| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển: Chỉ còn nước mắt & nợ nần: [Bài 4] Không buông xuôi, không tuyệt vọng

Thứ Năm 19/09/2024 , 13:38 (GMT+7)

Trên một phần bè cá mới tìm lại được, anh Chương cùng hai công nhân miệt mài gỡ từng sợi lưới, đóng lại từng chiếc đinh. Không buông xuôi, không tuyệt vọng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (bìa phải) kể về giây phút sinh tử khi nhảy từ bè này sang bè kia trong gió bão. Ảnh: Cường Vũ. 

Chị Nguyễn Thị Tuyết (bìa phải) kể về giây phút sinh tử khi nhảy từ bè này sang bè kia trong gió bão. Ảnh: Cường Vũ. 

Cú nhảy liều mạng

Hôm 8/9 là ngày mà suốt đời anh Trần Văn Chương sẽ khó có thể quên. Đó là ngày mà hai vợ chồng anh thoát chết trong gang tấc, và cũng là ngày bão Yagi cuốn phăng tài sản nhà anh tích lũy 20 năm.

“Cảm giác núi xung quanh tụt xuống vì nước biển dâng cao, sóng vỗ lên đá văng bọt gần 20m. Tàu, bè cá trôi tứ tung. Đúng lúc tôi quay về phía sau xem thì thấy một bè cá khác xô vào bè nhà tôi, cuốn luôn cả bè chúng tôi ra biển”, anh Chương kể.

Người đàn ông hơn 20 năm làm nghề nuôi biển ở đảo Ông Cụ, Cẩm Phả, chưa bao giờ thấy trận gió bão nào có sức tàn phá đến vậy.

Ngồi trên bè, anh Chương và vợ cùng 2 công nhân đã nghĩ đến cái chết. Không ai có thể giúp họ giữa cơn gió giật cấp 14 - 15. Các ô cá trên bè vỡ đáy, hoặc bị gió giật tung lưới. Cá từ trong ô bị gió cuốn bay như lá rụng. Các thanh gỗ từ bè, từ nhà văng tứ tán. Tất cả 4 người nằm rạp xuống, hành động duy nhất có thể lúc đó để tránh bị thương. Nhìn thấy bè đang trôi gần một bè của nhà khác, cả 4 người bảo nhau nhảy sang.

“Chân chưa kịp rơi xuống, đã thấy bè nhà mình trôi cả chục mét rồi. Tan nát hết. Lúc chạm mặt bè bên kia, chúng tôi bò từng tý một để vào trú nhờ. Buông tay ra là gió thổi bay xuống biển”, chị Nguyễn Thị Tuyết, vợ anh Chương, kể lại.

Chiếc bè với số cá, tổng trị giá ước 10 tỉ đồng của vợ chồng Chương - Tuyết là thành quả của 20 năm vun vén. Từ vài ô cá, đến chục ô. Từ bè nhỏ, đến bè to. Tiền lãi mỗi năm ngoài để trang trải sinh hoạt, trả nợ vay, anh chị đều đầu tư vào nghề nuôi biển. Chiếc bè cứ lớn dần, lớn dần cho đến 200 ô cá song, cá chim vây vàng.

30 tấn cá song, con nhỏ nhất 3kg, con to nhất 8 kg cùng 4 vạn con giống cá chim vây vàng mới thả, giờ đều lọt ra thiên nhiên hết.

Không chỉ nhà anh Chương, khoảng 70 hộ nuôi biển khác trên đảo Ông Cụ cũng lâm vào cảnh tương tự.

Câu chuyện của chị Tuyết bây giờ, gần như luôn mở đầu bằng “bão hôm đấy”. Chị Tuyết bảo hôm đó ở trên nhà bè, thấy “sóng đánh màng” liên tục. “Sóng phủ qua cả bè, cả nhà bè luôn. Cao lắm. Nó đập vào vách núi đá, dội tiếp xuống như ai lấy gậy đập vào mái nhà”.

