Hưởng lợi cả những giá trị vô hình
Ông Tôn Thất Sơn Phong – Phó trưởng Ban Quản lý Các dự án Nông nghiệp (CPO Nông nghiệp), chia sẻ: Nói về hiệu quả của các dự án sử dụng nguồn vốn ODA trong phát triển “tam nông”, nếu chỉ liệt kê những con số khô khan thì chưa đủ. Bởi có những giá trị vô hình ai cũng nhận thấy nhưng không thể lượng hóa được.
Còn nhớ cuối những năm 90 của thế kỷ 20, khi CPO Nông nghiệp triển khai dự án trồng cao su tiểu điền ở Tây Nguyên từ nguồn vốn vay ODA, giá mủ cao su thế giới ở mức rất thấp. Nhiều cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương hoài nghi về hiệu quả dự án đem lại.
Tuy nhiên, chỉ sau 7-8 năm, khi những lứa cao su đầu tiên đến thời kỳ khai thác mủ, giá dầu mỏ tăng cao kỷ lục tác động tới thị trường cao su thế giới. Giá cao su tự nhiên tăng mạnh. Có những nông dân mỗi sáng ra vườn cạo mủ thu về hàng chục triệu đồng. Tất cả các cơ quan Trung ương đến địa phương bấy giờ đã thở phào nhẹ nhõm và lấy đó là niềm tự hào.
Sau nhiều năm triển khai các dự án ODA, ông Phong thấy rằng lợi ích mà người nông dân được hưởng lợi không chỉ nằm ở sự hỗ trợ về vật chất và các khoản vay lãi suất thấp từ nước ngoài. Bởi, khi quyết định phê duyệt bất cứ dự án nào, các nhà tài trợ đã nghiên cứu rất kỹ bối cảnh trong nước và quốc tế, từ đó đầu tư các dự án phù hợp mang tính dài hạn và hiệu quả bền vững.
Các nhà tài trợ nước ngoài như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) hay các đối tác phát triển rất đề cao uy tín. Để được phê duyệt một hiệp vay vốn ODA, có khi CPO Nông nghiệp và các đơn vị liên quan phải chuẩn bị 3-4 năm mới hoàn thành.
Đặc biệt, những lĩnh vực các nhà tài trợ ưu tiên hàng đầu là giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và môi trường, liên quan đến đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số và phụ nữ; các hộ sản xuất nhỏ lẻ và dễ bị tổn thương.
Bởi vậy, khi thiết kế dự án, mục tiêu nhà tài trợ hướng đến là hỗ trợ kỹ thuật và các quy trình thực hành tốt cho nông dân từ những điều nhỏ nhất. Thông qua đó tác động đến nhận thức để thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu.
Chuyển đổi nhận thức nông dân từ những điều nhỏ nhất
Chẳng thế mà những dự án đầu tiên CPO Nông nghiệp thực hiện là vận động, tập huấn cho những nông dân nuôi 1-2 con lợn chuyển đổi từ thức ăn truyền thống (thân cây chuối, rau bèo, nấu cháo lợn) sang thức ăn công nghiệp. Đây chính là cú hích rất lớn để hình thành nên các trang trại chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn lên tới hàng ngàn con như bây giờ.
Có những dự án ODA như Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP) với số tiền không phải quá lớn (hơn 100 triệu USD) nhưng rất có ý nghĩa với ngành nông nghiệp. Thông qua đó, nhiều quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP) trên rau, hoa quả và cây chè được chuyển giao cho nông dân.
Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia với các ngành hàng chủ lực có thế mạnh của Việt Nam. Cũng từ dự án này, các cơ quan quản lý nhà nước đã hoàn thiện ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật quản lý chuyên ngành.
Ngoài chuyển giao những quy trình sản xuất tốt, thông qua các dự án ODA dưới sự trợ giúp của các chuyên gia giỏi của thế giới, chúng ta đã tiếp cận được nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất.
