| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng trở lại

Thứ Hai 06/07/2020 , 05:23 (GMT+7)

Xuất khẩu rau quả trong tháng 6 đã tăng trưởng trở lại sau mấy tháng liên tục tăng trưởng âm.

Xuất khẩu rau quả tăng mạnh ở nhiều thị trường tiềm năng. Ảnh: Sơn Trang.

Xuất khẩu rau quả tăng mạnh ở nhiều thị trường tiềm năng. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 6/2020 đạt 300 triệu USD, tăng 8,4% so với tháng 6/2019.

Như vậy, sau mấy tháng liên tục tăng trưởng âm, xuất khẩu rau quả đã có sự tăng trưởng trở lại. Dù mức tăng trưởng trên chưa thật cao nhưng rất đáng khích lệ nếu so với các tháng trước đó trong quý 2 vừa qua. Cụ thể, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng rau quả tháng 5/2020 đạt 269,68 triệu USD, giảm tới 24% so với tháng 5/2019. Xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 4/2020 đạt 342,04 triệu USD, giảm 26% so với tháng 4/2019.

Với giá trị xuất khẩu trong tháng 6, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2020, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm nay vẫn giảm, chủ yếu do giảm mạnh trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, nhất là ở thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2020 do Covid-19, khi chỉ đạt 906,1 triệu USD, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu sang nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao như Thái Lan đạt 68 triệu USD, tăng 233,4% so với cùng kỳ năm 2019; Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD, tăng 21,9%; Hoa Kỳ đạt 62 triệu USD, tăng 6,2%; Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD, tăng 15,7%...

Mặc dù tính chung trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả vẫn đang tăng trưởng âm, nhưng đã có nhiều tín hiệu khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đang thâm nhập mạnh vào nhiều thị trường khó tính. Điển hình như việc trái chuối của Việt Nam đã chính thức vào hệ thống siêu thị Lotte của Hàn Quốc. Hàn Quốc là nước nhập khẩu chuối đứng thứ 12 trên thế giới. Năm 2019, Hàn Quốc nhập khẩu chuối trị giá 301,6 triệu USD. 5 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc đã nhập khẩu 150,2 nghìn tấn, trị giá 121,7 triệu USD.

Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong số những nước xuất khẩu chuối sang Hàn Quốc, nhưng tỷ trọng cũng như giá trị còn rất khiêm tốn. Cụ thể, 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu chuối sang Hàn Quốc đạt 2,6 nghìn tấn, trị giá 1,6 triệu USD. Chính vì vậy, việc Lotte Mart giới thiệu và phân phối sản phẩm chuối của Việt Nam tại chuỗi siêu thị Lotte tại thị trường Hàn Quốc là cơ hội lớn để trái chuối của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường có quy mô nhập khẩu chuối lớn này.

Năm nay, quả vải Việt Nam không chỉ lần đầu tiên xuất khẩu được sang Nhật Bản, mà cũng đã thâm nhập được vào hệ thống siêu thị ở Singapore. Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, từ cuối tháng 5, những container trái vải đầu tiên đã rời cảng Hải Phòng đến Singapore. Trong tháng 6, trái vải Việt Nam đã chính thức có mặt trên các kệ hàng của chuỗi siêu thị FairPrice. Đến nay, đã có khoảng 50 tấn vải thiều Việt Nam được xuất khẩu sang Singapore. Dự kiến, đến khi kết thúc mùa vải, sẽ có khoảng 100 tấn vải được xuất khẩu sang nước này.

Việc tăng trưởng mạnh về xuất khẩu rau quả sang một số thị trường khác ngoài Trung Quốc, cũng cho thấy triển vọng lớn của rau quả Việt Nam ở nhiều thị trường có tiềm năng lớn. Chẳng hạn, Thái Lan tuy là nước xuất khẩu rau quả lớn, nhưng cũng là nước nhập khẩu lớn. Theo Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Thái Lan, Thái Lan chi hơn 1 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu trái cây tươi và 600 triệu USD để mua rau. 

Giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Thái Lan tăng tới 233,4% trong 6 tháng đầu năm, cho thấy tiềm năng xuất khẩu rau quả sang nước này rất lớn, dù Thái Lan hiện chỉ cho phép nhập khẩu thanh long, xoài, nhãn và vải thiều Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu rau quả sang Thái Lan chỉ chiếm 1,2% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam. 5 tháng đầu năm nay, tỷ trọng này đã tăng lên nhờ sự tăng trưởng rất mạnh về giá trị xuất khẩu như trên.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành hàng rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu. EU hiện chiếm tới 45% giá trị thương mại hàng rau quả toàn cầu. Thị trường EU lại có nhu cầu ổn định về rau quả tươi, trong đó có rau quả nhiệt đới.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp rua quả ở các nước đang phát triển. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Đây là một thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.Tuy nhiên, khách hàng EU thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy để có thể cung cấp trái cây và rau quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm. 

Xem thêm
Về Hà Nam săn gà 'Sách đỏ'

Cùng với cá kho làng Vũ Đại, chuối tiến vua…gà Móng ở xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên là một trong những đặc sản trứ danh của Hà Nam được săn đón dịp Tết.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

ThaiBinh Seed trao 100 suất quà Tết cho người nghèo

Công ty TNHH ThaiBinh Seed Miền Trung - Tây Nguyên (Tập đoàn ThaiBinh Seed) vừa tổ chức trao quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Bộ Xây dựng hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát

Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 55/QĐ-BXD hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát.

Bình luận mới nhất