Nuôi cá trong vịnh, ba bề bốn bên có hàng chục đảo đá lớn nhỏ che chắn, vợ chồng chị Tuyết có phần chủ quan khi không vào bờ. Dù Quảng Ninh ra lệnh cấm biển, số ngư dân tìm mọi cách bám trụ lại bè không hề hiếm.

Họ sợ rằng khi bè trôi vào tàu, thuyền nào gần đó, cá sẽ bị vớt sạch. Chuyện này không hiếm, các ngư dân đảo Thắng Lợi cách đó không xa, cũng kể như vậy.

20 năm đổi lấy một canh bão

Mấy ngày nay, nhà chị Tuyết sống nhờ bè của hàng xóm. Cũng may có tiền trong tài khoản, nên chị đi nhờ thuyền vào bờ rút tiền mặt được. Sóng điện thoại, sóng Internet đều mất. Cho đến ngày 13/9, thông tin liên lạc trên đảo vẫn như thời bao cấp.

“20 năm đổi lấy một canh bão. Sổ đỏ của ông bà, anh chị em bay hết rồi”, chị Tuyết thở dài. Anh Chương thì bảo, chắc 20 năm nữa sẽ hồi phục. Vợ chồng ngư dân, đến từ TX Quảng Yên cách hơn 100 km, bảo bây giờ nghề nuôi ngày càng khó.

“Hồi xưa thức ăn cho cá rẻ hơn, nước ít ô nhiễm hơn. Tỷ lệ cá giống cũng ‘ngon’ hơn, thả 1 vạn thì có 8.000 con sống, giờ chỉ tầm 2.000 con. Khó càng thêm khó”, anh Chương nói.

Một cách mà ngư dân nuôi biển ở Cẩm Phả hay Vân Đồn đang dùng, đó là mua lại cá của những người đi câu. Thường gặp nhất là cá song, có giá phổ biến 140.000đ/kg với những con từ 3 - 7 kg. Chưa gặp cảnh này bao giờ, nên anh Chương bảo cứ mua cầu may, tỷ lệ cá sống tiếp được bao nhiêu phụ thuộc ông Trời.

Ban ngày, anh Chương đi thuyền quanh vụng, hoặc ra vịnh, hy vọng kiếm được cái phao, mảnh lưới, khúc gỗ làm bè. Ở nhà, chị Tuyết hóng chờ thuyền tới bán cá.

Ngư dân đi câu lại những con cá song bị sổng ra biển sau siêu bão Yagi. Ảnh: Cường Vũ. 

Ngư dân đi câu lại những con cá song bị sổng ra biển sau siêu bão Yagi. Ảnh: Cường Vũ. 

Bão Yagi mang lại nỗi buồn cho nhiều người, song cũng là niềm vui với số ít người đang làm nghề đưa đón khách ra các đảo từ cảng Vũng Đục, Cẩm Phả. Từ sau hôm bão tan, mưa ngớt, dân chạy đò đi làm ngư phủ hết. Người gặp may, có ngày câu được cả tạ cá, thu nhập hơn chục triệu.

Còn chiều nay, tới bán cá cho chị Tuyết là gia đình 3 người thuộc xã đảo Thắng Lợi. Họ không hề cười, cho dù bán được cả tạ cá. Người phụ nữ trung tuổi trên thuyền, bảo chị Tuyết: “Bè nhà tôi vỡ sạch rồi, không thì cũng thả vào nuôi lại”. Giữa họ, không hề có một lời mặc cả. Có vẻ như ngư dân chấp nhận đó là cái giá chung, mỗi người san sẻ với nhau một ít.

Bán xong cá, gia đình nọ nổ máy bơi thuyền đi nơi khác. Thi thoảng, cả ba cùng ngoái lại nhìn chiếc bè chị Tuyết đang ở nhờ, vẻ mặt dường như tiếc nuối. Họ cũng từng có bè cá như thế, lúc bão chưa vào.

