Lời tòa soạn:
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp khi làm ngập úng, thiệt hại gần 190.400 ha, hơn 48.700 ha hoa màu, hơn 31.700 ha cây ăn quả. Gần 3.270 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hại; gần 21.800 con gia súc, hơn 2,6 triệu con gia cầm bị chết.
Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện chuyên đề “Tái thiết sản xuất nông nghiệp sau bão lũ”, tập trung vào các lĩnh vực: thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp và các công trình thủy lợi, đê điều. Trong đó nêu bật thực trạng, giải pháp kỹ thuật cũng như kiến nghị những giải pháp về chính sách để tái thiết nông nghiệp kịp thời, hiệu quả.
Thống kê sau siêu bão số 3 lịch sử, Quảng Ninh là một trong số những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, đặc biệt là ngành thủy sản. Biết bao nhiêu vùng nuôi hoang tàn, trở thành vùng nước trắng, bao nhiêu gia đình lâm cảnh mất sạch sành sanh. Bão đi qua, thứ để lại cho thủy sản Quảng Ninh dường như chỉ còn nước mắt và nợ nần chồng chất.
Thủ phủ nuôi biển hoang tàn
Anh Ngô Nam Trung là một trong những người tiên phong mở biển ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Hồi tháng 3 năm nay, khi phong trào nuôi biển ở Vân Đồn được sắp xếp lại theo hướng quy củ, chúng tôi từng vượt sóng vịnh Bái Tử Long để tìm gặp người đàn ông táo bạo này ở vùng nuôi biển sát ngoài khơi Quan Lạn. HTX Trung Nam do anh Trung dẫn dắt chính là cộng đồng đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh được cấp giấy phép mở biển.
Vẫn nhớ như in hôm ấy, tiết trời thật đẹp. Sóng êm đềm. Giữa vùng biển mênh mông, Giám đốc Ngô Nam Trung miệng nói tay làm, không ngừng thúc giục bà con xã viên xâu hàu giống theo từng choãi dây gắn vào dãy phao nhựa HDPE mà hợp tác xã vừa mới đầu tư chuyển đổi từ phao xốp. Ở xung quanh đấy, nhiều hợp tác xã khác như Phất Cờ, Thắng Lợi, Kiên Cường, Mạnh Đức… cũng vậy.
Lớp lớp lồng bè, phao nổi, ken kín cả một vùng vịnh, hàng nối hàng vô cùng đẹp mắt. Không khí lao động thật hăng say, phấn khởi. Là vì, sau quãng thời gian dài phát triển nóng theo kiểu tự phát, giờ đây với chính giao mặt nước biển, phát triển hợp tác xã, người nuôi biển ở Vân Đồn như thể được cởi trói.
Mỗi dây hàu, con cá, con thưng thả xuống biển đã mang theo biết bao hi vọng làm giàu từ biển. Lúc cao hứng anh Trung mời mọc: Độ cuối tháng 10 dương lịch nhà báo sắp xếp xuống thu hoạch với bà con, 800 đường hàu này bét lắm cũng phải tầm 4 nghìn tấn chứ chẳng ít. Với 23,8 nghìn ha mặt biển đã được quy hoạch của huyện Vân Đồn để nuôi cá và nhuyễn thể, bà con muốn nghèo cũng khó.
Vậy mà giờ đây, ngồi trước mặt tôi đang là gương mặt thất thần của một người “đến cái nịt cũng chẳng còn”. Trông anh phải già đi hàng chục tuổi. Cơn ác mộng bão số 3 khiến Giám đốc HTX Trung Nam cũng như hầu hết người nuôi biển khác ở Vân Đồn vẫn chưa thể hoàn hồn. Thành thử khi tôi ngỏ ý muốn đi ra vịnh, anh Trung khiên cưỡng nổ máy thuyền, nhưng giọng lộ rõ sự chán nản: Còn gì ngoài đó nữa mà ra. Cơn bão quái ác cuốn đi sạch sành sanh gia sản của người nuôi biển Vân Đồn rồi. Nuôi nhiều mất nhiều, nuôi ít mất ít, không ai còn gì cả.
Quả nhiên, bão Yagi đã khiến cả một vùng Bái Tử Long rộng mênh mông giờ đây chỉ còn lại màu trắng xóa. Mấy nghìn lồng bè, cơ sở nuôi hàu, nuôi cá ngày trước đã biến đi đâu, như thể có thế lực vô hình nào đó đã làm phép biến thành bãi nước trắng. Xế trưa, khi trời tạnh mưa, sương mù tan bớt, thủ phủ nuôi biển mới hiện ra khung cảnh hoang tàn. Xác lồng bè, nhà nổi phao nhựa số cuốn lại với nhau dạt vào trong vùng lõm của vịnh, số khác bị sóng gió quật lên vách núi, lẫn vào đám rừng đã tan hoang.
