| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển: Chỉ còn nước mắt & nợ nần: [Bài 2] 'Mất hết rồi, còn gì nữa đâu mà đóng lãi'

Thứ Ba 17/09/2024 , 06:01 (GMT+7)

5 người phụ nữ khóc lớn khi gặp cán bộ xã được ủy quyền đi thu tiền lãi ngân hàng. Họ lặp đi lặp lại: 'Mất hết rồi, còn gì nữa đâu mà đóng lãi'.

Cụ bà 86 tuổi Phạm Thị Hoa cùng các con gái ngóng ra biển. Ảnh: Văn Việt.

Cụ bà 86 tuổi Phạm Thị Hoa cùng các con gái ngóng ra biển. Ảnh: Văn Việt.

Mất hết

Chiều 11/9, bốn ngày sau khi cơn bão lịch sử Yagi càn quét qua xã đảo Thắng Lợi (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), khung cảnh tan hoang như vừa trải qua cuộc chiến.

Rừng cây trên những ngọn núi bao bọc quanh xã đảo của huyện Vân Đồn trơ trụi, chỉ còn thân vươn thẳng lên trời cao, như để khẳng định sự kiên cường của ngư dân. Nhưng sức người quá nhỏ bé so với thiên nhiên, hàng cây còn đó, song lá trụi sạch. Rừng xanh vốn bao phủ cả đảo, nay không khác gì những khúc củi khổng lồ.

Bài liên quan

26 ô cá trị giá sơ sơ 1,5 tỷ đồng của vợ chồng anh Bùi Văn Minh, chị Nguyễn Thị Hòa, bị bão dập tan tành. Vài khúc gỗ nổi dập dềnh trên nước biển, cùng hơn chục cái phao dạng thùng phuy, là minh chứng cho một thời nuôi biển ở thôn Cống Tây, Thắng Lợi.

Cụ bà Phạm Thị Hoa khẽ vỗ về con gái. Sinh ra lớn lên trên đảo, suốt 86 năm qua, bà Hoa chưa từng thấy cơn bão nào đáng sợ đến thế. “Bão vào gần hay đi qua, thì chỉ "lại nồm" 1 tiếng đồng hồ là cùng. Đằng này nó lại nồm đến 3-4 tiếng. Mỗi cơn gió là một lần mái tôn giật ầm ầm, cây gãy, tường đổ. Ầm ầm như bị dội bom”, bà Hoa kể.

Bà Hoa không chỉ phải vỗ về một người. Tất cả 11 người con của bà đều nuôi biển, đều trắng tay sau bão. 7 con trai, năm ngoái mất 1, giờ đều theo thuyền lang thang trên biển, hy vọng vớt vát tấm gỗ, cái phao, cuộn dây hay bất cứ đồ vật nào có thể tận dụng.

5 người con gái ở nhà chăm sóc trẻ con và vợ chồng cụ Hoa. Mấy ngày nay, phụ nữ trong nhà gần như không ăn uống. “Cầm bát cơm lên nghĩ mọi thứ trôi xuống biển, ăn không nổi nữa. Mà cơm có gì đâu chú. Câu được tý cá con con, xưa toàn băm cho cá trong bè, giờ thì người lấy ra ăn”, chị Hòa nói trong nước mắt.

Bố chị Hòa, cụ Nguyễn Văn Chiến, nằm bẹp trong phòng. Các con tay trắng, còn hai cụ thì mất nhà. Trước bão, hai cụ không chịu đi. Căn nhà mái tôn nằm sát núi. Mưa lớn, gió giật khiến các con cụ phải sang năn nỉ. Vừa rời nhà được mấy phút, mái tôn bay phấp phới như diều, tiện đứt hàng loạt cành cây quanh nhà. Quãng đường vài trăm mét sang nhà các con, chưa bao giờ xa thế. Cụ Hoa bảo, có những đoạn, mấy mẹ con phải bò bằng tứ chi. Con cái bò hai bên, hai cụ bò giữa. Dắt díu nhau mãi đến căn nhà kiên cố nhất là nhà chị Hòa.

Trưa, 6 người phụ nữ thẫn thờ trước hiên, mắt ai cũng ngóng ra biển. Chồng con họ ngoài đó. Ngày đi vớt đồ, tối mang chiếc thuyền nhỏ đi câu. Nguồn sống của đại gia đình giờ trông chờ vào con cá, con mực câu được mỗi đêm.

Gần bờ không có cá, xa bờ lại không có thuyền. Chị Hòa cùng mấy chị em ngồi bất lực. Rau trong vườn nếu không bị gió bão quật nát bét, thì cũng bị nước bùn từ trên núi trôi xuống vùi lấp.

Cán bộ xã đến ghi nhận thiệt hại. Ghi chưa được bao nhiêu thì cả cán bộ, cả dân ôm nhau khóc. UBND xã Thắng Lợi bàn nhau, thôi để cán bộ nam xuống ghi nhận thiệt hại. Xem có thu được đồng lãi ngân hàng nào thì thu theo ủy quyền.

