Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay 4.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Theo ông Sơn, do đây là nội dung rất quan trọng, cần xin ý kiến của Quốc hội. Bởi tình hình tài chính của Vietnam Airlines hiện rất khó khăn, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Vì vậy, Chính phủ xin Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines.
"Việc này không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại luật Ngân hàng Nhà nước và cần phải được Quốc hội thông qua. Trước đây, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có văn bản báo cáo Bộ Chính trị", ông Sơn nói.
Được hưởng những ưu đãi chưa có tiền lệ
Từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỷ đồng).
Giữa tháng 11/2020, trong phiên họp bế mạc, Nghị quyết kỳ họp thứ 10 của Quốc hội đã nhất trí đề nghị của Chính phủ về việc "giải cứu" Vietnam Airlines.
Theo Nghị quyết, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khoản tái cấp vốn được tự động gia hạn 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm.
Đồng thời, nhất trí cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán và Chính phủ.
Tháng 1/2021, Thủ tướng có Nghị quyết số 194/NQ-CP về việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt), sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với số tiền tái cấp vốn tối đa không quá 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%, thời hạn tối đa không quá 364 ngày.
Chính phủ giao Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng các quy định của Luật chứng khoán, nghị quyết của Quốc hội và quy định của pháp luật.
Cùng với đó, giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thực hiện quyền mua cổ phần theo quy định tại khoản 1, điều 4 Luật Chứng khoán của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines.
Chỉ vừa mới thoát lỗ sau cơn sóng tăng giá vé máy bay
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, cùng với sự phục hồi của ngành hàng không, trong quý I/2024, lần đầu tiên Vietnam Airlines có lãi trở lại sau 16 quý thua lỗ liên tiếp.
Báo cáo tài chính quý I/2024 của hãng ghi nhận, tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần đạt gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ 2023.
Đây cũng là mức doanh thu trong một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.
Với việc đạt doanh thu cao nhất lịch sử trong quý I/2024, Vietnam Airlines đã lần đầu tiên "ngắt mạch" chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp và báo lãi sau thuế kỷ lục hơn 4.441 tỷ đồng, đảo chiều ngoạn mục so với mức lỗ 1982 tỷ đồng của quý liền kề và âm 37 tỷ của cùng kỳ 2023.
Theo giới quan sát, nguồn thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao.
Đồng thời, Bamboo Airways - đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở thị trường trong nước của Vietnam Airlines vài năm gần đây đã phải cắt giảm một loạt đường bay và đội tàu bay giúp hãng có thêm thị phần.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu ở số lãi ròng kỷ lục của Vietnam Airlines tới từ việc công ty mẹ, Pacific Airlines và các công ty con đều kinh doanh có lãi so với cùng kỳ. Chưa kể, hãng hàng không quốc gia có thêm khoản thu đột biến khác, khi Pacific Airlines có thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay.