| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng các trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao

Thứ Ba 08/11/2016 , 09:20 (GMT+7)

Đối với ngành nuôi tôm, giống là khâu cực kỳ quan trọng quyết định đến thành bại, do vậy việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng con giống đặt ra yêu cầu bức thiết đối với các DN sản xuất con giống.

Sản xuất giống chất lượng cao

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có diện tích ao nuôi tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ) khoảng 680.000ha, tương ứng nhu cầu con giống cần mỗi năm lên tới 130 tỷ con.

11-37-55_1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm cơ sở sản xuất tôm giống tại Nam Trung bộ trong tháng 8 vừa qua
 

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 1.750 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.240 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 510 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng (TTCT).

Các tỉnh Nam Trung bộ được xem là thủ phủ sản xuất tôm giống trọng điểm. Hàng năm, các cơ sở tại khu vực này cung cấp khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho người thả nuôi cả nước, số còn lại được sản xuất các tỉnh ĐBSCL (Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) và một số tỉnh phía Bắc.

Bình Thuận được coi là trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất, đóng góp sản lượng tôm giống khoảng 20% nhưng đạt 70-80% về con giống chất lượng của cả nước. Hiện nay Bình Thuận đã hình thành một khu sản xuất tôm giống tập trung nhiều DN quy mô lớn.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh có 131 cơ sở sản xuất giống thủy sản/683 trại giống. Đa số các trại sản xuất tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.

Trong đó, có nhiều cơ sở tôm giống được xây dựng quy mô lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại và đội ngũ kỹ thuật lành nghề, sản xuất tôm giống có chất lượng, uy tín, thương hiệu trên thị trường như Cty TNHH Thông Thuận, Cty THHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Cty TNHH Trường Thịnh, Cty TNHH Đại Thịnh, DNTN Trần Hậu Điển...

Trong khuôn khổ chương trình phát triển sản xuất TTCT bố mẹ trong nước do Tổng cục Thủy sản chủ trì, giao cho các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II và III đã thu thập được 13 quần đàn từ các nước Mỹ, Colombia, Ecuador, Mexico, Singapore, Thái Lan làm cơ sở cho chọn tạo giống. Đến cuối năm 2015, các Viện Nghiên cứu NTTS I, II, III đã đánh giá và lựa chọn được 4 đàn là SIS, CP, Mexico và Ecuador có chất lượng tốt nhất làm vật liệu cho việc phát triển TTCT bố mẹ trong nước.

Ngoài ra còn 2 Cty có vốn đầu tư nước ngoài là Cty CP Chăn nuôi CP - Chi nhánh Bình Thuận và Cty CP Thủy sản Việt Úc. Với cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện có, tỉnh Bình Thuận mỗi năm có năng lực sản xuất trên 40 tỷ con tôm giống chất lượng cao, kháng bệnh, không sử dụng kháng sinh, đáp ứng nhu cầu nuôi tôm cả nước.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Cty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận cho biết: Để nâng cao chất lượng tôm giống chúng tôi yêu cầu các đơn vị sản xuất giống phải tu sửa, nâng cấp bể ươm nuôi, nâng cấp quy trình xử lý nước và lọc nước để có nguồn nước biển sạch; sử dụng quy trình nuôi tảo tươi, men vi sinh, đặc biệt không dùng kháng sinh.

Chọn lựa tôm giống bố mẹ tốt, chất lượng cao, không nuôi tôm bố mẹ quá thời gian quy định. Về thức ăn, lựa chọn thức ăn chất lượng cao của những công ty, tập đoàn có uy tín, thương hiệu nổi tiếng để đảm bảo cho tôm giống ăn đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Đối với Cty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, trong toàn bộ quy trình nuôi tôm được sử dụng hoàn toàn bằng nước biển tự nhiên được lấy ở xa bờ khoảng 10km để tránh các nguồn ô nhiễm và được lọc bằng công nghệ xử lý tiên tiến qua nhiều công đoạn khác nhau.

Vị trí lấy nước được khảo sát, quan trắc thường xuyên, đảm bảo các chỉ tiêu đầu vào. Sau đó nước biển được lọc thô trước khi đưa vào ao lắng, lọc tinh và chuyển vào nhà chứa có mái che.

Ở bước tiếp theo, nước biển được khử khuẩn bằng công đoạn chiếu tia UV và chuyển tới khâu lắng trại. Nước ở giai đoạn này sẽ được phòng xét nghiệm kiểm tra để đảm bảo đạt các chỉ tiêu sinh hóa. Với công nghệ xử lý nước nói trên mang lại hiệu quả lớn như tiết kiệm chi phí hơn so với xử lý bằng hóa chất, nâng cao chất lượng nước đầu vào, đặc biệt, quy trình xử lý nước này đảm bảo môi trường sống tự nhiên cho ấu trùng, nâng cao tỷ lệ sống và sức đề kháng cho tôm giống.
 

Quản lý chặt đàn giống bố mẹ

Để nâng cao chất lượng tôm giống cũng như chủ động đàn giống bố mẹ, thời gian qua các DN đã ứng dụng KHKT trong sản xuất, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc lai tạo, nhân giống tôm nước lợ và sản xuất được nguồn tôm bố mẹ, từng bước hạn chế việc phải lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn tôm giống từ nước ngoài.

11-37-55_2
Bể ươm tôm giống tại Tuy Phong, Bình Thuận
 

Riêng Tập đoàn Việt - Úc từ tháng 6/2015 đến nay, đơn vị đã chọn tạo thành công giống TTCT trong nước thế hệ G3, được công nhận giống thủy sản mới. Mỗi năm, tập đoàn này sản xuất được 5.000 - 10.000 con tôm bố mẹ phục vụ cho nhu cầu sản xuất tôm giống. Cùng với đó, họ cũng đã thành công trong việc thực hiện gia hóa tạo tôm sú bố mẹ trong điều kiện nhân tạo.

Còn với tôm bố mẹ nhập khẩu, theo Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận: Chúng ta đã xây dựng và thực hiện được quy trình quản lý rất rõ ràng và kiểm soát tôm bố mẹ nhập khẩu.

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cần kiểm tra và chỉ cấp phép bán vào Việt Nam cho tập đoàn nước ngoài sản xuất tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng. Đối với tôm bố mẹ sản xuất trong nước, việc nhận chuyển giao công nghệ, hoặc nghiên cứu tạo đàn tôm bố mẹ, chỉ nên được tiến hành khi đáp ứng điều kiện trang thiết bị, đội ngũ nghiên cứu khoa học đầy đủ. Kết quả nghiên cứu chỉ được phổ biến rộng rãi khi đã được kiểm định chất lượng.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước thường xuyên rà soát, đánh giá về chất lượng đàn tôm bố mẹ sản xuất trong nước. Theo đó, phải có quy định quản lý, kiểm định, kiểm tra chất lượng xét nghiệm bệnh, quy trình giám sát cụ thể.

Ông Lưu Phước Hậu – Phó Tổng Giám đốc Cty CP Vật tư và thuốc thú y (Vemedim): Xây dựng hình ảnh tôm Việt Nam

13-47-18_ong-luu-phuoc-hu-pho-tong-gd-cty-vemedim-vn
 

Nghề nuôi tôm hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với những năm đầu mới phát triển.

Từ năm 2012 khi bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS) bùng phát, Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đã nhận định “giai đoạn nuôi tôm dựa vào kinh nghiệm, may rủi đã qua rồi. Nuôi tôm giờ đây cần phải có kiến thức và được hỗ trợ bằng các tiến bộ về khoa học công nghệ”.

Về mặt kỹ thuật công nghệ nuôi cần có sáng tạo trong việc điều chỉnh mô hình nuôi.

Các khu nuôi được đầu tư theo hướng tận dụng được lợi thế của điều kiện tự nhiên, xây dựng ao lót bạt, có ao lắng, có hố thu chất thải và siphon hàng ngày, trang bị đầy đủ hệ thống quạt, sục khí cung cấp oxy hòa tan, không lạm dụng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh, lựa chọn và sử dụng đúng cách chế phẩm vi sinh có chất lượng, lựa chọn nguồn tôm giống tốt sạch bệnh… sẽ mang lại những vụ nuôi thành công cao.

HỮU ĐỨC

Ông Võ Văn Phục – Giám đốc Cty CP Thủy sản sạch Việt Nam: Chỉ con tôm tốt mới xây dựng được hình ảnh tốt

13-47-18_ong-vo-vn-phuc-gd-cty-cp-thuy-sn-sch-vn
 

Tôm nuôi đạt chất lượng đều được DN chúng tôi mua với giá cao hơn từ 5% trở lên.

Do đó, ngành chức năng cần sớm nghiên cứu, đưa ra quy trình nuôi tốt hơn để khuyến cáo người nuôi, bởi chỉ có nguồn tôm nguyên liệu tốt mới xây dựng hình ảnh tôm Việt tốt hơn, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm tinh chế trên thị trường, đặc biệt là với Ấn Độ, một quốc gia có nghề nuôi tôm phát triển và hiện đang chuyển sang làm hàng tinh chế để cạnh tranh với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

TX

Ông Nguyễn Huy Điền, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Thủy sản: Hãy bắt đầu từ quy trình nuôi

19-49-02-chuyen-gi-thuy-sn-nguyen-huy-dien-nguyen-tong-cuc-pho-tong-cuc-thuy-sn165448360
 

Con tôm cũng như các mặt hàng nông sản khác, muốn xây dựng thương hiệu thì phải có sản phẩm chất lượng, đồng đều, số lượng hàng hóa lớn. Mà muốn có sản phẩm sạch phải bắt đầu từ quy trình nuôi.

Đồng thời quá trình thu mua, chế biến, xuất khẩu cũng phải sạch. Tức là phải tổ chức thành chuỗi khép kín, từ khâu cung cấp đầu vào đến đầu ra, phân chia lợi nhuận cũng như chia sẻ rủi ro để đảm bảo phát triển bền vững.

Quy trình nuôi hiện nay đã được ngành nông nghiệp và những doanh nghiệp đầu tư lớn xây dựng khá hoàn thiện, được khuyến cáo để người dân áp dụng.

Xu hướng hiện nay là sử dụng các chế phẩm sinh học thay cho hóa học trong xử lý môi trường cũng như trong suốt quá trình nuôi. Song song với mô hình nuôi thâm canh công nghiệp, siêu thâm canh trong nhà kính, cần đầu tư phát triển các hình thức nuôi tôm sinh thái như: tôm – rừng, tôm – lúa để nâng cao giá trị.

Đ.T.CHÁNH

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.