| Hotline: 0983.970.780

Buôn lậu gia cầm: Có tồn tại đường dây lợi ích nhóm?

Chủ Nhật 08/10/2023 , 06:08 (GMT+7)

Câu hỏi trên được ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nêu, sau khi kể những câu chuyện chính ông 'mắt thấy, tai nghe'.

Buôn lậu gia cầm giống diễn ra hàng chục năm rồi

Theo ông, tình trạng nhập lậu giống gia cầm mới xuất hiện trong thời gian qua hay là từ rất lâu rồi? Và trong quá trình công tác ở cương vị Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi trước đây, ông ghi nhận tình hình này như thế nào?

Thực chất thì tình trạng buôn lậu gia cầm giống qua đường biên giới đã diễn ra hàng chục năm rồi, đặc biệt là biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, chủ yếu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh. Cao Bằng và Hà Giang cũng có. Việc vận chuyển con giống nhập lậu theo rất nhiều cách, kể cả vận chuyển trứng sang Việt Nam để ấp.

Cách đây 9 năm, chúng tôi kiểm tra hoạt động của khu chợ đầu mối gia cầm giống Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thì thấy có nhiều con giống của Trung Quốc, nhưng lại được ấp nở tại Việt Nam. Khi truy ra mới biết có một người Trung Quốc tên là A Thắng thành lập hẳn một trạm ấp ở tỉnh Bắc Ninh quy mô 40 lò, sau đó nhập từng container trứng từ Trung Quốc về ấp nở. Chúng tôi đã cùng phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đến để kiểm tra những cơ sở ấp đó và lên cả các chợ biên giới phía Bắc ghi lại bằng chứng về tình trạng nhập lậu con giống gia cầm diễn ra rất thường xuyên và liên tục.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hùng Khang.

Đặc biệt, các đối tượng còn thường xuyên chuyển trứng vịt ấp dở dang (gần nở) rồi đưa vào lò ấp ở Đại Xuyên, chỉ 1-2 ngày sau là nở luôn. Tức là có rất nhiều thủ đoạn để trốn tránh cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát.

Khi giá con giống ở Việt Nam và Trung Quốc chênh lệch lớn thì người ta bất chấp mọi quy định, bất chấp mọi ảnh hưởng đến sản xuất trong nước cũng như mọi tình hình an ninh xã hội, an ninh kinh tế và cả an toàn dịch bệnh.

Thưa ông, trong quá trình điều tra, chúng tôi ghi nhận rất nhiều giống gia cầm không được tiêm vacxin, không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán tràn lan ở các chợ đầu mối gia cầm Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Vậy theo ông, điều này sẽ gây ra những nguy cơ gì đối với ngành chăn nuôi?

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi duy trì tăng trưởng từ 4-6%. Sản lượng thịt đạt gần 2 triệu tấn, sản lượng trứng đạt trên 18 tỷ quả, cơ bản chủ động được nhu cầu thực phẩm trong nước.

Tuy nhiên, ngành gia cầm tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững. Bằng chứng là suốt 2 năm qua, các doanh nghiệp sản xuất giống gia cầm liên tục thua lỗ. Vừa rồi giá thịt gà, thịt vịt mới phục hồi. Đây là thời điểm bà con vào đàn để gỡ gạc phần nào khoản lỗ, thì lại bị giáng đòn chí mạng bởi con giống nhập lậu ồ ạt tràn biên. Nhiều hộ chăn nuôi phải bỏ chuồng, không riêng gì con thương phẩm lấy thịt, trứng mà kể cả con giống cũng phải bỏ đi.

Thứ hai, quan trọng nhất là khi nhập những đàn giống này sang Việt Nam thì chúng ta không thể kiểm soát được an toàn dịch bệnh. Nguy cơ lây truyền dịch bệnh rất cao. Đặc biệt, cúm gia cầm vẫn diễn biến rất phức tạp ở cả thế giới và trong nước.

Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến sản xuất, ảnh hưởng đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm mà còn ảnh hưởng về mặt môi trường và kinh tế - xã hội. Tức là ảnh hưởng toàn diện.

Trung Quốc có dịch bệnh gì trên vật nuôi thì Việt Nam sẽ có

Vậy trước đây, chúng ta đã ghi nhận các nguồn lây bệnh trên gia cầm di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam hay chưa?

Hầu như những bệnh dịch trên vật nuôi của Trung Quốc có là Việt Nam sẽ có. Do việc giao thương chứ không riêng gì con giống, kể cả thực phẩm nhập qua đường tiểu ngạch cũng vậy. Tuy nhiên, việc nhập lậu con giống vẫn là nguy cơ cao nhất làm lây lan dịch bệnh từ nước ngoài vào.

Chẳng hạn như trước đây, Trung Quốc có dịch bệnh cúm gia cầm, sau đó Việt Nam cũng có. Hoặc một số bệnh khác như dịch tả lợn Châu Phi cũng vậy, Trung Quốc xảy ra trước, sau đó Việt Nam cũng ghi nhận ổ dịch vào tháng 2/2019. Và, có thể dịch bệnh từ Việt Nam cũng sang Trung Quốc chứ không riêng gì Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo ông, việc ngăn chặn con giống nhập lậu có phải là khó đến mức không thể kiểm soát được?

