| Hotline: 0983.970.780

6 năm, qua 2 đời trưởng ban thi hành án, vẫn 'bất lực' với một bản án?

Thứ Ba 12/07/2016 , 13:34 (GMT+7)

Ngay sau khi có bản án phúc thẩm, Chi cục thi hành án dân sự huyện Hương Khê không tổ chức thi hành án theo yêu cầu của Cty cao su Hương Khê mà lại hoãn thi hành án với lý do ông Chí đang khiếu nại...

Đầu năm 2009, Cty TNHH MTV cao su Hương Khê (Hà Tĩnh) thực hiện san ủi mặt bằng trồng rừng trên diện tích 7ha thuộc tiểu khu 200, xã Hương Giang, huyện Hương Khê thì xảy ra tranh chấp với hộ gia đình ông Lê Hữu Chí, xóm 6, xã Hương Giang. Sau một thời gian hòa giải bất thành, hai bên đưa nhau ra tòa.

17-22-33_1
TAND các cấp sơ thẩm, phúc thẩm và văn bản của TAND tối cao đều khẳng định, hộ ông Chí canh tác trên diện tích 7ha, TK 200 là vi phạm pháp luật.

 

Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND các cấp sơ thẩm, phúc thẩm và thông báo của TAND tối cao đều khẳng định, diện tích trên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Cty cao su Hương Khê, buộc ông Chí phải di dời cây keo, trả lại đất cho Cty. Quyết định cưỡng chế sau đó cũng được ban hành nhưng đã 6 năm trôi qua công lý vẫn chưa được thực thi, các cơ quan thi hành án thay nhau viện đủ lý do để “né” trách nhiệm.

7ha thuộc sở hữu Cty cao su Hương Khê

Theo đơn khởi kiện của Cty cao su Hương Khê, đầu năm 2009, khi Cty thực hiện san ủi mặt bằng diện tích 7ha thuộc lô 17, khoảnh 6, TK 200, xã Hương Giang, để trồng rừng thì ngày 3/3/2009 hộ ông Lê Hữu Chí, bà Phan Thị Thu (viết tắt hộ ông Chí) tổ chức một số người đến chiếm diện tích rừng này, đào hố trồng keo lá tràm. Sau khi sự việc xảy ra, Cty phối hợp chính quyền các cấp đứng ra hòa giải nhưng bất thành. Đến ngày 2/8/2010 Cty cao su Hương Khê chính thức có đơn khởi kiện hộ ông Chí.

Ngày 27/5/2011 TAND huyện Hương Khê tuyên bản án sơ thẩm số 01/2011/DS-ST với nội dung: “Chấp nhận đơn khởi kiện của Cty cao su Hương Khê – Hà Tĩnh. Buộc ông Lê Hữu Chí và bà Phan Thị Thu phải di dời toàn bộ số cây keo đang trồng trên diện tích 7ha thuộc lô 17, khoảng 6, TK 200 xã Hương Giang để trả lại mặt bằng cho Cty cao su Hương Khê. Ghi nhận việc Cty cao su Hương Khê tự nguyện hỗ trợ cho ông Chí số tiền 25 triệu đồng về khoản khi phí di dời cây”.

Sở dĩ TAND huyện Hương Khê tuyên án như trên bởi hai lý do. Thứ nhất, quá trình xét xử cho thấy, nguồn gốc sử dụng đất của Cty cao su Hương Khê được UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) và Hà Tĩnh công nhận thông qua các Quyết định số 2134/QĐUB ngày 16/11/1990; Quyết định 1608, ngày 11/12/1993; Quyết định 515, ngày 29/4/1997; Quyết định 598, ngày 27/5/1998. Tính chung trong giai đoạn từ 1990 – 2003, TK 200 liên tục thuộc quyền quản lý, sử dụng của Cty cao su Hương Khê.

Đặc biệt, ngày 6/1/2003, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 17, về việc cấp GCNQSDĐ cho Cty cao su Hương Khê, trong đó có TK 200. Ngoài ra, trong biên bản xác minh của xã Hương Giang năm 2011 cũng xác định, toàn bộ đất lâm nghiệp tại TK 200 thuộc quyền sử dụng của Cty cao su Hương Khê.

