phải chuyển đổi và tính đến các sinh kế mới.
Khả năng thiếu nước ở vùng nuôi tôm
Theo kế hoạch nuôi trồng thủy sản năm 2025, tỉnh Bạc Liêu tập trung sản xuất hơn 72.000ha. Nếu xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn dự báo, các tiểu vùng chuyển đổi sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung trong tháng 3/2025. Đặc biệt, độ mặn trong các ao nuôi có khả năng tăng cao, vượt quá ngưỡng thích hợp của tôm trong các tháng cao điểm mùa khô.
Mặt khác, tại vùng Nam Quốc lộ 1A (địa phận tỉnh Bạc Liêu) còn chịu tác động kép của các đợt triều cường diễn ra trong tháng 2 và 3. Mực nước triều dự báo vượt báo động III (ở Trạm thủy văn Gành Hào). Điều này nguy cơ đe dọa đến các ao đầm nuôi tôm, nhất là ở khu vực ven biển.

Ngành chuyên môn tỉnh Bạc Liêu dự báo, khả năng địa phương sẽ thiếu nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Ảnh: Trọng Linh.
Riêng 5 xã phía Tây của huyện Đông Hải là: An Phúc, An Trạch, An Trạch A, Định Thành, Định Thành A, do địa hình thấp, nguy cơ bị ngập do các đợt triều cường. Đặc biệt, khoảng thời gian có thể gây khó khăn cho diện tích tôm nuôi sẽ bắt đầu từ giữa tháng 3 và dự báo có nguy cơ làm 2.000ha nuôi tôm bị ảnh hưởng.
Cũng trong tháng 3, triều cường có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân vùng Nam Quốc lộ 1A. Thực tiễn những năm qua cho thấy, vào mùa khô, một số vùng ven biển hay xảy ra tình trạng nước yếu cục bộ, một số giếng khoan của hộ gia đình bơm khó vì mực nước ngầm bị tụt giảm hoặc nhiễm mặn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Bạc Liêu đã triển khai loạt giải pháp giúp nông dân thích ứng với hạn mặn. Cụ thể, ngành chuyên môn tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng cho vụ lúa trên đất tôm. Tiến hành đóng các hệ thống cống nội đồng để ngăn mặn và giữ ngọt.
Đối với mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con chỉ nuôi 1 - 2 vụ/năm; mô hình tôm thẻ chân trắng thâm canh thả 2 vụ/năm. Trong đó, cần tập trung gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét mương nội đồng để trữ nước trong ao nuôi, nhất là ở vùng Nam Quốc lộ 1A.

Vùng chuyên canh tôm nước lợ ở Bạc Liêu cần được gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét mương nội đồng để trữ nước trong ao nuôi. Ảnh: Trọng Linh.
Đối với khu vực chuyển đổi phía Bắc Quốc lộ 1A (từ tháng 2 - 5/2025) sẽ có thời điểm không thể lấy nước mặn vào những ngày triều cường ở các cống lớn Giá Rai, Hộ Phòng. Bởi thời điểm này, nước mặn có khả năng lên đến phía Bắc huyện Hồng Dân và theo rạch Xẻo Chích xâm nhập qua địa bàn tỉnh Hậu Giang và Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) làm ảnh hưởng đến lúa đông xuân, hè thu ở vùng ngọt ổn định của 3 tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Chính nguyên nhân trên sẽ gây ra hiện tượng thiếu nước mặn cục bộ cho khu vực nuôi trồng thủy sản ở tiểu vùng chuyển đổi.
Do đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Bạc Liêu đề nghị các hộ nuôi trồng thủy sản có kế hoạch gia cố bờ bao, bơm trữ nước mặn vào ao lắng, đầm, vuông, theo dõi tình hình điều tiết nước và chủ động hơn trong sản xuất.