| Hotline: 0983.970.780

Vườn mẫu nâng tầm nông thôn mới ở Thừa Thiên- Huế

Thứ Năm 31/12/2020 , 08:49 (GMT+7)

Sau khi hoàn thành NTM, nhiều địa phương ở Thừa Thiên- Huế trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM nâng cao bằng việc xây dựng vườn mẫu.

Điểm sáng nông thôn

Năm 2014, Quảng Phú là xã đầu tiên ở huyện Quảng Điền được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau hơn 2 năm, Quảng Phú được công nhận là xã đạt chuẩn NTM với 19/19 tiêu chí.

Sau khi được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế chọn làm xã điểm thực hiện xã NTM kiểu mẫu vào năm 2018, Quảng Phú bắt tay vào xây dựng thôn kiểu, vườn mẫu, trong đó, thôn Hà Cảng với 15 vườn mẫu, và 5 vườn mẫu đã được huyện chọn. Cùng với đó, xã Quảng Phú cũng đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ nông thôn, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ SX, mở rộng các mô hình đạt hiệu quả cao theo hướng hữu cơ, VietGAP... tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình sản xuất rau VietGAP ở huyện Quảng Điền. Ảnh: Tiến Thành.

Mô hình sản xuất rau VietGAP ở huyện Quảng Điền. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Ngô Văn Hùng, người dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú hồ hởi cho biết, Quảng Phú bây giờ đang khởi sắc từng ngày, đời sống người dân được nâng lên, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nước sạch đều đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhờ xây dựng NTM kiểu mẫu mà nhiều mô hình sản xuất mới ở thôn được triển khai, như mô hình trồng nấm sò, trồng sen, trồng hoa cúc, mía... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bà con ai cũng vui mừng khi xã nhà không chỉ đạt chuẩn NTM, mà còn được chọn làm xã xây dựng NTM kiểu mẫu, vì thế đều tích cực thi đua lao động để giữ vững và phát huy danh hiệu này.

Xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) với việc thực hiện xây dựng NTM nâng cao, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp; nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh có hiệu quả; số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá giả ngày càng tăng. Nhiều mô hình sản xuất cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó như: mô hình trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGap; chăn nuôi lợn thương phẩm của hộ ông Nguyễn Phú Cựu ở thôn Niêm Phò; nuôi lợn, cá kết hợp của hộ ông Văn Công Thoàn ở thôn La Vân Thượng.

Theo bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư huyện ủy A Lưới cho biết, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Những năm qua, huyện A Lưới luôn chú trọng thực hiện, phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả ở địa phương như: 11 hộ trồng hoa và rau an toàn tại các xã Sơn Thủy, A Ngo với thu nhập cho người dân từ 300 - 400 ngàn đồng ngày. Cùng với đó, thành lập 19 HTX lâm nghiệp bền vững với mô hình trồng rừng gỗ lớn và giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý với khoảng 14 ngàn ha mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên- Huế có 64/97 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 66%), trong đó, 6 xã được chọn xây dựng NTM kiểu mẫu. 02 huyện đã hoàn thành việc xây dựng NTM là Quảng Điền và TX. Hương Thủy. 

Nhờ đó, nhiều cây trồng xóa nghèo ở A Lưới qua nhiều bước “chuyển mình” đã tìm được chỗ đứng trên thị trường và dần khẳng định thương hiệu; đời sống khu vực nông thôn từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 30 triệu đồng/năm. An ninh lương thực được đảm bảo, nhận thức của người dân trong vai trò chủ thể về xây dựng NTM đã chuyển biến tích cực.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với việc liên kết theo chuỗi giá trị. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến. Đồng thời, lựa chọn một số mô hình có hiệu quả để phát triển nhân rộng, từng bước hình thành cánh đồng mẫu, thực hiện thành công cơ giới hóa vào nông nghiệp tạo mối liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị. Đó cũng là một trong những mục tiêu đã được đặt ra tại Đại hội Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025” bà Sửu thông tin thêm.

Đẩy mạnh xây dựng NTM những nơi khó khăn

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM Thừa Thiên- Huế, việc xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đã thúc đẩy kinh tế nông thôn ở địa phương chuyển biến mạnh mẽ, đời sống của dân cư nông thôn, vùng khó khăn đã được cải thiện. Trong đó, hai huyện đi đầu là Quảng Điền với 46 vườn mẫu đã công nhận; huyện Nam Đông với hơn 20 vườn mẫu.

Các địa phương cũng đã đầu tư phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng trồng sắn A Lưới, Phong Điền; vùng trồng lúa hữu cơ ở Phong Điền, TX. Hương Thủy; vùng trồng hoa xã Phú Mậu (Phú Vang), rau sạch ở xã Quảng Thành (Quảng Điền),… Nhiều HTX đã thay đổi cách làm hướng đi, chú trọng vào gia tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết, gia công tạo ra sản phẩm cạnh tranh cho các thương hiệu lớn như: HTX Rau má Quảng Thọ, HTX mây tre đan Bao La, HTX Nông nghiệp An Lỗ,... Ngoài ra, một số mô hình về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đang từng bước phát triển mang lại điều kiện sống cũng như sinh kế của người dân. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tham gia vào phát triển nông thôn từ các mô hình chăn nuôi, thủy sản hiệu quả.

Nhiều sản phầm nông nghiệp nông thôn ở Thừa Thiên- Huế đã trở thành sản phẩm OCOP chất lượng cao. Ảnh: Tiến Thành.

Nhiều sản phầm nông nghiệp nông thôn ở Thừa Thiên- Huế đã trở thành sản phẩm OCOP chất lượng cao. Ảnh: Tiến Thành.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sau 2 thực hiện, có gần 50 chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 17  sản phẩm OCOP (04 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao). Cùng với đó, có 16 sản phẩm OCOP cũng vừa được đánh giá, phân hạng 3-4 sao giai đoạn 3 năm 2020.

Nhờ đó, tiêu chí NTM ở các địa phương được nâng lên, đến nay, Thừa Thiên- Huế đã có 82/97 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư (tỷ lệ 83,0%); 77 xã đạt tiêu chí thu nhập, có 92 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, có 81xã đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất,  98 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ II…. thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 36 triệu đồng/năm.

Để đẩy mạnh việc xây dưng NTM ở địa phương trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, cũng là giải pháp cơ bản và lâu dài trong xây dựng NTM mà tỉnh luôn hướng tới.

Cùng với đó, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình NTM; triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh… Đồng thời, Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với duy trì thực hiện tốt Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần”... 

UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng vừa ban hành kế hoạch số 277/KH-UBND triển khai thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2021".

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.

Bình luận mới nhất