Thứ 2, phía bị đơn là hộ ông Chí đưa ra “Đơn xin nhận đất khoảng rừng”, ngày 30/7/1992, bản khai và các ý kiến tại phiên tòa đều không có giá trị pháp lý chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp đối với lô đất 7ha ở TK 200. Do đó, việc ông Chí cho rằng đất đang tranh chấp là của gia đình ông là không có căn cứ, không được tòa chấp nhận.

Sau bản án sơ thẩm, bị đơn kháng cáo. Ngày 28/8/2011 TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bản án phúc thẩm, “giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm”, buộc ông Chí phải trả lại mặt bằng cho Cty cao su Hương Khê.

Chưa chấp nhận thua kiện, hộ ông Chí tiếp tục gửi đơn kháng án lên TAND tối cao. Đến ngày 2/6/2014, TAND tối cao có thông báo giải quyết đơn đề nghị của ông Chí.

17-22-33_2
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng “bất lực” trước đủ lý do né tránh thi hành án của cơ quan thi hành án huyện Hương Khê

 

Thông báo khẳng định: “Không có cơ sở xác định ông Chí đã được giao phần đất 7ha từ năm 1992, mà đất này thuộc quyền sở hữu của Cty cao su Hương Khê nên việc ông bà lấn chiếm đất và trồng cây trên đất của Cty cao su Hương Khê là không đúng.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã buộc ông bà phải di dời cây keo để trả lại đất cho Cty cao su Hương Khê, ghi nhận việc Cty tự nguyện hỗ trợ cho ông bà 25 triệu đồng chi phí di dời cây, là phù hợp. Do đó, không có căn cứ để kháng nghị bản án phúc thẩm trên theo thủ tục giám đốc thẩm”.

Những vi phạm của hộ ông Chí đã quá rõ ràng, nhưng vì sự chây ì, coi thường pháp luật của hộ dân này nên ngày 19/12/2014 Chi cục thi hành án dân sự Hương Khê đã ra Quyết định “cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất” đối với hộ ông Chí.

Vậy nhưng, lạ lùng thay sau gần 2 năm Quyết định cưỡng chế có hiệu lực cả Ban cưỡng chế đầy đủ thành phần vẫn không thể thực thi nổi bản án. Do vậy, toàn bộ diện tích tranh chấp, gia đình ông Chí vẫn đang sử dụng bất hợp pháp, số keo từ chỗ mới trồng được 1 - 2 năm, nay đã gần thu hoạch vẫn thuộc quyền kiểm soát của người thua kiện.

Chưa dừng lại ở đó, thời gian qua, ông Chí nhiều lần có các hành vi đe dọa, chống đối, cản trở những người thực thi pháp luật, tỏ thái độ bất hợp tác trong các buổi làm việc với các cơ quan chức năng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thắng kiện.

Ông Võ Sỹ Lực, Phó Tổng giám đốc Cty cao su Hương Khê bức xúc nói: “6 năm trời các cơ quan chức năng không thực thi được bản án đã khiến Cty lâm vào cảnh “sống dở chết dở”. 3 năm nay do không có đất trồng mới cao su nên tiền khai hoang không thanh quyết toán được, an ninh trật tự trên địa bàn thì bất ổn. Ngoài ra, diện tích keo ông Chí đang trồng đã đến thời kỳ khai thác nhưng ông không hợp tác khai thác dẫn đến keo giảm chất lượng, Cty bội tín với Tổng Cty nguyên liệu”.

Cũng theo ông Lực, từ vụ việc ông Chí không được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm đã kéo theo hệ lụy hàng chục hộ dân ở xã Hương Giang coi thường pháp luật, xâm lấn đất rừng của doanh nghiệp trái phép, gây thiệt hại lớn cho Cty cao su Hương Khê.

Công lý ở đâu?

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Khắc Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư An Phát cho hay, về mặt nguyên tắc, ngay sau khi TAND phúc thẩm tuyên án thì bản án có hiệu lực và bắt buộc phải thi hành ngay để bảo đảm tính khả thi của bản án cũng như quyền lợi hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, trong vụ án này, ngay sau khi có bản án phúc thẩm, Chi cục thi hành án dân sự huyện Hương Khê không tổ chức thi hành án theo yêu cầu của Cty cao su Hương Khê mà lại hoãn thi hành án với lý do ông Chí đang khiếu nại Giám đốc thẩm.

