| Hotline: 0983.970.780

Ca cao xen tiêu, điều - Nông dân sống khỏe!

Thứ Tư 15/07/2020 , 16:59 (GMT+7)

Ca cao xen tiêu, điều là mô hình đã và đang giúp nhiều nông dân Bình Phước vượt qua khủng hoảng do nhiều vùng cây tiêu, điều giảm năng suất và giá bán đi xuống...

Bình Phước được xem là thủ phủ cây điều của cả nước và có diện tích trồng tiêu lớn. Để hạn chế những khó khăn do tác động của dịch bệnh khiến cây tiêu, điều mất năng suất và giá bán đi xuống, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thay đổi hình thức trông ca cao xen tiêu, điều và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Bù Đăng, địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất tỉnh Bình Phước với trên 59.000 ha (chiếm 35% toàn tỉnh). Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Bù Đăng Nguyễn Huy Long cho biết: “Trong những năm gần đây, do các yếu tố bất lợi như thời tiết, khí hậu, gió, sương muối,… thường xuyên xảy ra, làm cho năng suất cây điều giảm mạnh, hiệu quả kinh tế thấp. Từ định hướng ngành nông nghiệp địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tổ chức trồng xen canh cây ca cao trong vườn điều đã góp phần duy trì phát triển cây điều bền vững, tránh thực trạng “trồng chặt – chặt trồng”.

Ông Nguyễn Khắc Thược chăm sóc vườn ca cao xen điều. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Khắc Thược chăm sóc vườn ca cao xen điều. Ảnh: Trần Trung.

PV NNVN đến thăm gia đình ông Nguyễn Khắc Thược thôn 2, xã Minh Hưng, người tham gia mô hình trồng xen ca cao dưới tán điều sớm nhất huyện Bù Đăng. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là vườn cây sạch sẽ, thông thoáng, từ cây điều đến cây ca cao được trồng theo hàng, theo lối thẳng tắp. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây, ông Thược chia sẻ: Cái hay của mô hình này là cây ca cao có thể phát triển tốt dưới tán cây điều. Do đó, trong quá trình chăm sóc như bỏ phân, tưới nước cho cây ca cao, cây điều được hưởng lợi, từ đó, cây điều sinh trưởng tốt và năng suất cũng tăng lên. Ngược lại cây ca cao được điều phủ mát nên giảm công chăm sóc và chi phí tưới. Như vậy, ông Thược vừa phát triển được diện tích cây ca cao nhưng đồng thời cũng giữ ổn định được diện tích cây điều.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ca cao hiệu quả, ông Thược cho biết: Những năm đầu mới trồng, cây ca cao rất mẫn cảm với mối, nấm hồng và dễ vị rệp sáp tấn công nên nhà nông cần dành nhiều thời gian thăm vườn để phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, khi ca cao bước sang năm thứ 5 trở đi người trồng nhàn hơn vì sức sống ca cao rất tốt, đủ sức chống chọi lại sâu bệnh, thậm chí vào mùa khô hạn cũng không cần phải tưới nước vì được điều phủ bóng. Đến định kỳ chỉ có làm cỏ, bỏ phân, khi cây ra bông phun thuốc trị sâu, bọ xít muỗi, các loại nấm đúng thời hạn và chờ thu hoạch.

Xen canh cây ca cao dưới tán cây khác mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Ảnh: Trần Trung.

Xen canh cây ca cao dưới tán cây khác mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Ảnh: Trần Trung.

 “Trong lúc giá hạt điều giảm sâu kỷ lục với 14 đến 16 ngàn đồng/kg do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng nhờ năng suất vượt trội hơn 2 tấn/ha nên gia đình vẫn có lãi. Trong khi đó, hạt ca cao vẫn được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định. Hiện tại, giá hạt ca cao khô dao động ở mức 60 đến 65 ngàn đồng/kg. Với 1.000 gốc ca cao, năm nay gia đình tôi thu về thêm gần 150 triệu đồng”, ông Thược hồ hởi khoe.

Tương tự gia đình ông Phạm Văn Tháo (ngụ thôn 1, xã Thiện Hưng, Bù Đốp) cũng thu nhập khá từ mô hình trồng xen ca cao trong vườn tiêu. Ông Tháo cho biết, ông có 2 ha đất, trước đây ông chủ yếu tập trung trồng cây tiêu, những năm gần đây cây tiêu vấp phải vô vàn khó khăn, từ dịch bệnh phá hoại đến giá cả liên tục giảm sút khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Qua tự tìm tòi nghiên cứu thấy mô hình trồng cây ca cao hiệu quả kinh tế cao, ông mạnh dạn chuyển đổi ½ diện tích tiêu sang canh tác loại cây này, để phát huy tối đa hiệu quả trên cùng diện tích đất, ông còn xen canh các loại cây ăn quả như bơ sáp, mít siêu sớm, sầu riêng… Với mô hình này, gia đình ông Tháo thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm, đồng thời ông vẫn duy trì được vườn tiêu còn lại.

