Thế nhưng, thật khó chấp nhận khi một đối tượng đưa ra lý do chiếc xe của mình trị giá 5,2 tỷ đồng để ngồi yên trên xe như một hành vi đùa cợt pháp luật.
Trong bối cảnh cộng đồng vẫn tồn tại nhiều quan hệ chằng chịt và nhiều đẳng cấp bất minh, thì thường xuyên xảy ra chuyện đối tượng vi phạm luật giao thông có những hành vi cản trở công tác xử lý. Phổ biến nhất là thái độ tự xưng con ông Sáu cháu ông Tư hoặc đe dọa gọi điện cho ông X bà Y nhờ can thiệp.
Và gần đây lại nổi lên hành vi cố thủ trong xe khi cảnh sát giao thông xuất hiện. Nghiêm trọng hơn, đối tượng không chỉ im lặng kiểu cù nhầy, mà còn ngang nhiên tranh cãi với nhân viên công vụ với tư cách bề trên của kẻ lắm bạc nhiều tiền.
Khoảng 15h ngày 23/7, tổ tuần tra của của Đội CSGT Cát Lái - TPHCM đã phát hiện chiếc xe Mercedec biển kiểm soát 51G - 947.15 đang chạy trên Xa lộ Hà Nội hướng từ Thủ Đức vào trung tâm Sài Gòn có dấu hiệu vi phạm Luật Giao thông nên yêu cầu dừng xe.
Đối tượng Cường nhấn mạnh, nói đi nói lại nhiều lần: “Tài sản của anh, tự nhiên giao cho bọn em cẩu về, anh có bị tâm thần đâu”. |
Tài xế đã cho xe chạy tiếp, buộc tổ tuần tra phải truy đuổi thêm một đoạn mới chặn được chiếc xe gần chân cầu Sài Gòn. Tổ tuần tra yêu cầu tài xế cho xe quay lại chốt để kiểm tra và không ảnh hưởng đến giao thông ở vị trí dễ gây kẹt xe này. Tài xế sau một hồi phớt lờ ngồi nguyên ở vị trí vô lăng đã bất ngờ mở cửa xuống xe đi mất. Chỉ còn lại một người tên Cường tự xưng là chủ xe vẫn chễm chệ trong xe để giằng co với tổ tuần tra suốt 2 giờ đồng hồ.
Do tài xế đã bỏ đi, nên Đội CSGT Cát Lái đề nghị lập biên bản để cẩu xe về chốt giao thông. Đối tượng Cường không chịu xuống xe vì “xe anh 5,2 tỷ đồng, tài sản của anh một đống đây, làm sao anh xuống được”.
Để chứng minh lời nói hùng hồn ấy, đối tượng Cường cầm mấy cọc tiền đưa ra trước mặt tổ tuần tra, đồng thời không ngần ngại nói luôn về khả năng tài chính của nhân viên công vụ, rằng lương đại úy công an 10 triệu/tháng, lương thượng úy 8 triệu/ tháng thì làm sao đền được tài sản cho mình khi có điều gì mất mát xảy ra. Đối tượng Cường yêu cầu cẩu cả người lẫn xe, thì dĩ nhiên tổ tuần tra không thể làm.
Đối tượng Cường nhấn mạnh, nói đi nói lại nhiều lần: “Tài sản của anh, tự nhiên giao cho bọn em cẩu về, anh có bị tâm thần đâu”.
Dù khẳng định “tài xế của anh sai, anh tôn trọng điều ấy” nhưng đối tượng Cường không có biểu hiện nào cho thấy mình nỗ lực tìm kiếm tài xế quay lại xử lý vụ việc. Phương pháp tranh biện của đối tượng Cường là đổ lỗi lỗi lầm cho người vắng mặt là tài xế, còn mình thì có thể giải quyết vấn đề theo cách vô can: “Muốn cưỡng chế anh, các em có quyết định của tòa án, viện kiểm sát thì anh "ok"… Anh không phản đối, không ý kiến, chờ quyết định xử phạt”.
Chỉ đến khi Đội CSGT Cát Lái phối hợp với công an địa phương đến bủa vây, thì đối tượng Cường mới ra khỏi xe và tiếp tục lớn tiếng.
