Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:
Vừa qua một số tỉnh định “thịt” cả Trung tâm Khuyến nông
Nhờ Sở NN-PTNT cũng như chính Trung tâm quyết tâm bảo vệ mà vẫn còn. Tuy thế họ vẫn định “thịt” tiếp.
Nhiều địa phương làm quá tả
Khuyến nông là gì? Một câu hỏi tưởng như rất đơn giản nhưng để hiểu được đúng bản chất, mục đích, ý nghĩa của nó thì không hề dễ dàng. “Khuyến” có nghĩa là “khuyến khích”, là “mở rộng”, là “phát triển”. “Nông” đây là “nông nghiệp”, là “nông dân”, là “nông thôn”.
Khuyến nông đã có lịch sử phát triển lâu đời ở cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Do vậy, muốn làm khuyến nông hiệu quả thì cần phải hiểu đúng bản chất và mục tiêu của nó. Để làm khuyến nông không chỉ có Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mà cần phải có một hệ thống đồng bộ từ trung ương tới cơ sở, kết nối chặt chẽ với các cơ quan, đối tác về quản lý, về công nghệ, về thị trường… Làm cái gì cũng phải thiết kế theo hệ thống, chỉ khi hệ thống bền vững thì hoạt động mới trơn tru. Mỗi thời kỳ, giai đoạn hệ thống ấy có thể thay đổi nhưng muốn thay đổi cái gì thì vẫn phải là một hệ thống, một thể thống nhất.
Khuyến nông ngày xưa mạnh, hoạt động hiệu quả, phải công nhận. Nhưng mỗi thời kỳ thì khuyến nông cũng cần có sự thay đổi để cho phù hợp với tiến trình phát triển của thời đại. Giai đoạn mới này, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta có thể tinh giản sao cho hệ thống khuyến nông gọn nhẹ nhất nhưng vẫn hoạt động hiệu quả, phát huy được công suất tối đa, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Ở Kiên Giang vừa qua chúng tôi đã có chuyến khảo sát cùng với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thì họ hình thành các tổ nhóm kinh tế kỹ thuật ở cơ sở để tư vấn cho nông dân, rất tốt. Như ở Vĩnh Phúc, Đảng và chính quyền quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cho hệ thống khuyến nông hoạt động chuyển giao công nghệ từ tỉnh xuống xã nên nông nghiệp phát triển.
Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về tinh giản đầu mối, bộ máy là rất đúng vào giai đoạn này, tuy nhiên khi thay đổi từ mô hình cũ sang mới phải nghiên cứu kỹ để tránh phá vỡ tính hệ thống của nó thì khó mà có thể xây dựng lại được. Việc thực hiện Nghị quyết 18, 19 này với hệ thống khuyến nông tôi thấy một số địa phương làm sáng tạo bởi tinh giản bộ máy mà vẫn duy trì được hệ thống, hoạt động hiệu quả (và đây mới chính là mục tiêu của Nghị quyết 18, 19 “tinh giản để bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả hơn”, chứ không phải tinh giản để “giảm người”, “giảm chi” như cách hiểu của một số người).
Nhưng một số địa phương trong khi tinh gọn lại thiên tả quá như giải thể luôn cả Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Hiện có hai tỉnh đã làm như vậy gồm Lai Châu và Bình Dương. Không còn chữ khuyến nông ở những nơi đó nữa nên khi chúng tôi mời họp cũng chẳng biết phải gửi giấy cho ai. Rất là buồn. Vừa rồi tôi cũng đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu kiến nghị họ ý kiến sang tỉnh để khôi phục lại hệ thống.
Chúng tôi đã thống kê, ở cấp tỉnh có 14 tỉnh, thành phố tiến hành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công ngành NN-PTNT theo hướng hợp nhất, sáp nhập Trung tâm Khuyến nông tỉnh với các đơn vị như Chi cục Trồng trọt - BVTV, Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, Trung tâm Thủy sản, Trung tâm Nước sạch và VSMT, Trung tâm Bồi dưỡng và đào tạo nghề, Trung tâm Kiểm định, Ban Quản lý dự án… Việc sắp xếp, hợp nhất này dẫn đến thay đổi, điều chỉnh về tên gọi, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của khuyến nông tỉnh.
Có 19 tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, thay đổi tên gọi, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, tinh gọn bộ máy cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh (bổ sung các nhiệm vụ như dịch vụ nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quản lý công trình thủy lợi, xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, sản xuất kinh doanh giống…).
Các tỉnh còn lại vẫn đang giữ nguyên mô hình Trung tâm Khuyến nông tỉnh với chức năng nhiệm vụ chính là khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp. Tổng số cán bộ khuyến nông cấp tỉnh hiện có là 1.571 người.
