| Hotline: 0983.970.780

Xúc tiến thương mại sẽ khơi thông nội lực ngành chăn nuôi

Thứ Tư 28/12/2022 , 18:05 (GMT+7)

Một trong những hạn chế tồn tại trong nhiều năm của ngành chăn nuôi là việc xuất khẩu chưa được đẩy mạnh trong khi yếu tố thị trường được xem là động lực phát triển.

Empty

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả Cục Chăn nuôi đã đạt được trong năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hệ sinh thái tạo môi trường phát triển cho ngành chăn nuôi

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 diễn ra ngày 28/12, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết trọng tâm trong năm 2022, ngành chăn nuôi đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, phối hợp triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh và duy trì phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu và góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Các địa phương đã tích cực chỉ đạo người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh cho đàn vật nuôi thông qua biện pháp tăng cường chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.

Tính đến tháng 12/2022, tổng đàn lợn đạt khoảng 28,6 triệu con, tăng 3,2%; đàn gia cầm khoảng 531 triệu con, tăng 1,4%; đàn bò khoảng 6,53 triệu con, tăng 1,9% (riêng đàn bò sữa 335.000 con); sản lượng thịt hơi khoảng 7,05 triệu tấn, tăng 4,8%…

Đánh giá cao những kết quả Cục Chăn nuôi đã đạt được trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, với tỉ trọng hơn 25% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp, chăn nuôi tiếp tục là trụ cột và có những đóng góp quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Empty

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 của Cục Chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Tình hình khó khăn, thách thức chung trên thế giới đã, đang và vẫn có diễn biến phức tạp. Ngay từ tháng 8/2022, những khó khăn đó đã "ngấm" vào các ngành sản xuất, trong đó có chăn nuôi của nước ta. Tuy nhiên, các chỉ tiêu mà ngành chăn nuôi đặt ra trong năm 2022 đều đạt và vượt. Qua đó thấy được tính chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cho cả ngành chăn nuôi phát triển, mở ra những không gian mới khắc phục những tồn tại cũ.

Cùng với đó, 5 đề án về giống, thức ăn dinh dưỡng, chế biến, thiết bị chăn nuôi và xử lý môi trường, khoa học công nghệ trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã tạo môi trường rất thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi phát triển.

“Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, đã có 3,72 tỷ USD đang và sẽ đầu tư vào ngành chăn nuôi. Với không gian pháp lý và môi trường như vậy, chúng ta đã có một hệ sinh thái từ doanh nghiệp, các HTX, các trang trại, bà con nông dân… để ngành chăn nuôi có thể phát triển nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Xúc tiến thương mại sẽ giải bài toán tồn tại nhiều năm

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, một trong những hạn chế đã tồn tại trong nhiều năm của ngành chăn nuôi là việc xuất khẩu chưa được đẩy mạnh trong khi yếu tố thị trường được xem là “đầu kéo”, động lực phát triển.

Empty

Việt Nam đã có những doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ giống, thức ăn đến quy trình chăm sóc, sơ chế, chế biến… Ảnh: TL.

Thứ trưởng phân tích, Việt Nam đã có những doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ giống, thức ăn đến quy trình chăm sóc, sơ chế, chế biến… Việt Nam cũng đang thực hiện 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Việt Nam đã có Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc, đã xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, thịt lợn và sữa sang Hồng Kông, Trung Quốc, thịt lợn mảnh sang Hàn Quốc.

Đó là những dấu hiệu tích cực và là một trong những yếu tố quan trọng để khắc phục khó khăn, thúc đẩy được xuất khẩu. Điều cần làm là xúc tiến thương mại, tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật và mở rộng thị phần thị trường ở các nước.

"Chúng ta cần tin tưởng vào những doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt trong ngành chăn nuôi, có đủ năng lực để chế biến và chế biến sâu, có nhiều sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đó chính là động lực, giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ.

Theo ông Dương Tất Thắng, năm 2023 là năm cơ sở để ngành chăn nuôi tiếp tục tăng cường triển khai các nội dung, chỉ tiêu trong Kế hoạch 5 năm trong giai đoạn 2021-2025.

“Căn cứ vào các chỉ tiêu cụ thể và kết quả thực hiện kế hoạch từng năm, căn cứ mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi trong từng thời kỳ và các dự báo bối cảnh trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi sẽ rà soát, xác định chỉ tiêu cần đạt trong năm kế hoạch theo từng chỉ số tiểu ngành chăn nuôi nhằm đạt các mục tiêu chung của lĩnh vực chăn nuôi”, Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ.

Cụ thể, năm 2023, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 3,5 - 4,0%; sản lượng thịt hơi đạt 7,27 triệu tấn (trong đó sản lượng thịt lợn hơi 4,5 triệu tấn); sản lượng trứng 19,1 tỷ quả; sản lượng sữa trên 1,25 triệu tấn; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 21 triệu tấn.

Tỷ lệ bò lai ước đạt từ 65% tổng đàn bò; tỷ lệ lợn nái ngoại 30,0%; tỷ lệ đàn lợn lai và ngoại trong tổng đàn lợn 95,5; khối lượng lợn thịt xuất chuồng đạt khoảng 85-90 kg/con.

Xem thêm
Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.