Sáng nay, 29/7/2013, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "Giết người và Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng ngày 5/1/2012, làm 7 chiến sỹ bộ đội và công an bị thương. Phiên tòa do ông Nguyễn Vinh Quang, thẩm phán Tòa Phúc thẩm TANDTC, làm chủ tọa.
Theo bản án sơ thẩm hình sự ngày 5/4/2013 của TAND TP Hải Phòng, thì 4 ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ phạm tội “Giết người” được quy định tại khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự. Hai bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu, tức Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) phạm tội “Chống người thi hành công vụ", được quy định tại khoản 1 điều 257 Bộ luật Hình sự. Theo đó, TAND TP Hải Phòng đã tuyên phạt 2 ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý mỗi người 5 năm tù, phạt Đoàn Văn Sịnh 42 tháng tù, phạt Đoàn Văn Vệ 24 tháng tù. Bà Nguyễn Thị Thương nhận 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng. Bà Phạm Thị Báu (tức Phạm Thị Hiền) nhận 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng. 6 bị cáo không phải bồi thường thiệt hại dân sự, do các bị hại không yêu cầu. Không đồng ý với bản án trên của tòa cấp sơ thẩm, cả 6 người đều có đơn chống án trong thời hạn luật định.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn tại phiên tòa sơ thẩm
Bà Nguyễn Thị Thương cho biết lý do chống án như sau: Trước việc bị thu hồi và bị cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản một cách oan uổng, đơn khiếu nại lại không được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nên sáng ngày 5/1/2012, ông Đoàn Văn Quý chỉ muốn tạo tiếng nổ khiến đoàn người cưỡng chế dừng lại (lúc đó ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Vệ không có mặt tại hiện trường), để UBND huyện Tiên Lãng và UBND TP Hải Phòng giải quyết khiếu nại của gia đình bà, chứ anh em ông Vươn, ông Quý hoàn toàn không có động cơ và mục đích giết người. Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, tuy vấn đề này chưa được làm sáng tỏ nhưng TAND TP Hải Phòng vẫn kết họ tội “Giết người” là không thỏa đáng. Sáng ngày 5/1/2012, đoàn cưỡng chế không kéo đến nơi bị cưỡng chế là khu đầm 19,3 ha do ông Đoàn Văn Vươn đang sử dụng mà lại kéo đến nhà Đoàn Văn Quý và khu đầm 20 ha do ông Quý đang sử dụng, nằm ngoài khu vực bị cưỡng chế. Như vậy, vào sáng ngày 5/1/2012, tại khu vực 20 ha đầm đó (là hiện trường vụ án) không có đoàn người đang “thi hành công vụ” mà chỉ có những người có hành vi xâm phạm trái phép chỗ ở của công dân. Việc ngăn cản những người xâm phạm trái phép đó để bảo vệ tài sản của mình là hành vi phòng vệ chính đáng, vì thế, hai bà không chống người thi hành công vụ.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 6 bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm, theo yêu cầu của các bị cáo, là các Luật sư Trần Vũ Hải, Hà Huy Sơn, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Hà Luân, Vũ Lợi (đều thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ngoài ra, Tòa Phúc thẩm TANDTC cũng chỉ định một số luật sư khác để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho họ tại tòa.
Cùng với 5 luật sư trên, hai bà Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu cũng có đơn mời ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng (thuộc Thành hội Nghề cá TP Hải Phòng) tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình và chồng của mình là các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, nhưng Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã có quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho ông Luân. Hai bà đã có đơn gửi ông Chánh tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, khiếu nại về quyết định nói trên. Theo hai bà, thì bằng quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho ông Vũ Văn Luân, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã vi phạm điểm e, khoản 2 điều 50 và điều 56 Bộ luật Tố tụng Hình sự; vi phạm Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 2/10/2004 và vi phạm Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 8/2/2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Nhưng đến nay, đơn khiếu nại đó vẫn chưa được ông Chánh tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội thụ lý, giải quyết.