Hệ thống đang gãy thành nhiều đoạn, nhiều khúc
Cấp tỉnh là thế, ở cấp huyện hiện đang tồn tại các loại hình tổ chức khuyến nông như: 1. Mô hình Trạm Khuyến nông huyện trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (18 tỉnh, thành phố với tổng số 165 Trạm Khuyến nông, số lượng cán bộ là 838 người); 2. Mô hình Trạm Khuyến nông huyện trực thuộc UBND huyện (6 tỉnh, thành phố với tổng số 62 Trạm Khuyến nông, số lượng cán bộ là 325 người); 3. Mô hình Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở hợp nhất Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y (36 tỉnh, thành phố đã tiến hành hợp nhất).
Tôi hỏi một cán bộ khuyến nông xã dạng kiêm nhiệm như thế ở tỉnh Sơn La - vùng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đang rất sôi động rằng: “Trong năm qua anh dành bao nhiêu thời gian cho công tác khuyến nông?”. Anh trả lời: “Em chẳng có thời gian nào nghĩ đến điều đó cả bởi còn phải lo việc đo đất, xây dựng…”. Khuyến nông đứt gãy là ở chỗ đó, mà rõ ràng thành chính sách chung của cả tỉnh chứ không hề giấu giếm.
Các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện mới được thành lập có chức năng nhiệm vụ về cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp (bao gồm cả khuyến nông, trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y). Có 2 tỉnh có mô hình khác là tỉnh Lâm Đồng (hợp nhất các Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y để thành lập Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện từ năm 2003) và tỉnh Hà Tĩnh (hợp nhất các Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y để thành lập Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi từ năm 2012). Tên gọi khác nhưng chức năng, nhiệm vụ, mô hình hoạt động tương tự như Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện.
Ở cấp xã, trong quá trình sắp xếp hệ thống tổ chức khuyến nông địa phương theo Nghị quyết 19 đã có những ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến mạng lưới khuyến nông viên cơ sở. Hiện nay có 36 tỉnh, thành phố còn duy trì mạng lưới khuyến nông viên xã với tổng số 6.464 người. Trong đó chỉ 16 tỉnh, thành phố là có khuyến nông viên hoạt động theo hình thức chuyên trách, còn lại hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm với rất nhiều kiểu như cán bộ địa chính, công an, xây dựng kiêm nhiệm… Về chế độ cho khuyến nông xã hiện khá thấp, bình quân được hưởng phụ cấp hệ số 1,0 (1.490.000 đồng/người/tháng).
Khi chúng tôi giao mô hình cho các Trung tâm Khuyến nông tỉnh để thực hiện dưới địa phương thì họ khá lúng túng bởi xuống dưới phải hợp đồng lại Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp làm cho mình. Mà đơn vị này trực thuộc UBND huyện chỉ đạo, trả lương, thành ra phải qua Chủ tịch UBND huyện. Dưới xã cũng thế. Khi thực hiện xong mô hình nếu có khuyến nông cơ sở thì họ sẽ là người duy trì, tuyên truyền mãi mãi cho nó. Còn nếu làm theo kiểu hợp đồng khi hết hạn thì mô hình cũng “tắt ngấm”.
Cộng tác viên khuyến nông thôn, bản, hiện còn rất ít tỉnh duy trì (8 tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đăk Lăk). Các hình thức phổ biến là Trưởng, phó thôn kiêm nhiệm hoặc chi hội nông dân, phụ nữ kiêm nhiệm. Chế độ rất thấp và hoạt động rất hạn chế.
Ngày xưa các Trung tâm Khuyến nông tỉnh mạnh vì còn hệ thống xuyên suốt xuống Trạm Khuyến nông huyện rồi khuyến nông cơ sở ở xã, rất chặt chẽ, có lực lượng, chỉ đạo trực tiếp được. Hệ thống giờ bị cắt đứt thành “nhiều khúc”, “nhiều đoạn” như thế nên công tác phổ biến, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Họ vẫn quyết tâm “thịt” tiếp khuyến nông
Vừa qua một số tỉnh định “thịt” Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhưng nhờ Sở NN-PTNT cũng như chính Trung tâm Khuyến nông tỉnh quyết tâm bảo vệ mà vẫn còn. Tuy thế về phía Sở Nội vụ cũng như Sở Tài chính những tỉnh này vẫn quyết tâm “thịt” tiếp. Một số nơi đã gửi văn bản đến Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỏi ý kiến về sáp nhập Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng như quan điểm về hệ thống khuyến nông.
