| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội hay thách thức của ngành chăn nuôi trong tình hình mới?

Thứ Sáu 23/12/2022 , 21:37 (GMT+7)

Thị trường nhiều biến động, giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng, giá sản phẩm chăn nuôi lên xuống thất thường… nhưng tổng thể, năm 2022 ngành chăn nuôi cũng có nhiều dấu ấn.

Thứ Trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Thanh.

Thứ Trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Thanh.

Ngày 23/12, tại tỉnh Hà Giang, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong tình hình mới. Tại hội nghị, Thứ Trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong năm 2022, Việt Nam đã khống chế cơ bản dịch cúm gia cầm; chúng ta cũng đã công bố vắc xin dịch tả lợn châu Phi và là quốc gia đầu tiên công bố vắc xin này…

Việt Nam cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn dịch bệnh, do đó nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã xuất khẩu thành công sang thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và nhiều nước khác… sắp tới đây là tổ yến.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng bày tỏ tin tưởng, trong những năm tới tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi không những duy trì ở mức 5% mà còn cao hơn với quy mô, giá trị hơn 25% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp.

Trong năm 2022, ngành chăn nuôi cơ bản phát triển ổn định với tổng đàn lợn tăng 12,4%, đàn gia cầm tăng 5,4%, đàn bò tăng 3,5%... Ước thực hiện trong năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7 triệu tấn; sản lượng trứng ước đạt 18,4 tỷ quả và sản lượng sữa tươi nguyên liệu ước đạt 1,16 triệu tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi ước tính tăng từ 5 đến 5,5%.

Trong năm 2022, ngành chăn nuôi của cả nước cơ bản phát triển ổn định. Ảnh: Đào Thanh.

Trong năm 2022, ngành chăn nuôi của cả nước cơ bản phát triển ổn định. Ảnh: Đào Thanh.

Trong giai đoạn vừa qua, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến diễn ra mạnh mẽ và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ngày càng giảm, cơ sở giết mổ lớn có xu hướng ngày càng tăng về số lượng và quy mô.

Tính đến hết tháng 11, cả nước có 109 cơ sở, nhà máy của các doanh nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa quy mô công nghiệp để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu chế biến cho khoảng 1,3 triệu tấn thịt, hơn 100 triệu quả trứng, hàng triệu lít sữa tươi hằng năm. Cả nước có khoảng 68 nhà máy chế biến thịt các loại, sản phẩm thịt chế biến đạt khoảng 1,3 triệu tấn.

Là đất nước có đường biên giới khá dài, ngành chăn nuôi nhiều nơi còn nhỏ lẻ, mang tính mùa vụ… do đó nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến nguồn lây dịch bệnh rất nhanh. Tiếp đến nếu không giải quyết được vấn đề an toàn dịch bệnh một cách cơ bản thì những dịp như chuyển mùa, dịp Tết Nguyên đán chúng ta sẽ không thể chủ động được công tác phòng chống dịch. Chủ động trong nhiều năm và có kinh nghiệm xử lý trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương phải tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh đảm bảo có nguồn cung ổn định và hạn chế thấp nhất khả năng để dịch bệnh bùng phát – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Phát triển chăn nuôi trong tình hình mới gặp khá nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, xung đột giữa Nga và Ukraina khiến sức tiêu thụ giảm, các đơn hàng của các nước giảm do vậy số lượng công nhân phải nghỉ việc cũng tương đối lớn. Những vấn đề này khiến các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào tăng cao là những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Tính bình quân 11 tháng năm 2022, giá các loại thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, từ 7 đến 27%. Tăng mạnh nhất là ngô hạt tăng hơn 8.800 đồng/kg, khô dầu đậu tương tăng 14.500 đồng/kg, methionine tăng 68.000 đồng/kg… Về giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng mạnh, như thức ăn hỗ hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60 đến xuất chuồng tăng khoảng 13.000 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông mầu tăng 12.800 đồng/kg…

Để giải quyết vấn đề này, Bộ NN-PTNT đề xuất các giải pháp với các địa phương và Chính phủ như: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần sớm phê duyệt 5 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; kiến nghị với Quốc hộigiảm các loại phí, thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ, khôi phục sản xuất chăn nuôi sau khủng khoảng về dịch bệnh ở vật nuôi và trên người.

Các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào tăng cao là những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong năm 2022. Ảnh: Đào Thanh.

Các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào tăng cao là những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong năm 2022. Ảnh: Đào Thanh.

Vấn đề về giá, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng, hiện nay các tập đoàn chăn nuôi lớn đã xây dựng các vùng nguyên liệu, kho bãi… đảm bảo chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi giảm chi phí vận chuyển, cũng như các khoản thuế khi nhập khẩu từ nước ngoài.  

Dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi và có triển vọng khả quan do hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc. Thích ứng với giai đoạn mới, ngành nông nghiệp nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại và kinh tế toàn cầu.

 Do đó, hoạt động sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới song song với đó là vấn đề phải đối mặt với việc ngày càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm trong nước; cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và Châu Âu xuất khẩu vào thị trường Việt Nam.

Xem thêm
Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.