17-22-33_3
Trong GCNQSDĐ cấp năm 2003 ghi rõ TK 200 thuộc quyền sở hữu của Cty cao su Hương Khê

 

“Dù ông Chí có đưa ra lý do nêu trên thì cũng không được hoãn thi hành bởi theo quy định pháp luật, bản án chỉ tạm hoãn khi có văn bản đề nghị tạm hoãn thi hành án của Chánh án TAND tối cao hoặc Viện trưởng VKSND tối cao để thụ lý theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm. Ở đây Chi cục thi hành án Hương Khê dựa vào văn bản nói ông Chí gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm để tạm hoãn thi hành án là không đúng quy định pháp luật”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, cách đây 2 năm TAND tối cao đã có văn bản trả lời không đủ cơ sở để xem xét theo trình tự giám đốc thẩm đối với đơn yêu cầu của ông Chí và sau đó UBND tỉnh có nhiều văn bản yêu cầu thi hành án cưỡng chế nhưng đến nay cơ quan thi hành án vẫn “dậm chân tại chỗ” là có sự bất thường.

“Không biết đằng sau có lý do gì nhạy cảm hay không nhưng tôi thấy ở đây có sự bất thường bởi bản án có đầy đủ căn cứ pháp lý để thi hành với sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Hà Tĩnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh nhưng Chi cục thi hành án Hương Khê vẫn không làm là một điều vô lý. Còn việc đưa ra lý do kinh phí cưỡng chế cao nên chưa thực hiện được, đó là lý do ngớ ngẩn. Ai đời cơ quan nhà nước lại đặt vấn đề đi vay tiền doanh nghiệp thi hành án rồi hoàn trả sau. Chẳng có pháp luật nào quy định như vậy”, LS Tuấn nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề kinh phí, ông Võ Sỹ Lực phân tích: “Nếu nói không có kinh phí thì đây chỉ là lý do trốn tránh thực hiện nhiệm vụ bởi, người trực tiếp phải chi trả phí cưỡng chế là hộ ông Chí và sản phẩm keo thu hoạch trên diện tích đất hộ ông Chí đang xâm lấn nay ước chừng cũng đạt 200 triệu đồng. Ngoài ra, phía Cty chúng tôi cũng chấp nhận giải quyết cho Chi cục thi hành án tạm ứng 100 triệu đồng để làm chi phí cưỡng chế thi hành án nhưng họ vẫn trốn tránh không chịu thực hiện”.

Như vậy, đến nay đã qua 2 đời Chủ tịch huyện, 2 Trưởng ban thi hành án nhưng bản án tranh chấp đất đai có đủ căn cứ pháp luật để cưỡng chế vẫn chưa được thi hành. Với cách làm “trên bảo dưới không nghe”, có dấu hiệu né tránh, chây ì, thậm chí xem thường chỉ đạo cấp trên của các cơ quan thi hành án huyện Hương Khê (trực tiếp là UBND huyện và Chi cục thi hành án dân sự huyện) thì làm sao đảm bảo tính răn đe, đảm bảo cán cân công lý của pháp luật?!

Ngày 16/6/2016, PV liên hệ làm việc với ông Trần Văn Duẩn, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Hương Khê về vụ việc, tuy nhiên ông Duẩn đá “quả bóng” sang cho người chưa có thẩm quyền xử lý công việc là ông Võ Thuần Nho – được bổ nhiệm chức vụ Chi cục trưởng Chi cục thi hành án Hương Khê từ ngày 1/7/2016: “Cái này cô trực tiếp làm chỗ cơ quan, tôi bàn giao công việc ở đấy cho anh Nho rồi. Tôi đang đi chữa bệnh”.

Liên hệ tiếp với ông Nho, PV nhận được câu trả lời: “Về mặt pháp lý anh Duẩn là người giải quyết công việc đến hết ngày 30/6. Còn hồ sơ các án phức tạp tôi cũng đã tiếp cận và đang nghiên cứu, chưa thể trả lời được”.

 

Xem thêm
Người dân chặn xe vào bãi rác An Hiệp vì ô nhiễm môi trường

Hiện có 5 xe chở rác phải xếp hàng trên đường vào bãi rác An Hiệp để đợi cơ quan chức năng xử lý.

Lập hồ sơ đào tạo lái xe khống để thu lợi bất chính

QUẢNG NAM Ban Giám đốc một trung tâm đào tạo lái xe ở Quảng Nam đã lập khống hồ sơ về giáo viên, phương tiện ô tô dạy lái để hợp thức hóa, thu lợi bất chính.

Bình luận mới nhất