| Hotline: 0983.970.780

XK sắn liên tục giảm

Thứ Năm 17/07/2014 , 15:48 (GMT+7)

Từ tháng 2 đến nay, XK sắn liên tục giảm cả về lượng lẫn giá trị, khiến cho hàng trăm ngàn tấn sắn đang tồn đọng trong kho của các DN. 

Điều này sẽ tạo ra nguy cơ không nhỏ về đầu ra cho người trồng sắn khi mà diện tích cây sắn đã ồ ạt tăng trong mấy năm qua.

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 6, XK sắn và sản phẩm từ sắn đạt gần 1,7 triệu tấn, kim ngạch trên 534 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, cả lượng và kim ngạch XK sắn đều giảm mạnh.

Về lượng, giảm tới trên 300 ngàn tấn. Còn kim ngạch giảm trên 100 triệu USD. Với lượng XK giảm mạnh như trên, các DN Việt Nam đang gặp phải khó khăn không nhỏ khi có một lượng sắn và sản phẩm từ sắn khá lớn vẫn đang tồn đọng chưa thể tiêu thụ được. Đến cuối tháng 6, tổng lượng sắn lát tồn kho ở các DN khoảng trên 300 ngàn tấn.

Một trong những nguyên nhân chính khiến cho XK sắn và sản phẩm từ sắn giảm mạnh là do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Hiện tại, có khoảng 85% lượng sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam đang được XK qua biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, nhu cầu NK sắn của Trung Quốc đang giảm khá nhiều do ngành công nghiệp sản xuất Ethanol tại nước này gặp khó khăn, nhiều nhà máy đã phải tạm thời đóng cửa. Chính vì thế, đầu ra của sắn và sản phẩm sắn Việt Nam cũng gặp khó theo.

Tháng 2, cả nước XK được gần hơn 398 ngàn tấn sắn và sản phẩm từ sắn, đạt kim ngạch trên 219 triệu USD. Sang tháng 3, lượng XK giảm nhẹ còn trên 391 ngàn tấn, nhưng kim ngạch giảm mạnh xuống còn trên 120 triệu USD. Tháng 4, lượng giảm còn trên 293 ngàn tấn, kim ngạch giảm còn trên 89 triệu USD.

Trong tháng 5, lượng sắn XK chỉ đạt trên 200 ngàn tấn, kim ngạch hơn 70 triệu USD. Nửa đầu tháng 6, lượng sắn đã XK là trên 102 ngàn tấn với kim ngạch hơn 34 triệu USD. Xem ra, trong tháng 6, XK sắn cũng chỉ ngang với mức của tháng 5, tức là chưa có sự tăng trưởng trở lại của mặt hàng này.

Để tránh việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, ngành sắn Việt Nam cũng đã có những nỗ lực đưa sản phẩm sang những thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đài Loan …, nhưng những thị trường này lại đòi hỏi khá nghiêm ngặt các yếu tố VSATTP. Mặt khác, việc XK sắn và sản phẩm từ sắn sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc cũng đang gặp phải khó khăn không nhỏ, bởi sự cạnh tranh về giá cả của sắn và sản phẩm từ sắn có xuất xứ từ Thái Lan (nước XK sắn lớn nhất thế giới).

Theo ông Phạm Vũ Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam, đầu tuần này, giá sắt lát (giá FOB) của Việt Nam XK từ cảng Sài Gòn là 230 USD/tấn, giá tinh bột sắn từ 425-430 USD/tấn. Trong khi đó, các nguồn tin quốc tế cho hay, vào ngày 14/7, giá sắt lát Thái Lan (giá FOB tại Bangkok) là 218-223 USD/tấn, giá tinh bột sắn là 410-420 USD/tấn. Nếu so với mấy tháng trước, thì đây là một sự “đổi ngôi” về giá, bởi hồi cuối tháng 3 năm nay, trong khi giá tinh bột sắn của Việt Nam là 435 USD/tấn, thì sản phẩm cùng loại của Thái Lan cao hơn 10 USD/tấn.

Giá sắn và sản phẩm từ sắn ở Thái Lan giảm mạnh trong thời gian qua nhờ vào nguồn cung dồi dào, khiến cho giá sắn XK của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đã có những DN phải chấp nhận bán với giá dưới 420 USD/tấn với sản phẩm tinh bột sắn để giảm bớt áp lực tồn kho.

Bên cạnh đó, theo nhận định của một số DN chuyên kinh doanh tinh bột sắn, việc giá ngô trên thị trường thế giới giảm xuống đến mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây do nguồn cung tăng cao trên toàn cầu, giá nhiều sản phẩm chế biến từ ngô vì thế cũng giảm mạnh, đã ít nhiều làm cho các sản phẩm từ sắn trở nên khó bán hơn.

Đến thời điểm này, việc XK sắn gặp khó khăn về đầu ra, chưa ảnh hưởng nhiều tới giá sắn của nông dân. Theo anh Trần Quang Việt, một hộ nông dân chuyên trồng và thu mua sắn ở ấp 1, xã Trừ Văn Thố (Bến Cát, Bình Dương), giá sắn tươi loại tốt (30 độ bột) đang được thu mua với giá 2.100 đ/kg. Với mức giá này, người trồng sắn vẫn đang sống được. Tuy nhiên, nếu so với tháng trước thì giá sắn đã giảm nhẹ khoảng 10 đ/độ, và cũng thấp hơn so với giá sắn năm ngoái.

Xem thêm
Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su, cơ hội cho Việt Nam

Hiện ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên tăng.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Bà Nguyễn Hồng Thắm làm Giám đốc Agribank Chi nhánh Kiên Giang

KIÊN GIANG Ngày 20/9, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Hồng Thắm làm Giám đốc Agribank Chi nhánh Kiên Giang.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.