“Kinh nghiệm cả đời làm nghề biển biết là bão rất mạnh, sẽ thiệt hại nhiều nhưng không ngờ nó khủng khiếp đến vậy”, anh Trung giọng vẫn chưa hết hãi. Khi bão chuẩn bị vào vịnh Bắc Bộ, qua theo dõi mắt của nó, người nuôi biển Vân Đồn đã cảm thấy bất an. Suốt một tuần liền trước khi bão vào ai nấy đều ra sức gia cố lồng bè, dồn lực chằng buộc lại nhà nổi.
Nhà anh Trung có 3 anh em trai đầu tư nuôi biển thì cả 3 đều phải thuê người, dùng những cuộn dây thừng to như bắp vế, buộc chặt lồng bè, nhà nổi rồi neo lên từng tảng đá to nhất trên vách núi. Mặc dù chính quyền cử người ra vận động, cưỡng chế bắt bà con vào bờ trú ẩn, mặc vợ con khóc lóc can ngăn, nhưng nhiều đàn ông ở Vân Đồn do sốt ruột, lo lắng quá vẫn trốn ra bè và gặp bão rồi mắc kẹt ngoài đó không vào được nữa.
Buổi sáng trước khi bão vào, 3 anh em nhà anh Trung neo nhà nổi để cầm cự ở khu Dộc Giữa, xã Đông Xá. Mới sáng sớm gió đã rít qua vách núi như còi tàu, sóng đánh vào hang đá ầm ầm như sấm. Quá trưa thì nó vào. Anh em cố trấn an nhau, cùng lắm cho nó đánh đắm các dây hàu thôi, còn thuyền bè đã gia cố vững thế này rồi chắc sẽ trụ được. Vậy nhưng chỉ sau 3 đợt bão quật, dây neo đứt, căn nhà nổi lật úp xuống biển. 5 người chỉ kịp hô nhau nhảy. Cũng may vị trí cách vách núi không xa nên 3 anh em và 2 người làm mới thoát chết. Cả 5 chui vào hang đá trú ẩn suốt ngày hôm ấy, bão tan mới dám mò ra. Nhưng khi rời khỏi hang, thứ khiến họ sợ hãi không còn là chuyện vừa mới vượt qua lằn ranh sống chết. Trong phút chốc cả 5 như thể trở thành những kẻ mất hồn, bởi toàn bộ gia sản đã cuốn theo cơn bão.
Gia đình anh Trung mất 800 đường hàu, anh Thủy, anh Thanh cũng mất mỗi người 100 -200 đường. Tất cả thành viên trong hợp tác xã Trung Nam, rồi hợp tác xã khác như Phất Cờ, Kiên Cường, Thắng Lợi đều đi sạch sẽ, không còn gì.
Đau nhất là bà con vừa mới đầu tư số tiền lớn để chuyển từ phao xốp sang phao nhựa HDPE, nhà nào cũng tiền tỷ, dồn hết vốn liếng, sổ đỏ vay mượn ngân hàng để đầu tư xuống biển, bây giờ tan theo bão hết rồi.
Anh Trung tính: Riêng nhà tôi có 800 đường hàu, tương ứng với 8 vạn quả phao, đầu tư hết hơn 7 tỷ đồng, bây giờ bão đánh tan tác hết. Hàu đang độ lớn, khoảng tầm 1 tháng nữa sẽ thu, mỗi đường hàu thả 1 vạn giống, nếu như mọi năm sẽ thu ít nhất 4 nghìn tấn, bán giá bét lắm cũng được 7 nghìn đồng/kg, nhân lên đã 27 -28 tỷ đồng rồi. Chưa kể tiền đầu tư lồng bè, tiền trả nhân công. Bây giờ tay trắng hết, đến cái vỏ con hàu cũng chẳng còn. Muốn thuê công nhân đi tìm phao về cũng không ai nhận vì không có tiền công trả họ.
