| Hotline: 0983.970.780

Xây hồ điều tiết để chống ngập cho TP.HCM

Thứ Năm 15/12/2022 , 12:02 (GMT+7)

Mưa lớn là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ngập úng cho TP.HCM. Xây dựng các hồ điều tiết là giải pháp quan trọng để Thành phố giải quyết ngập do mưa.

Ao, hồ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ngập úng mỗi khi có mưa lớn ở TP.HCM. Ảnh: Sơn Trang.

Ao, hồ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ngập úng mỗi khi có mưa lớn ở TP.HCM. Ảnh: Sơn Trang.

TP.HCM là một địa phương có tổng lượng mưa trung bình khá cao từ 1.800mm đến 2.700mm. Mưa tập trung trong 7 tháng từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, chiếm tới 90% lượng mưa của cả năm. Theo GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, mưa lớn cùng với lũ (lũ thượng nguồn và lũ ĐBSCL), triều cường, là 3 nguyên nhân khách quan gây ngập úng cho TP.HCM.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, cho biết, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thành phố có 46 trận mưa với lượng mưa trên 50mm, trong đó có 18 trận mưa gây ngập.

Mưa lớn đã gây ngập các trục chính như: đường Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quốc lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân (thành phố Thủ Đức); đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân); đường Nguyễn Hữu Cảnh, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh); đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Quang Trung (quận Gò Vấp); đường Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè); đường Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); đường Song hành Quốc Lộ 22 (huyện Hóc Môn).

Mưa lớn là một nguyên nhân quan trọng gây ngập úng cho TP.HCM, trong khi đó, toàn bộ hệ thống thoát nước mưa của Thành phố (vốn đã cũ kỹ, xuống cấp khá nhiều) lại đều đổ ra kênh rạch, mà sông rạch lại đang chịu những biến động mạnh do thủy triều, do lũ. Khi mực nước ở sông rạch cao hơn, bằng hoặc thấp hơn một chút so với mặt đất nơi cần tiêu thì nước mưa không thể tiêu thoát ra kênh rạch được.

Chính vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, cho rằng, Thành phố cần xây dựng các hồ điều hòa, hồ sinh thái, hồ điều tiết nước tự nhiên ở một số nơi của Thành phố, tận dụng công viên làm hồ chứa nước, xây dựng các hồ chứa nước ngầm. Những hồ này có nhiệm vụ tích nước khi trời mưa lớn, chứa lượng nước chưa kịp tiêu thoát qua hệ thống cống, kênh, rạch.

Ngoài ra, TP.HCM cũng cần khôi phục lại các khu vực trũng thấp, ao hồ tự nhiên trong đô thị. Giải pháp này sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho đô thị, bởi các ao hồ sẽ đóng vai trò là các nơi lưu chứa nước mưa (trước khi được thoát ra sông, biển) nhằm giảm nguy cơ ngập lụt vào mùa mưa. Các khu vực này sẽ đóng vai trò như các không gian mở và vùng đệm trong đô thị nhằm cải thiện điều kiện vi khí hậu, đồng thời cải thiện môi trường cảnh quan đô thị không bị ngột ngạt bởi những tòa nhà và các công trình bê tông.

Một con đường ở TP.HCM bị ngập sau một cơn mưa lớn. Ảnh: Sơn Trang.

Một con đường ở TP.HCM bị ngập sau một cơn mưa lớn. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, để giảm ngập úng do mưa lớn, Thành phố đang triển khai đồ án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán. Trên cơ sở rà soát các quỹ đất chung trên địa bàn Thành phố, hiện nay đã xác định được khoảng 104 vị trí có thể bố trí lắp đặt các hồ điều tiết phân tán nhằm góp phần điều hòa lượng nước mưa, bổ sung mục tiêu bổ cập mực nước ngầm cho Thành phố.

Hồ điều tiết chống ngập sẽ giữ lại một lượng nước lớn mỗi khi có mưa to, qua đó giảm áp tiêu thoát nước cho hệ thống cống (vốn không thể tải hết trong cùng một thời điểm). Bên cạnh đó, việc xây dựng hồ điều tiết còn góp phần cải thiện môi trường, tạo cảnh quan đô thị.

Hệ thống hồ điều tiết sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm ngập cho TP.HCM mỗi khi có mưa quá lớn. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, đến nay, hệ thống hồ điều tiết vẫn chưa được triển khai. Hiện chỉ có 2 hồ điều tiết Gò Dưa rộng 23ha (thành phố Thủ Đức), hồ điều tiết Khánh Hội rộng 4,8ha (Quận 4) là đang được mời gọi đầu tư xây dựng.

Nguyên nhân khiến cho mạng lưới hồ điều tiết chống ngập ở TP.HCM cho đến nay vẫn chưa thực hiện được là do những vướng mắc về thủ tục, mặt bằng và nguồn vốn, trong đó việc thiếu quỹ đất để làm hồ là khó khăn lớn nhất.

Theo ý kiến của một số chuyên gia về thủy lợi, môi trường, hồ điều tiết là giải pháp quan trọng trong chống ngập úng đô thị mà nhiều nước đã thực hiện. Do đó, TP.HCM cần phải đẩy nhanh việc xây dựng các hồ điều tiết, bởi càng để lâu thì việc tìm kiếm quỹ đất để xây các hồ càng trở nên khó khăn hơn.

Xem thêm
Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8%

Theo Thủ tướng, để tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương.

Ngành nông nghiệp Bến Tre duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện

Bến Tre Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tỉnh Bến Tre tăng trưởng 2,12%. Nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt ở mức cao so với kế hoạch.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Dừng thi công thủy điện Đăk Mi 1 để giám định nguyên nhân sự cố

Kon Tum Ngày 8/1, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo tạm dừng thi công thủy điện Đăk Mi 1 để triển khai công tác giám định nguyên nhân sự cố.