Khẳng định trên được ông Nathan Belete đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT sáng 31/3.
Hạn, mặn sẽ còn khốc liệt
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, tính riêng năm 2015, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã có gần 40.000 ha lúa buộc phải dừng SX do thiếu nước. 122.000 ha cây trồng bị hạn, hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Dự báo, El Nino sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới VN, kéo dài đến giữa năm 2016.
Khu vực Nam Trung bộ, hiện tại dung tích trữ nước các hồ chứa từ Đà Nẵng đến Phú Yên đạt từ 70 – 80% dung tích thiết kế (DTTK).
Tỉnh Khánh Hòa đạt 53,3%, Bình Thuận 39%, thấp nhất là Ninh Thuận 23,8%. Đặc biệt, tại hồ Đại Ninh (Lâm Đồng), lượng nước trữ chỉ còn 37 triệu m3, đạt 15% DTTK. Do đó, gần 23.000 ha đất lúa đã phải dừng SX. 31.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Nếu như hạn hán tiếp diễn, rất có thể Nam Trung bộ sẽ mất khoảng 47.000 ha lúa vì không có nước SX.
Còn tại khu vực Tây Nguyên, trữ lượng nước hiện nay chỉ còn 25 – 35%, thấp hơn hẳn cùng kỳ 2015. 4 tỉnh là Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum… có 8.500 ha lúa, 54.100 ha cây trồng bị hạn. Dự kiến, thời gian tới diện tích này mở rộng lên tới 170.000 ha. Trong đó, diện tích cây cà phê chiếm 150.000 ha. Ngoài SX, khu vực này cũng có khoảng 36.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguy cơ cháy rừng khu vực Tây Nguyên đang được đặt ở cấp IV, V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Toàn cảnh buổi làm việc
Về thực trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL, ông Tỉnh cho biết, mực nước sông Mê Kông đang ở mức thấp nhất 90 năm qua. Xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn 2 tháng so với cùng kỳ nhiều năm.
Ông Tỉnh nhấn mạnh, đây là điều chưa từng xuất hiện trong lịch sử ngành quan trắc xâm nhập mặn. Phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền cao nhất lên đến hơn 90 km, vẫn đang tiếp tục lấn sâu, ảnh hưởng đến SX và sinh hoạt của người dân.
“Vụ lúa hè thu 2016, nếu tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000 ha không thể xuống giống, chiếm 30% diện tích gieo trồng của toàn khu vực”, ông Tỉnh thông tin.
Bộ NN-PTNT đề nghị WB cũng như các tổ chức quốc tế hỗ trợ VN trong giai đoạn khó khăn này. Cụ thể, VN cần hỗ trợ ngay việc đắp các đập tạm, đào giếng lấy nước với kinh phí khoảng 100 triệu đô la. Tài trợ thêm một số dự án cho vùng Tây Nguyên và Tây Nam bộ, kinh phí khoảng 1 tỷ đô la.
Về lâu dài, WB cần đẩy nhanh việc ký kết hiệp định vay Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9). Xem xét mở rộng các dự án đã và đang thực hiện như WB5, WB6.
Phải có hành động cấp thiết
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, cho rằng, trong tương lai, hạn, mặn chắc chắn sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải xây dựng chiến lược chủ động đối phó.
Hiện tại, Chính phủ VN đang hết sức nỗ lực hỗ trợ người dân, không để người dân bị đói, khát do thiếu gạo, nước. Tiếp theo là công tác ứng phó sau thiên tai sao cho kịp thời, đúng mục tiêu.
Ông Nathan Belete, GĐ phụ trách NN khu vực vùng của WB
Dài hạn, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát, quy hoạch lại toàn bộ hệ thống thủy lợi theo một tầm nhìn mới, gắn với tái cơ cấu SXNN. Thứ trưởng Thắng mong muốn, WB sẽ luôn là nhà tài trợ hàng đầu, đồng hành cùng VN trong công cuộc đối phó lại tình trạng hạn, mặn hiện nay.
Ông Nathan Belete chia sẻ, rất vui mừng vì Chính phủ VN đã nhìn nhận và có phương án đối phó với biến đổi khí hậu mang một tầm nhìn vĩ mô, dài hạn. Ông cho biết, trong 2 – 3 tuần tới, WB sẽ xây dựng một bộ tài liệu ứng phó biến đổi khí hậu tổng hợp.
Trong đó, sẽ xem xét lại các hạng mục đang thực hiện ở VN. Đồng thời, với những dự án đã phê duyệt nhưng chưa có hiệu lực, WB sẽ xem xét việc lồng ghép vào chương trình đối phó hạn, mặn.
Thứ trưởng Thắng cam kết, sẽ huy động mọi nguồn lực đồng thời trực tiếp đứng ra hỗ trợ WB thực hiện công tác rà soát đánh giá.