Trên một phần bè cá mới tìm lại được, anh Chương cùng hai công nhân miệt mài gỡ từng sợi lưới, đóng lại từng chiếc đinh. Không buông xuôi, không tuyệt vọng. Ánh mắt chăm chú trong từng cử chỉ. Với những ngư dân ở Quảng Ninh, chuyện bão đã là lịch sử. Hiện tại, họ vẫn nỗ lực vực dậy cơ đồ từ mảnh lưới, cái phao thu nhặt về.

Chiếc thuyền anh Chương đi lại mấy ngày nay, cũng là mượn từ một hàng xóm ít thiệt hại. Giữa họ, không có quan hệ ruột thịt; đỡ đần nhau chỉ vì “giữa biển mênh mông này, nhà mất ít giúp nhà mất nhiều”.

Vợ chồng ngư dân Đỗ Văn Thường nói, dù bão đã cuốn đi gần như mọi thứ, họ vẫn sẽ làm lại từ đầu. Ảnh: Đức Bình.

Vợ chồng ngư dân Đỗ Văn Thường nói, dù bão đã cuốn đi gần như mọi thứ, họ vẫn sẽ làm lại từ đầu. Ảnh: Đức Bình.

Tài sản cách một mắt lưới

Cách nhà Chương - Tuyết chừng 5 phút đi xuồng, nhà anh Đỗ Văn Thường may mắn hơn khi còn níu giữ được nhà và bè. Tuy nhiên, số cá song trị giá hơn 2 tỉ đồng đã thoát sạch ra biển. “Sông xanh biển trắng, có tý buổi chiều thôi là tan hết chú ạ”, anh Thường nói. Ngư dân các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn, vẫn gọi phần biển ở trong vụng là “sông”, còn vào trong vịnh mới gọi là “biển”.

Nhìn đống bè, phao, lưới ngổn ngang, chị Ta - vợ anh Thường, ngậm ngùi nói: “Tài sản ngư dân cách có một mắt lưới thôi. Bên trong là của mình, bên ngoài là của ông Trời”.

Tinh thần tương trợ của xóm giềng, là thứ khiến gia đình anh Thường vẫn tồn tại đến giờ. Biết một mình anh Thường làm không xuể, các gia đình khác đều cử người sang giúp. 3 ngày, họ gần như khôi phục xong 2 ô cá. Anh Thường nhờ đó tiết kiệm được mấy chục triệu tiền đóng lại ô. Còn 6 ô cá đã bị cuốn trôi, anh Thường bảo vẫn còn chút hy vọng mắc kẹt đâu đó, sẽ có người tới giúp kéo về.

Chiếc “thuyền bê tông” của anh Thường cũng bị sóng biển đánh tan tành. Đó là một con thuyền khung bê tông, bên trên có nhà, bể tắm chữa bệnh cho cá, bể chứa nước mưa. Sau bão, chỉ còn trơ chiếc khung bê tông hình con thuyền, mái ngói bay sạch, tường vách đổ ngổn ngang.

Chị Ta nói thiệt hại đó không là gì so với số cá bị trôi ra biển. “Cũng may, ngân hàng thông báo sẽ giãn nợ, chứ nói thật chả biết xoay đâu ra tiền nữa. Đợt này chắc lại đi vay khắp nơi đầu tư lại”, chị Ta nói.

Mỗi con cá song câu được là một tia hy vọng với gia đình anh Thường. Ảnh: Văn Việt.

Mỗi con cá song câu được là một tia hy vọng với gia đình anh Thường. Ảnh: Văn Việt.

Người phụ nữ quê gốc Cái Rồng, Vân Đồn, nói rằng, điều khiến vợ chồng chị đau đầu nhất là nuôi cá song phải 2 năm mới cho thu hoạch. Trong thời gian đó, nhà chị sẽ phải nuôi thêm các loại "cá trắng" (cá chim, cá giò) có thời gian thu hoạch 1 năm. Nói về tương lai, chị Ta cho rằng, may mắn là yếu tố quyết định đến nghề nuôi biển. Không ai dự báo được bão có vào hay không. Chỉ một cơn bão như Yagi, vô số ngư dân sẽ tay trắng.