Cán bộ nam xuống, cũng khóc. Căn nhà xác xơ chỉ còn mấy người phụ nữ ngồi đó, mang ánh mắt hy vọng hướng ra biển xa. Ngày bão, sóng đánh trùm qua cả nhà, hỏng hết đồ đạc bên trong. Hết bão, mưa lớn suốt ngày đêm, vợ chồng chị Hòa phải chặt gãy hệ thống đường ống dẫn nước mưa quanh nhà. Chỉ sợ nó sụp xuống, đại gia đình biết trú ngụ vào đâu.

Chiếc tàu câu mực của nhà chị Hòa cũng đã chìm dưới biển. Đây là lần thứ 2 nó bị chìm. Trước bão, tàu vướng đá ngầm nên gia đình chị Hòa phải thuê trục vớt hết 200 triệu đồng. Mới tân trang, lắp lại giàn đèn cả trăm triệu, nay sóng biển lại nhấn chìm. Cụ Hoa vừa kể xong, thì con gái gục đầu vào 2 bàn tay, vai rung lên từng đợt.

Bà cụ 86 tuổi lại khó nhọc đứng lên, xoa đầu từng cô con gái, nay cũng đã lên chức bà nội, bà ngoại: “Còn người còn của”. Cô con cả không khóc nửa câu, im lặng đứng lên dìu mẹ ngồi xuống. Chị thở dài, giọng khản đặc: “Không còn sức mà khóc nữa”.

“Thành quả đến nơi thì mất hết”, chị Đức, con gái cụ Hoa bảo vậy. Nếu không có bão Yagi, tháng 10 này họ sẽ được thu hoạch cá.

Bộ đội vận chuyển đồ cứu trợ lên xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Văn Việt.

Bộ đội vận chuyển đồ cứu trợ lên xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Văn Việt.

20 năm khôi phục

Hoàn cảnh như nhà cụ Hoa, trên đảo Thắng Lợi đâu cũng gặp. Người ít thì vài tỷ, người nhiều thì cả chục tỷ. Toàn đảo tiêu điều như vừa trải qua đạn bom oanh tạc. Nhà tốc mái, tường đổ, cây gãy rạp hoặc trơ trụi. Ngay đến trụ sở UBND xã Thắng Lợi, nhiều nơi cửa kính vỡ toang hoác. Cây bàng mấy chục năm trong ủy ban, trải qua bao mùa mưa bão, bị gió bão Yagi giật trơ trụi không còn một chiếc lá. Lãnh đạo xã thở dài bảo: “Chắc 20 năm nữa mới được như xưa”.

Trường mầm non xã Thắng Lợi chỉ còn giữ được khu nhà hiệu bộ và dãy nhà 2 tầng cho giáo viên. Hiệu phó Đặng Thị Thu Vân cùng các giáo viên dọn dẹp luôn chân luôn tay. Nhưng các cô giáo chỉ có thể quét dọn, còn cây đổ, mái tôn khung sắt đổ sập xuống nhà hiệu bộ thì đành bó tay. Phòng của Hiệu trưởng, Hiệu phó còn đó, không ai dám vào. Cột sắt, mái tôn đâm toạc mái ngói. Không ai biết liệu khi nào nó sập xuống.

Trường mầm non trên xã đảo Thắng Lợi như vừa bị dội bom. Ảnh: Đức Bình.

Trường mầm non trên xã đảo Thắng Lợi như vừa bị dội bom. Ảnh: Đức Bình.

Cô Vân tìm tới ủy ban xã, song lại phải quay về. Cán bộ nam đi giúp dân khắc phục thiệt hại hết. Mà nếu còn, thì sức người cũng phải chào thua. “Chỉ còn cách thuê máy cẩu, máy xúc, nhưng mấy ngày nay chúng tôi không có sóng, không có mạng. Mà thợ họ cũng sẽ ưu tiên làm trong đất liền trước. Chưa biết đến ngày nào có thể đón được các cháu quay lại”, cô Vân nói.

Trong trường còn chiếc giếng khơi, nguồn nước duy nhất của các cô giáo và nhiều hộ dân xung quanh. Đảo Thắng Lợi vốn có hệ thống nước sạch, song nó đã trở thành quá khứ bởi bão Yagi. Nếu còn, thì cũng không thể hoạt động do mất điện.

Đêm xuống, cả đảo bị bóng đêm bao trùm. Nguồn sáng từ 2 chiếc tàu câu mực còn sót lại, trở thành nơi người lớn sửa soạn đồ đi biển và cho trẻ em chơi đùa trên bờ.

Những đứa trẻ ở đây rất khác. Chúng “lớn” hơn nhiều so với trẻ em ngoài phố. Ba chị em, một gái, hai trai ngoan ngoãn ngồi chia nhau tô cháo cá. Chị gái 5 tuổi múc cho hai em trai. Mấy đứa trẻ ngồi ăn trong nguồn sáng từ chiếc điện thoại của mẹ. Không tranh giành. Không kêu khóc. Cũng không có cảnh “phải cho xem điện thoại mới ăn”.

Những đứa trẻ 'người lớn' trên đảo Thắng Lợi tự chăm sóc nhau trong ánh sáng từ chiếc điện thoại. Ảnh: Văn Việt.

Những đứa trẻ "người lớn" trên đảo Thắng Lợi tự chăm sóc nhau trong ánh sáng từ chiếc điện thoại. Ảnh: Văn Việt.

Cách đó 20 mét, chị Nguyễn Thị Thúy, mẹ của mấy đứa trẻ, ngồi băm mồi cho chồng đi câu. Chồng chị sẽ là một trong số những ngư dân lên tàu câu mực ra biển tối nay. “Trẻ con ở đây đều thế, hình như các cháu biết bố mẹ lam lũ suốt ngày, nên chẳng đứa nào quấy”, chị Thúy nói. Chồng chị, đang sắp xếp đồ câu, nhờ ánh sáng từ giàn đèn câu mực. Họ sẽ câu hết những gì bắt gặp. Mục đích chỉ là đổi lấy ít gạo, thức ăn cho gia đình.

Không ai dám ra biển lớn. Chẳng phải vì không muốn, mà bây giờ ngoài đó đầy rẫy tàu bè chìm, lồng cá bị chìm, lưới quây, bạt đóng đáy bè không chìm hẳn mà ẩn hiện dưới nước. Tàu đi qua, rất dễ vướng chân vịt. Tàu hỏng, cả đảo biết trông vào đâu.

Trước mắt, chưa biết đến ngày nào mới có sóng điện thoại, sóng Internet như ngày trước. Các ngư dân cứ kể mãi, trong và sau bão, hàng nghìn cuộc gọi của họ không thể thực hiện. Không thể hỏi thăm nhau, không ai biết người thân có còn lành lặn? Rất may ở Thắng Lợi, chưa có thiệt hại về người. 2 ngày sau bão, mưa lớn, ngư dân gặp lại nhau, chỉ biết ôm nhau khóc.

Cán bộ xã, nhiều người trở thành giao liên như thời chiến, dù bão đã đi qua được mấy ngày. Báo cáo, chỉ đạo, mọi thứ đều ghi ra giấy. Người nọ đi xe máy tới báo cho người kia. Bí thư, Chủ tịch xã cũng vậy.

Mượn nhờ ánh sáng từ tàu câu mực, các ngư dân sửa soạn đồ đi đánh bắt. Ảnh: Văn Việt.

Mượn nhờ ánh sáng từ tàu câu mực, các ngư dân sửa soạn đồ đi đánh bắt. Ảnh: Văn Việt.

Không buông xuôi

Thiệt hại do bão Yagi không buông tha bất cứ ai ở Thắng Lợi. Song, không thấy ai tuyệt vọng, người dân ở đây đùa nhau: “Đảo Thắng Lợi không thể để thua bão”.

Nhà còn thuyền giúp nhà mất thuyền, mất bè đi tìm kiếm. Nghe tin ở đâu phát hiện bè chìm, bị sóng cuốn, họ lại bảo nhau cùng đi nhặt nhạnh lại.

Một trong những hộ thiệt hại nặng nhất là nhà ông Nguyễn Văn Thành. Trước bão, nhà ông Thành nuôi 2 vạn lồng thưng, sần, 200 dây hàu, 20 ô cá chim, cá giò, cá song. Ngư dân này cũng tham gia hợp tác xã nuôi trồng thủy sản của đảo. Đây cũng là khu vực nuôi trong vòng 6 hải lý thuộc cấp tỉnh quản lý.

Biết bão vào, ông Thành bỏ hơn chục triệu đồng thuê người đóng cọc, chằng buộc cẩn thận. Nhưng 14h hôm sau, ông Thành không tin nổi vào mắt mình khi thấy mái ngói nhà mình bay thốc lên như diều trong gió. Phần ngói còn sót lại sập xuống. May mắn, cả gia đình kịp chạy thoát.

Bão tan, ông Thành rơm rớm nước mắt nói khu lồng bè “tan hoang hết, không còn gì”. Thiệt hại ước tính 12 tỷ đồng.

Gần như tay trắng, nhưng ánh mắt ông Thành không hề có lấy 1 tia tuyệt vọng. Trái lại, đôi mắt ánh lên sự kiên cường, bình tĩnh. Đôi tay đi biển nhiều năm đầy những vết chai sần, vẫn đan lưới thoăn thoắt khi tiếp chuyện khách.

“Có nhiều thì làm nhiều, ít phải chịu nhưng cũng vẫn phải đi vay mượn, làm lại từ đầu. Dù thế nào cũng không buông xuôi”, ông Thành nói về dự định tương lai.

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Bình Thuận hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS tàu cá

Tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá trên địa bàn nhằm giúp ngư dân bớt khó khăn, gỡ ‘thẻ vàng’.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.