Quá trình làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, tôi thấy rằng các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chính quyền các địa phương lúc nào ra tay kiểm soát chặt chẽ thì vẫn kiểm soát được; lúc nào lơ là buông xuôi thì hoạt động buôn lậu lại tiếp tục diễn ra. Tất nhiên là đường biên giới rất dài, lực lượng bộ đội biên phòng, công an, quân đội,…

Bây giờ tất cả biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh đến Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang thì Trung Quốc đã có hàng rào rất chặt chẽ, cứ 50m lại có camera theo dõi. Nhưng đường mòn, lối mở thì mình vẫn mở được và mở rất nhiều. Cho nên không chỉ sản phẩm chăn nuôi mà các sản phẩm khác vẫn “vượt biên”. Đặc biệt, những dịp người dân có nhu cầu cao thì kể cả gà thải loại cũng sang Việt Nam rất nhiều.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma bắt giữ vụ vận chuyển 1.050 con vịt giống nhập lậu. Ảnh: Minh Phúc.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma bắt giữ vụ vận chuyển 1.050 con vịt giống nhập lậu. Ảnh: Minh Phúc.

Có thời điểm, gà thải loại phía bên kia biên giới bán chỉ mười mấy nghìn đồng một cân (kg), nhưng về Việt Nam bán hơn 100.000 đồng, lợi nhuận gấp mấy lần, không khác gì buôn ma túy. Cho nên, họ bất chấp mọi giờ giấc, mọi thời gian, mọi sự kiểm soát thậm chí là bất chấp an toàn tính mạng để đưa gà thải loại về nội địa tiêu thụ.

Điển hình như cuối năm 2012, 2013, 2014, mỗi ngày có vài chục xe chở gà thải loại chuyển từ khu vực biên giới ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh về Hà Nội. Có những chuyến tôi đi cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, hôm trước thì chợ Hà Vỹ vẫn bán nhiều gà thải loại, nhưng đến hôm đi kiểm tra thì dọc đường từ Lạng Sơn về Hà Nội cũng như chợ Hà Vỹ không thấy bóng dáng một con gà nào. Chúng tôi đặt câu hỏi, liệu có tồn tại đường dây lợi ích nhóm từ biên giới trở về hay không?

Thời tôi làm lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến luôn chỉ đạo anh em của Cục phải trực tiếp đi cùng anh em báo chí, không báo cho ai, không báo cho địa phương thì mới nắm được đúng bản chất vấn đề nhập lậu con giống gia cầm. Còn đi theo dạng khua chiêng đánh mõ thì không thể hình dung được.

Bây giờ không phải là con giống chuyển về khu vực Đại Xuyên mà có thể chuyển từ biên giới phía Bắc về Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên tập kết, sau đó mới chuyển đến Đại Xuyên.

Các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt

Vậy một khi con giống gia cầm nhập lậu đã có mặt ở chợ Đại Xuyên và các cơ sở kinh doanh con giống trong nước, thì làm sao chúng ta có thể kiểm soát được nguồn gốc của con giống?

Nếu kiểm tra gắt gao thì cơ quan chức năng có thể truy xem con giống xuất phát từ trại gà, vịt bố mẹ nào? Có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh hay không? Có hóa đơn chứng từ mua bán con giống hay không? Nhưng trên thực tế, cả nước có hàng vạn cơ sở sản xuất con giống gia cầm, mặc dù pháp luật đã quy định rõ, trang trại phải có đăng ký, nông hộ phải khai báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, phải đến năm 2025 mới có hiệu lực thực thi nên trong thời gian này chúng ta chưa thể xử lý được.

Con giống gia cầm nhập lậu được bày bán công khai tại chợ gia cầm giống Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Hùng Khang.

Con giống gia cầm nhập lậu được bày bán công khai tại chợ gia cầm giống Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Hùng Khang.

Ngay ở chợ Đại Xuyên mỗi tuần giao dịch vài triệu con giống, nhưng tỷ lệ lô hàng được kiểm dịch đến được 10%. Trường hợp vận chuyển nội tỉnh thì cơ sở cung ứng giống phải công bố tiêu chuẩn con giống (tỷ lệ nuôi sống tối thiểu là bao nhiêu, trọng lượng cân nặng của gà ra sao, lượng thức ăn tiêu tốn/kg trọng lượng là bao nhiêu…), đó là yêu cầu bắt buộc theo Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa. Còn vận chuyển ngoại tỉnh thì phải có giấy kiểm dịch. Nhưng đa phần các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh chộp giật không thực hiện.

Trên thực tế, tỉnh nào cũng lập các chốt kiểm dịch động vật liên ngành để kiểm tra con giống vận chuyển từ tỉnh khác đi qua địa bàn tỉnh mình. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực, nhất là nhiều địa phương sáp nhập trạm thú y cấp huyện vào Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, cho nên thú y địa phương không có thẩm quyền để quản lý. Một số địa phương có lập chốt nhưng nhiều thời điểm không có người trực. Thậm chí, các đối tượng buôn bán con giống chủ động đi vào các đường ngang, ngõ tắt để né chốt, gây khó khăn cho công tác kiểm soát con giống gia cầm.

Theo ông, đâu là giải pháp trước mắt và lâu dài để chúng ta kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu con giống gia cầm?

Trước mắt, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, nhất là Ban Chỉ đạo 389 Trung ương và địa phương phải vào cuộc kịp thời, quyết liệt để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển con giống từ nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, phải kiểm soát ngay từ khu vực biên giới, chứ đã vào sâu được nội địa rồi thì gà lậu không đi chỗ này thì đi chỗ khác, không vào tỉnh nọ thì vào tỉnh kia. Thứ hai, phải kiểm soát chặt các chợ đầu mối, điểm trung chuyển để “chặt đứt” các điểm tập kết gia cầm giống quy mô lớn tỏa đi các tỉnh, thành.

Thứ ba, đối với các tỉnh nội địa, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi người chăn nuôi. Làm sao để người dân không tham rẻ, “tẩy chay” con giống gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi giao dịch mua bán phải có hóa đơn, chứng từ đầy đủ, được cung cấp bởi các cơ sở uy tín, đủ điều kiện cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Có như vậy, gà, vịt giống nhập lậu mới không còn đất sống.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.