Vì sao lại có sự mâu thuẫn rất phản cảm giữa đối tượng Cường với tổ tuần tra? Lãnh đạo Đội CSGT Cát Lái cho biết: "Chủ xe kéo dài thời gian xử lý vi phạm vào giờ cao điểm, gây ách tắc giao thông nên việc cưỡng chế, cẩu xe vi phạm này đi là cần thiết. CSGT chỉ có trách nhiệm tạm giữ phương tiện, ngoài ra không tạm giữ bất cứ tài sản cá nhân nào khác của chủ xe. Khi niêm phong ôtô, nếu chủ phương tiện không mang tài sản cá nhân bên trong đi thì mọi thứ vẫn ở yên trong xe".
Còn hành vi bất hợp tác với lực lượng chức năng của đối tượng Cường có thể hiểu thế nào về mặt pháp luật?
Luật sư Nguyễn Thành Công - Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Bản thân phương tiện giao thông không thể vi phạm pháp luật, mà người điều khiển phương tiện này mới vi phạm quy định. Trong một số trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm. Trong trường hợp trên, người ngồi trên xe không lái xe thì không vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, khi có hiệu lệnh của cơ quan chức năng, trên xe chỉ có người này mà người này không chấp hành, cố thủ trên xe thì lúc này đã vi phạm pháp luật. Việc cố thủ, đôi co gây mất thời gian, trở ngại cho việc xử lý của lực lượng, giảm hiệu lực thực thi pháp luật của người thi hành công vụ, tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chống người thi hành công vụ theo Khoản 2, Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt 2-3 triệu đồng”.
Khi cãi tới cãi lui với tổ tuần tra, đối tượng tên Cường cố thủ trong xe Mercedes tự khẳng định giá trị chiếc xe 5,2 tỷ đồng và mình là chủ nhân, có phải một đại gia lừng lẫy không? Xin thưa, những doanh nhân tử tế không ai lại hành xử như vậy. Và đối tượng tên Cường cũng không phải gương mặt tiêu biểu gì trong giới nhà giàu. Cái xe mà đối tượng Cường cứ to giọng bảo mình có tư cách chủ nhân, thực sự là tài sản đứng tên Công ty địa ốc Trường Lộc (địa chỉ 556, Xa lộ Hà Nôi, phường Phước Long A, quận 9, TP. HCM) và đang được dùng làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Tiên phong - chi nhánh Sài Gòn.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, đối tượng Cường cố thủ trong xe là Phó giám đốc Địa ốc Trường Lộc.
Lẽ ra, với thân phận của mình, đối tượng Cường cần gọi điện thoại xin ý kiến giải quyết của Giám đốc Công ty địa ốc Trường Lộc. Thế nhưng, đối tượng Cường lại cù nhầy, vì sao? Theo nhận định của lãnh đạo đội CSGT Cát Lái, nhóm người ngồi trên ôtô có dấu hiệu say xỉn, tuy nhiên do họ không hợp tác nên tổ tuần tra không kiểm tra được. Do đó, không khó đoán ra, đối tượng Cường muốn kéo dài thời gian để giải thoát cho tài xế.
Trong bối cảnh tài xế đã rời khỏi hiện trường, chủ xe lại không hợp tác, nên việc cẩu xe là có căn cứ. Việc yêu cầu người trên xe xuống ôtô để cẩu phương tiện an toàn là phù hợp. Tuy nhiên, cái cách phản ứng tỏ ra có chút kiến thức pháp luật của đối tượng Cường lại nhắc nhở các cơ quan chức năng cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn đối với những trường hợp bất hợp tác kiểu cậy tiền, cậy thế, cậy quyền.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn Luật sư TP.HCM lý giải: “Đối với trường hợp người vi phạm không đồng ý cho cẩu vì trong xe có tiền mặt hoặc tài sản giá trị lớn thì trước khi cẩu xe, lực lượng chức năng phải niêm phong, lập biên bản ghi nhận hiện trạng… Quá trình cẩu phải đảm bảo an toàn, thậm chí phải trông coi phương tiện, nếu có mất mát hư hỏng thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Nếu tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng... thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Về phần người vi phạm thì cần chấp nhận theo quy định. Nếu chứng minh CSGT làm sai, có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có”.