Vườn ca cao trồng xen của ông Phạm Văn Tháo rất tươi tốt. Ảnh: Trần Trung.

Vườn ca cao trồng xen của ông Phạm Văn Tháo rất tươi tốt. Ảnh: Trần Trung.

Ông Tháo cho biết, với kinh nghiệm hơn 15 năm độc canh mỗi cây tiêu, ông đã rút ra bài học đó là, làm nông nghiệp không biết cây nào được giá, cây nào mất giá. Vì vậy, ông quyết định trên cùng diện tích đất canh tác nhiều loại cây để  lấy nguồn thu từ cây này bù cây khác để tránh rủi ro. “Đơn cử như, hiện nay cây tiêu mất giá, trong khi nhiều người dân trong thôn bỏ bê để cây tiêu chết đứng thì với nguồn thu nhập ổn định từ cây ca cao và cây ăn trái, tôi vẫn duy trì phát triển vườn tiêu xanh tốt. Thời gian tới, nếu cây tiêu có giá trở lại thì gia đình tôi sẽ có thu nhập rất cao".

Ông Trần Văn Phương - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết, so với những loại cây trồng xen canh khác, ca cao có nhiều ưu điểm vượt trội: Không quá cầu kỳ về kỹ thuật chăm sóc như hồ tiêu, cũng không cần nhiều nước tưới như cà phê. Ca cao là loại cây ưa ánh sáng tán xạ, thích hợp trồng xen dưới tán cây trồng khác. Khi tưới nước, bón phân cho ca cao thì các loại cây trồng khác cũng được lợi và ngược lại. Ca cao tăng diện tích che phủ cho đất, chống xói mòn, lá rụng xuống giữ ẩm đất, chống cỏ mọc. Hơn nữa, những phụ phẩm từ ca cao đều có thể tái sử dụng: Phần cơm trái để làm rượu ca cao, vỏ dùng làm thức ăn cho dê, ủ hoai làm phân bón góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

Theo ông Phương, 1 ha đất trồng xen canh khoảng 600 cây ca cao. Bình quân 1 cây ca cao cho 1 kg hạt khô lên men và với giá bán 50 - 55 ngàn đồng/kg thì nông dân thu thêm hơn 30 triệu đồng. Ông Phương cho rằng, nếu áp dụng cải tiến biện pháp canh tác, năng suất cây ca cao sẽ được nâng lên. Theo đó, nhà nông nên canh tác ca cao theo tiêu chuẩn UTZ (sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn sạch, bền vững, thân thiện với môi trường) và liên kết theo mô hình hợp tác xã (kiểu mới) để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tạo lợi thế khi đàm phán giá với các đơn vị thu mua.

Trồng xen ca cao trong vườn tiêu vừa giúp tăng thu nhập, vừa giữ cây tiêu trụ lại chờ thời cơ mới. Ảnh: Trần Trung.

Trồng xen ca cao trong vườn tiêu vừa giúp tăng thu nhập, vừa giữ cây tiêu trụ lại chờ thời cơ mới. Ảnh: Trần Trung.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước khẳng định: Mặc dù cây ca cao mới được đưa vào gieo trồng vài năm trở lại đây, nhưng rất thích hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Phước. Mô hình trồng xen này đã mở ra một hướng đi mới cho người nông dân, nhất là những hộ có diện tích điều lớn kém năng suất, các loại cây trồng kém hiệu quả.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Bình Phước, toàn tỉnh hiện có hơn 15 ngàn ha cây ca cao trồng xen dưới tán các loại cây trồng khác. Định hướng đến cuối năm 2020, diện tích thâm canh cây ca cao trồng xen trong vườn điều đạt từ 20 - 30 ngàn ha. Trên tổng diện tích 150 ngàn ha điều của tỉnh, có khoảng 60 ngàn ha đủ nước để nông dân trồng xen ca cao. Bình Phước cũng được Bộ NN&PTNT chọn là một trong những vùng trọng điểm phát triển cây ca cao. Như vậy có thể thấy, việc phát triển ca cao trồng xen ở Bình Phước rất có tiềm năng.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.