| Hotline: 0983.970.780

Tỉ lệ tiêm phòng không đạt, dịch bệnh âm thầm quay lại

Thứ Tư 21/08/2024 , 10:26 (GMT+7)

NGHỆ AN Người nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn lơ là trong việc tiêm phòng vacxin cho gia súc, điều này mở đường cho dịch bệnh âm thầm quay trở lại.

Quy mô nông hộ, chăn nuôi thả rộng tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc của Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Quy mô nông hộ, chăn nuôi thả rộng tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc của Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Tổng đàn gia súc của Nghệ An thuộc tốp đầu cả nước nhưng quy mô nông hộ vẫn chiếm phần đa, đáng lo ngại hơn nữa khi người dân vẫn chủ quan, lơ là trong việc tiêm phòng vacxin cho vật nuôi dù cơ quan chuyên môn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Hai mảng màu đối lập kéo theo muôn vàn cái khó, trước mắt sẽ mở đường cho các loại dịch bệnh lây lan, phát tán hòng đe dọa đàn vật nuôi. Nổi cộm nhất là dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Thời gian gần đây, toàn Nghệ An ghi nhận 17 ổ dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày tại địa bàn 6 huyện, cơ quan chuyên môn đã tiến hành tiêu hủy 325 con với tổng trọng lượng 15.819kg.

Với viêm da nổi cục, 4 ổ dịch chưa qua 21 ngày, chia đều tại 2 huyện Tân Kỳ và Con Cuông. Qua kiểm đếm phát hiện 16 con gia súc bị ốm, mắc bệnh, hiện có 5 con bị chết, buộc phải tiêu hủy.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An nhận định, số lượng trâu, bò nhiễm bệnh chưa nhiều nhưng dấu hiệu bước đầu rất đáng lo ngại, nếu chủ quan, lơ là sẽ kéo theo rất nhiều nguy cơ và rủi ro trong thời gian tới.

Quan điểm trên là có căn cứ, bởi lẽ thời tiết lúc này không ủng hộ, nắng nóng gay gắt xen kẽ các đợt mưa giông làm suy giảm đáng kể sức đề kháng của đàn vật nuôi, đồng thời gia tăng các loại mầm bệnh lưu hành trong không khí với tỷ lệ cao.

Nguy hại là thế nhưng người dân vẫn tỏ ra thờ ơ thái quá trong công tác phòng bệnh cho vật nuôi nói chung, thể hiện qua tỷ lệ tiêm phòng vacxin vụ xuân 2024 quá thấp.

Lấy số liệu tổng đàn theo Quyết định 4465/QĐ-UBND của tỉnh Nghệ An càng thấy rõ nỗi bất an, tỉ lệ tiêm phòng vacxin cao nhất là dịch tả lợn Châu Phi nhưng vẫn chưa quá bán, chỉ đạt ngưỡng trên 45%. Số còn lại thấp lè tè, như lở mồm long móng chỉ đạt 29,9%, tụ huyết trùng trâu bò gần 31%, tụ huyết trùng lợn xấp xỉ 25%, viêm da nổi cục trên 14%.

Tỉ lệ tiêm phòng vacxin của Nghệ An hiện vẫn rất thấp, là điều kiện nguy cơ khiến các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi quay trở lại gây hại cho đàn vật nuôi. Ảnh: Việt Khánh.

Tỉ lệ tiêm phòng vacxin của Nghệ An hiện vẫn rất thấp, là điều kiện nguy cơ khiến các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi quay trở lại gây hại cho đàn vật nuôi. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ghi nhận thực tế, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tràn lan và gây hại nặng nề cho người chăn nuôi trên địa bàn Nghệ An trong năm 2021. Thời điểm đó, tỉnh này quyết tâm dập dịch bằng việc chỉ đạo các cấp, ngành liên quan nhập cuộc với thái độ quyết liệt, đồng thời chủ động bố trí kinh phí để đẩy mạnh công tác tiêm phòng trên diện rộng, nhất là những điểm nóng, phức tạp.

Từ đó đến nay tình hình cơ bản luôn trong tầm kiểm soát, dịch bệnh nếu có cũng chỉ xảy ra lác đác, mức độ không đáng kể, điều này dẫn đến tâm lý chủ quan của chính những người trong cuộc.

Tư tưởng của người nuôi không mặn mà nên họ tìm đủ nguyên do để thoái thác, dù cho kinh phí tiêm phòng không thấm tháp vào đâu so với giá trị của vật nuôi (vacxin viêm da nổi cục giá 35.000 đồng/liều, có tác dụng trong vòng 1 năm - PV), vô hình trung tạo nên áp lực ngàn cân đè nặng trên vai cơ quan thú y, đặc biệt là khi bộ phận chân rết bị chia tách độc lập khỏi hệ thống (lực lượng thú y bán chuyên trách thuộc cấp xã, cán bộ phụ trách mảng thú y thuộc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện).   

Lo ngại dịch bệnh viêm da nổi cục sẽ bùng phát trở lại, thời gian qua các đoàn công tác của Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động xuống các địa phương có tỉ lệ tiêm phòng thấp, triển khai chậm để kiểm tra, chỉ đạo, đốc thúc, hướng dẫn. Từ diễn biến thực tiễn đề nghị các huyện có liên quan tập trung nguồn lực khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch, cũng như tránh để lây lan trên diện rộng.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang âm thầm quay trở lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang âm thầm quay trở lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Xoay quanh công tác tiêm phòng vacxin cho vật nuôi trên địa bàn Nghệ An, thấy rằng sự nhập cuộc của ngành nông nghiệp, chăn nuôi không thôi là chưa đủ. Muốn ngăn chặn, ứng phó hiệu quả nhất thiết phải nêu bật vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã bằng cách chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị, qquyết định, kế hoạch của Trung ương, của địa phương, từ đó tạo đà thúc đẩy, nâng cao hơn nữa ý thức của người dân, vốn là chủ thể chính.

Ông Trần Võ Ba, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An nhấn mạnh: Chăn nuôi nông hộ trên địa bàn đang chiếm đến 60 - 70%, trong khi lực lượng thú y cơ sở còn nhiều mặt hạn chế, tựu chung chưa thể cáng đáng hết được. Để khống chế tốt dịch bệnh đòi hỏi người nuôi phải chủ động trong công tác tiêm phòng, phủ sóng vacxin là giải pháp tối ưu nhất lúc này. 

    

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.