| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam độc đáo trên thị trường thế giới

Thứ Tư 18/11/2020 , 16:02 (GMT+7)

Chiều 18/11, Bộ NN-PTNT cùng Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam tổ chức hội nghị để xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam độc đáo trên thị trường thế giới.

Cây ca cao Việt Nam có hương vị độc đáo, được thế giới đánh giá cao. Ảnh mang tính chất minh họa.

Cây ca cao Việt Nam có hương vị độc đáo, được thế giới đánh giá cao. Ảnh mang tính chất minh họa.

Đại sứ Bỉ tại Việt Nam, ông Paul Jansen khẳng định, Bỉ là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lực sản xuất cũng như chất lượng của sô cô la và ca cao chính là nguyên liệu quan trọng nhất. Trong khi đó, Việt Nam lại sở hữu một loại ca cao rất độc đáo, đó là có hương vị trái cây và chua nhẹ rất khó tìm.

Đây chính là yếu tố có thể giúp ca cao Việt Nam trở thành một sản phẩm độc đáo, chiếm lĩnh được một thị trường ngách thú vị trên thế giới. Với những tiềm năng như vậy, điều cần làm hiện nay là khai thác thế nào cho hiệu quả và ông Paul Jansen khẳng định Bỉ sẵn sàng hỗ trợ, tạo liên kết cho loại quả này của Việt Nam trên cơ sở 2 nước đã là đối tác chiến lược về nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay Việt Nam đang chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó tập trung vào sản xuất các sản phẩm có giá trị cao và ca cao là một trong số đó.

Theo ông Tuấn, ca cao Việt Nam từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó năm 2015 được ICCO xếp hạng là loại ca cao hảo hạng. Tuy nhiên, sau khi lên đỉnh điểm vào năm 2012 với 25.000, đến nay diện tích ca cao ở Việt nam chỉ còn 5.000 ha.

Do đó, hội nghị là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp, nông dân có thể trao đổi, tìm ra những giải pháp cho ca cao Việt Nam. Mục tiêu là đề xuất được cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp và đặc biệt là tìm kiếm được những cơ hội hợp tác để thúc đẩy xây dựng ngành hàng ca cao Việt Nam phát triển bền vững, theo chuỗi giá trị, hướng tới xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam độc đáo trên thị trường thế giới.

Về hiện trạng ca cao Việt Nam hiện nay, ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho biết, để so sánh trên một đơn vị diện tích thì hiệu quả kinh tế của ca cao đang thấp hơn so với các cây trồng khác như cà phê, điều...

"Khó khăn đối với ca cao Việt Nam hiện nay ngoài diện tích nhỏ, đa số là xen canh còn nằm ở khâu sơ chế và chế biến thành sô cô la. Do đó, nếu các nhà đầu tư nước ngoài muốn phát triển ngành ca cao ở Việt Nam sẽ gặp khó khăn về vấn đề vùng nguyên liệu tập trung", ông Lê Thanh Tùng phân tích thêm.

Liên quan vấn đề này, ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cũng đồng quan điểm và cho rằng, việc diện tích ca cao rải rác khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thu mua, các công ty cạnh tranh, nâng giá gây nên tình trạng một số liên kết với nông dân bị đổ vỡ.

Vì vậy, Cục phó Cục trồng trọt cho rằng, cần tìm ra được giải pháp để liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp nhỏ với các tập đoàn lớn, giúp phát triển ngành ca cao toàn diện, bền vững trong tương lai.

Dưới góc độ doanh nghiệp, người đứng đầu Công ty Nam Trường Sơn cho rằng, cơ quan quản lý cần đưa ra được quy hoạch phù hợp cho cây ca cao. Bên cạnh đó, cần có cơ chế trong liên kết và xây dựng chính sách giá phù hợp giữa doanh nghiệp với nông dân.

Ngoài ra, ông Quang cũng hy vọng qua hội nghị này có thể vừa tìm được đầu mối thu mua ca cao từ Bỉ vừa tìm được đối tác chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ cường quốc sản xuất sô cô la này, giúp cải thiện khả năng chế biến cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, ngành công nghiệp sô cô la đang tiêu thụ hơn 4 triệu tấn hạt ca cao từ khắp nơi trên thế giới, với mức tiêu thụ sô cô la tăng trung bình là 5,7%. Nếu các thị trường lớn như EU và Mỹ áp đặt các quy định chặt chẽ hơn, cánh cửa cho các quốc gia có chuỗi cung ứng bền vững sẽ được mở rộng. Nhu cầu về nguồn ca cao bền vững đang tăng mạnh và Việt Nam có thể đáp ứng trong khi các nước khác phải chật vật để tuân thủ.

Ca cao Việt Nam được người Pháp mang vào Việt Nam từ thế kỷ 19 nhưng không được quan tâm nhiều cho đến tận đầu năm 2000, khi được giới thiệu trở lại với nông dân Việt Nam qua chương trình ca cao do Đại học Nông Lâm phối hợp với Tổ chức Ca cao Quốc tế.

Ca cao Việt Nam nhận được sự công nhận của quốc tế sau khi giành được Giải thưởng Ca cao Quốc tế năm 2013, và được Tổ chức Ca cao Quốc tế xếp vào loại “Ca cao hảo hạng hoặc có hương vị” vào năm 2015 nhờ hương vị độc đáo.

Với những đặc điểm riêng biệt của mình, ca cao Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự ủng hộ của các nhà đầu tư trong nước và các tổ chức nước ngoài và được các doanh nghiệp trong ngành đặt niềm tin vào tiềm năng của ca cao Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam có cơ hội vươn lên trở thành một quốc gia ca cao mới, có thể làm thay đổi hiện trạng của ngành ca cao.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.