| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt

Thứ Tư 23/09/2015 , 06:35 (GMT+7)

Đối với thị trường lúa gạo thế giới, sự cạnh tranh không dừng lại ở khía cạnh chất lượng, giá sản phẩm mà bao hàm cả vấn đề sở hữu trí tuệ. Rất tiếc, chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia gạo Việt.

16-27-19_imge00330
Hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt

Sức cạnh tranh về sở hữu trí tuệ còn yếu kém

Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là đề án mang tầm quốc gia đầu tiên của Việt Nam đối với xây dựng thương hiệu nông sản.

Vấn đề đặt ra là chọn sản phẩm nào, mô hình tổ chức thế nào, huy động nguồn lực ra sao để phát huy tốt nhất giá trị, hiệu quả của thương hiệu.

Sáng qua (22/9), hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội, do Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT); Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) và nhóm Liên kết nông nghiệp và thị trường các thành phố châu Á (Malica) phối hợp tổ chức.

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, cho biết thị trường lúa gạo của Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp. Gạo XK chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp và không đồng đều; mức tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo, nhưng việc sử dụng thương hiệu gạo trên thị trường, đặc biệt là thị trường XK còn rất hạn chế.

Trong khi đó áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam không chỉ là vấn đề về giá, chất lượng mà việc xây dựng thương hiệu, duy trì uy tín, lòng tin của thị trường thế giới đối với gạo Việt cũng là yêu cầu cấp bách và quan trọng.

Theo ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH-CN, trong thời gian qua, chúng ta tập trung vào việc xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ dựa trên lợi thế của sản phẩm đặc sản địa phương, vùng miền để phát huy lợi thế và thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, tiếp cận với những sản phẩm có quy mô SX hàng hóa lớn như lúa gạo thì thương hiệu quốc gia là cần thiết để tạo dựng hình ảnh, vị trí và thúc đẩy thương mại sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Trước thắc mắc của đại biểu rằng, tại sao gạo Jasmine Thái có thể bán với giá 10 USD/kg trên trị trường quốc tế? TS Pussadee Polsaram, GĐ Trung tâm chiến lược AEC Thái Lan, lý giải: Thực chất, giá XK gạo Jasmine Thái chỉ 1 USD/kg, sau khi cộng thuế nhập khẩu, phí vận chuyển... giá bán lẻ tăng gấp 10 lần.

Ở đây, giá trị gia tăng của sản phẩm được phân chia theo chuỗi trong đó có cả hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin tuyên truyền...

Và thương hiệu gạo càng mạnh, càng bán được giá cao thì những “mắt xích” trong hệ thống càng được hưởng lợi nhiều. Ước tính, nhãn hiệu gạo Hom Mali (Jasmine Thái) đã đem lại lợi nhuận tăng thêm cho người trồng lúa khoảng 20%.

“Đừng nghĩ thương hiệu chỉ là một cái logo”

Ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Chúng ta cần phải triệt tiêu suy nghĩ “xây dựng thương hiệu chỉ là xây dựng cái logo (nghĩa là hình ảnh)”.

Hoạt động xúc tiến thương mại là quan trọng, nhưng quan trọng nhất bây giờ là phải đẩy mạnh đưa KHCN, đưa chất xám, đưa sở hữu trí tuệ vào hạt gạo.


Việt Nam cần phát huy thế mạnh về năng suất lúa cao và giá thành rẻ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Để làm được điều đó, điểm then chốt là phải xây dựng được một khung chính sách mới để điều phối lại tất cả các khâu, từ quy hoạch, tổ chức SX, quản lý chất lượng, liên kết SX, huy động nguồn lực đầu tư, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; chính sách XNK, thuế, tín dụng...

Từ đó doanh nghiệp biết mình làm gì, nông dân làm gì, nhà nước làm gì?... Nếu chỉ chăm chăm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thì không thành công được thương hiệu quốc gia.

Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, ông Nguyễn Trọng Thừa, nhận định muốn xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia thì chúng ta phải có sản phẩm khác biệt.

Đây vừa là dấu hiệu nhận biết hữu hiệu, vừa là yêu cầu sống còn để cạnh tranh trên thị trường. Sự khác biệt chính là yếu tố tạo nên giá trị cao.

Thứ hai, hoạt động tiếp thị sản phẩm gạo cũng cần phải được đẩy mạnh.

Doanh nghiệp cần gì?

Hiện tại, không ít doanh nghiệp kinh doanh gạo đã “mở két” để đầu tư xây dựng thương hiệu gạo. Tuy nhiên, đây là bài toán rất nan giải.

Theo báo cáo của TCty Lương thực miền Nam gửi đến hội thảo, thói quen tiêu dùng của người Việt là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp.

“Có đến 90% người dân hiện đang ăn gạo xá, chỉ khoảng 10% ăn gạo bao đóng gói. Về giá cả thì gạo đóng bao nhỏ có đăng ký nhãn hiệu phải qua kênh phân phối (chi phí mặt bằng, quầy, kệ) và chịu thuế VAT 5% nên giá bị đẩy lên, gây ra khó cạnh tranh với các cửa hàng bán lẻ bên ngoài”.

Bên cạnh đó, nước ta cũng chưa xây dựng được một phòng kiểm nghiệm quy mô hiện đại, đủ năng lực kiểm tra tất cả các chỉ tiêu về chất lượng gạo nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gửi mẫu kiểm tra chất lượng gạo để hỗ trợ kịp thời trong công tác XK và giảm chi phí.

Đồng tình với quan điểm ấy, theo Tập đoàn Lộc Trời, để có thương hiệu trên thị trường thế giới, trước tiên phải có thương hiệu trong nước. Chính phủ nên thực hiện bình đẳng chính sách thuế VAT trên mặt hàng gạo giữa doanh nghiệp với tư nhân bán lẻ. Có như vậy, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tưu để làm thương hiệu gạo Việt.

Cũng theo doanh nghiệp này, Việt Nam cần phát huy thế mạnh về năng suất lúa cao và giá thành rẻ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trước mắt, nên đầu tư nâng cấp chất lượng gạo cấp trung bình theo xu hướng gạo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.