Bảo chị Ta bán cá trước khi bão vào cũng khó, vì cá song mới thả chưa đầy năm, không ai mua cả.

Câu chuyện bỗng ngắt quãng bởi người cậu của chị Ta mới câu được một con cá song bằng bàn tay. Cả nhà xúm lại. Nhẹ nhàng tháo lưỡi câu, đưa ngay vào ô cá mới sửa xong. Chút cám cho cá cũng được rải xuống. Mỗi con cá, là một tia hy vọng.

Siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho nghề nuôi biển ở Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ.

Siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho nghề nuôi biển ở Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ.

Thiệt hại hơn 2.200 tỉ đồng

Theo thống kê sơ bộ của huyện Vân Đồn, bão số 3 đã gây thiệt hại trên 2.200 tỉ đồng cho ngư dân nuôi trồng thủy sản trên biển. Trong đó, nhuyễn thể thiệt hại ước tính trên 1.300 tỉ đồng; cá biển trên 500 tỉ đồng; hải sản khác gần 400 tỉ đồng. Ngoài ra còn thiệt hại 318 nhà bè; gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ.

Còn tại TP Cẩm Phả, ước tính có 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão, với tổng giá trị thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng. Tính đến ngày 11/9, trên khu vực biển của thành phố chỉ có khoảng 39 hộ nuôi còn giữ lại được vài phần lồng bè, mức độ thiệt hại từ 50-70%; 326 hộ nuôi còn lại gần như thiệt hại hoàn toàn. Đáng nói, phần lớn các hộ đều nuôi các loại cá có giá trị cao như: Song, vược, chim vàng… nên thiệt hại về tài sản là rất lớn.

Tại TX Quảng Yên, toàn bộ 800 bè hàu, 1.700 lồng nuôi cá của các hộ nuôi trên địa bàn thị xã đều bị phá hủy sau bão. Của đau con xót, những ngày này, nhiều người vẫn cố gắng ra biển tìm kiếm, cứu lại những tài sản cuối cùng, từ mảnh bè gỗ, tới sợi dây treo hàu, hà.

Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên là 3 địa phương ngư dân chịu thiệt hại nặng nhất do bão số 3. Người ít thì vài trăm triệu, nhiều thì vài tỉ, vài chục tỉ đồng trôi theo sóng nước. Mặt biển vẫn bề bộn sau bão. Có những người mất tích vẫn chưa trở về. Và có lẽ phải rất lâu nữa, ngành kinh tế biển quan trọng này mới có thể khôi phục trở lại như khi trước bão.

Các địa phương của Quảng Ninh vẫn đang thực hiện việc rà soát thống kê thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời lên kế hoạch để dọn vệ sinh môi trường biển trong thời gian tới, cũng như tạo các điều kiện hỗ trợ để bà con có thể quay trở lại nuôi trồng trong thời gian ngắn nhất.

Xem thêm
Hải Dương thiệt hại thủy sản khoảng 600 tỷ đồng

Đoàn công tác của Cục Thủy sản phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương trực tiếp thị sát tình hình của người dân tại các điểm nuôi cá lồng thuộc địa bàn TP Chí Linh.

Chỉ rõ những bất cập trong công tác chống khai thác IUU tại Thừa Thiên - Huế

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế phải nhìn thẳng sự thật, thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, tồn tại trong thực hiện công tác chống khai thác IUU để tập trung khắc phục. 

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.

Cứu 3 thuyền viên sà lan bị chìm trôi dạt trên biển

Kiên Giang Sà lan KG-49470 bị sóng đánh chìm trên vùng biển gần đảo Hòn Tre, 3 thuyền viên trôi dạt trên biển may mắn đã được lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu vớt an toàn.