Điển hình như các dự án trong lĩnh vực thủy sản do các nhà tài trợ như Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB); Chỉnh phủ New Zealand, Nhật Bản, đã và đang hỗ trợ đắc lực trong việc nâng cấp hạ tầng (cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hỗ trợ trang thiết bị thông tin liên lạc cho ngư dân...); và công nghệ để nghiên cứu, sản xuất tôm giống sạch bệnh, năng suất cao.
Đặc biệt, các dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (Vn-SAT); Cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (LIFSAP) đã tạo ra những nền móng vững chắc để hình thành nên các chuỗi giá trị lúa gạo, cà phê, và các sản phẩm chăn nuôi, tiến tới đạt mục tiêu tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực của Việt Nam.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, dự án Vn-SAT đã có những tác động tích cực đối với nông nghiệp như giảm lượng giống gieo sạ từ 120kg/ha xuống còn 80-100kg/ha tại ĐBSCL; thành lập hơn 300 tổ chức nông dân lúa gạo, đào tạo khoảng 120.000 nông dân trồng lúa về “3 giảm 3 tăng” và hơn 50.000 nông dân về “1 phải 5 giảm”; đầu tư cơ sở hạ tầng cho 45 tổ chức nông dân và áp dụng tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên 20.000 ha cà phê tại Tây Nguyên.
Các dự án ODA nông nghiệp đã thực hiện được nhóm tiêu chí quan trọng và khó thực hiện nhất của phát triển nông thôn, đó là tăng thu nhập bền vững. Bằng chứng là những mô hình trong dự án LIFSAP giúp tăng lợi nhuận chăn nuôi thêm 30% so với phương thức truyền thống.
3 triệu hộ nông dân được hưởng lợi trực tiếp
Ông Tôn Thất Sơn Phong ước tính, các dự án ODA về nông nghiệp đã xây dựng được gần 5.000km đường giao thông nông thôn, hơn 700km kênh mương cùng với công trình hồ đập thủy lợi, 22 trạm bơm được cải tạo giúp đảm bảo lượng nước tưới, tiêu ổn định cho khoảng 100,000 ha các loại cây trồng.
Gần 600 chợ nông thôn và chợ an toàn thực phẩm được cải tạo, nâng cấp tại 18 tỉnh/ thành phố với 25.000 hộ tiểu thương được hưởng lợi; gần 100km đê kè biển, đê kè sông được chống lún, phục hồi; nâng cấp 21 cảng cá/bến cá và gần 50 vùng nuôi được nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó gần 30 viện, trường đại học thuộc ngành NN-PTNT được đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp.
Các công trình này được xây dựng, nâng cấp ở nhiều tỉnh trong phạm vi cả nước, góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng cường phát triển bền vững về xã hội, sinh thái và môi trường tại cấp cộng đồng thông qua phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và mức sống của hàng chục triệu người dân.
20 năm qua, CPO Nông nghiệp được Bộ NN-PTNT giao quản lý và triển khai thực hiện 20 chương trình, dự án với tổng số vốn đầu tư lên đến 1.968 tỷ USD
Tất cả các dự án đều bám sát và phục vụ đắc lực đề án tái cơ cấu của từng lĩnh vực trong ngành nông nghiệp và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, 3 trục mục tiêu quan trọng nhất là 3 mục tiêu: nâng cao gía trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp hướng tới xuất khẩu; cải thiện cơ sở hạ tầng sơ chế, chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Và, điểm đặc biệt đối với các dự án ODA trước đây, đó là đi kèm các hợp phần hỗ trợ kỹ thuật; chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ; đầu tư cơ sở hạ tầng thì luôn có một hợp phần là hỗ trợ tín dụng thông qua các khoản cho vay vốn với lãi suất thấp.
Bởi vậy, sau khi nông dân thấy được hiệu quả từ những mô hình của dự án, họ có thể vay vốn từ các nhà tài trợ thông qua các định chế tài chính (được Chính phủ Việt Nam ủy quyền) để đầu tư mở rộng quy mô, theo đúng mục tiêu mà dự án đề ra. Đây là xung lực rất có ý nghĩa để lan tỏa các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tốt và mô hình hay.