“Bão vừa tan, anh em tôi chạy thuyền từ Cái Rồng ra xã đảo Thắng Lợi, Bản Sen, Minh Châu, Quan Lạn, cả một vùng biển mênh mông chỉ có mấy chấm phao nhựa đen bé tí ti mà dân vừa cắm xuống để đánh dấu khu vực tìm kiếm, vớt vát tài sản. Trước đó có gần cả trăm hợp tác xã nuôi biển, vậy mà sau bão không còn vết tích gì. Nhà nào nuôi nhiều mất nhiều, nhà nuôi ít mất ít nhưng cơ bản là mất sạch sẽ. Bình quân một hộ gia đình ở Vân Đồn có khoảng 20 -25 dây hàu, nếu được thu mỗi nhà ít nhất cũng được mỗi dây khoảng 5 tấn, nhưng tỷ lệ sống sót chắc chỉ hoạ hoằn chừng 0,1%”, giọng anh Trung nghèn nghẹn.
Hơn 2,2 nghìn tỷ tan cùng bọt biển
Theo thống kê của thị trấn Cái Rồng, cơn bão số 3 đã cuốn trôi 71 lồng bè, 30 hộ nuôi hàu mất trắng, 9 con tàu đúc bằng xi măng của dân nuôi biển cũng không trụ nổi, bị đánh đắm. Còn tính chung cả huyện Vân Đồn, thống kê sơ bộ có 1.340 hộ nuôi hàu, thưng, sần, ngao, tu hài, ốc và có song, cá giò, cá chim bị thiệt hại, đa phần đi sạch.
Bà Trương Thị Thuý Huyền, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn ngán ngẩm: Hơn 32,11 nghìn tấn sản lượng thủy sản của huyện Vân Đồn bị thiệt hại. Trong đó người nuôi hàu mất hơn 25,637 nghìn tấn, nuôi cá mất 636 tấn, thủy hải sản khác hơn 5,48 nghìn tấn. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng trên 2,28 nghìn tỷ đồng. Sơ kết ngắn gọn, bão số 2 khiến nuôi biển của Vân Đồn gần như bị xoá sổ.
Tang thương nhất là gia đình ông Long Văn Quảng, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Thắng Lợi ở thị trấn Cái Rồng. Vốn bám biển lâu năm, ông Quảng là người nuôi cá song vang quy mô nhất ở vùng biển thuộc xã đảo Bản Sen, vụ này thiệt hại cả trăm tỷ đồng. Nghe kể lại, trước lúc bão vào, ông Quảng cùng với 5 người khác quyết định ra khu vực nuôi biển để canh. Cả 6 người bám trụ trên một con tàu bằng composite được đầu tư mấy tỷ đồng, cứ nghĩ là kiên cố nhưng đến lúc bão vào, toàn bộ lồng nuôi cả trăm tấn cá loại 5- 7 năm, nặng từ 15-20 kg tan theo sóng biển. Mất của, mất luôn cả người. Tàu composite lật, 5 người bị sóng đánh dạt vào cảng Vạn Hòa, còn ông Quảng, 5 ngày sau mới tìm thấy xác.
“Thà chết đi như thế có khi còn đỡ khổ”, ai đó trong HTX Nam Trung buột miệng. Còn Giám đốc Ngô Nam Trung giải thích: Bao nhiêu vốn liếng tích cóp cả đời bám biển, một trận bão qua mất trắng đã đành, còn đống nợ khổng lồ chỉ nghĩ đến thôi đã hãi. Ngay khi bão vừa tan, UBND huyện Vân Đồn đã có thông báo gặp gỡ nhằm động viên, chia sẻ mất mát và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con nuôi biển. Từ tối ngày 11/9 đến 15/9, liên tiếp các buổi gặp mặt được tổ chức tại thị trấn Cái Rồng, xã Bản Sen, xã Quan Lạn, xã Thắng Lợi…
Nhưng anh Trung bảo, đến giờ này nhiều thành viên các hợp tác xã giờ đi đâu không ai rõ, chắc phần vì biển tan nát, phần vì sợ gánh nặng nợ nần. Bà con chỉ biết cầu nguyện, nếu ngân hàng không khoanh nợ, chắc chắn đa số người nuôi biển ở Vân Đồn chẳng ai còn nhà.
"Như gia đình tôi, hiện đang vay ngân hàng hơn 4 tỷ đồng. Chỉ tính tiền lãi thôi bây giờ cả nhà cũng đủ phát ốm. Không có tiền chắc chắn không thể tái đầu tư. Hàng nghìn cơ sở nuôi hàu sập kéo theo đông đảo bà con làm công, xâu hàu, các cơ sở chế biến, cơ sở nhân giống, xe cộ vận chuyển cũng sập theo nốt, không nghĩ ra cách gì để phục hồi”, Giám đốc HTX Trung Nam chán ngán.