Chính tôi đã thảo văn bản và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan lúc đó là Thứ trưởng đã ký gửi cho một số tỉnh để khuyên rằng hệ thống khuyến nông rất cần thiết, phải được kết nối từ trên xuống dưới nên cố gắng duy trì dù biết là phải thực hiện Nghị Quyết 18, 19. Ở dưới tỉnh người ta cũng có sức ép, tinh giản bộ máy động đến đơn vị nào cũng khó.
Đúng là sức ép về ngân sách thì phải thông cảm, chia sẻ với họ nhưng không vì thế mà “xóa sổ” hệ thống khuyến nông. Chúng ta có cách để giảm tải sức ép đó đi bằng cách là phải xã hội hóa hoạt động khuyến nông và tăng cường khuyến nông dịch vụ. Những mô hình kiểu thế, ở Hàn Quốc, Đài Loan người ta làm rất tốt.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã định nghĩa rất giản dị và chính xác rằng: “Khuyến nông là khuyến khích, truyền cảm hứng cho nông dân làm nông nghiệp hiệu quả hơn”. Bây giờ thời đại thông tin thì khuyến nông phải đổi mới, hoàn toàn có thể tinh giản được mà vẫn có thể tăng cường năng lực, hiệu quả của hệ thống. Trước vì lý do giao thông, công nghệ còn kém một người chỉ có thể bao quát được phạm vi nhỏ, ngày nay thì có thể bao quát được lớn hơn. Nhưng bộ khung thì không thể tinh giản được bởi nó là hệ thống được thiết kế từ trung ương xuống tỉnh, huyện, xã thành một thể thống nhất.
Tinh giản cán bộ ở những chỗ nào không cần thiết nhưng ở cơ sở phải được tăng cường. Nếu giữ được đội ngũ khuyến nông cơ sở này và tăng cường năng lực cho họ một cách bài bản thì chúng tôi tin rằng họ sẽ đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam: Đồng hành, gắn bó, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của nông dân, hỗ trợ họ, truyền cảm hứng cho họ lao động sáng tạo; Là cầu nối giữa nông dân với khoa học công nghệ, với các cơ quan quản lý, với thị trường; Huấn luyện nông dân để trở lên chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sống, tri thức của người nông dân và giữ gìn bản sắc văn hoá nông thôn Việt Nam.
Không nhất thiết mọi thứ phải lấy nguồn lực từ ngân sách mà ngân sách chỉ cấp để duy trì bộ khung và những nhiệm vụ thiết yếu thôi, còn lại những thứ khác hoàn toàn có thể xã hội hóa được. Doanh nghiệp có thể làm khuyến nông, nông dân có thể làm khuyến nông, các tổ chức chính trị xã hội trong nước và ngoài nước đều có thể làm khuyến nông. Nếu chúng ta biết thiết kế, tổ chức lại thì hệ thống khuyến nông sẽ rất mạnh mà không cần quá nhiều nguồn lực của Nhà nước.
Theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP, chúng tôi vừa qua đã kêu gọi, bắt tay được với nhiều tổ chức quốc tế như Syngenta, FAO (Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc) cũng như các công ty trong nước như Bình Điền, Quế Lâm, Lộc Trời, Đồng Giao… hợp tác trong hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ. Sau này, khi hoạt động hiệu quả họ sẽ phải trả tiền cho hệ thống khuyến nông.
Nhưng phải nhắc lại là nếu như chúng ta giữ được hệ thống khuyến nông thông suốt từ trung ương tới tỉnh, huyện, xã thì sẽ có cách để cho nó hoạt động hiệu quả, còn nếu để nó bị đứt gãy thì hoạt động sẽ rất khó khăn và nếu đã bị mất rồi thì rất khó để khôi phục lại được.
Khuyến nông cơ sở ở xã rất quan trọng bởi cán bộ Trung ương xuống địa phương nói mấy câu rồi đi, cán bộ tỉnh, huyện xuống cũng phải về chứ, cuối cùng ai ở lại? Chính là cán bộ tại chỗ. Bộ Công an vừa qua rất thành công khi đưa công an chính quy về xã, tình hình an ninh trật tự trở nên tốt hơn hẳn. Thì bây giờ chúng ta cũng phải nghĩ khuyến nông cơ sở có vai trò quan trọng như nào đối với các xã, đối với bà con nông dân.
-----
[Kỳ V] Trạm Khuyến nông chưa đầy 20 năm phải chuyển chỗ 12 lần
[Kỳ VI] Ngôi sao sáng Sơn La đang tan rã hệ thống khuyến nông
[Kỳ VII] Chuyện 1 cổ 9 tròng ở Mộc Châu