| Hotline: 0983.970.780

Giá lúa hè thu cao kỷ lục

Thứ Hai 26/08/2024 , 13:45 (GMT+7)

HÀ TĨNH Vụ hè thu 2024, giá lúa tại tỉnh Hà Tĩnh đạt đỉnh trong nhiều năm gần đây. Hiện nông dân đang phấn khởi tập trung thu hoạch.

Lúa được mùa, giá lập đỉnh

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương tại Hà Tĩnh đang hối hả ra đồng thu hoạch lúa hè thu. Tiếng máy gặt rộn rã trên những cánh đồng cùng với niềm vui được mùa, được giá đã xóa tan đi mệt nhọc trên khuôn mặt của nông dân.

Lúa tươi được tập kết về các điểm thu mua tại xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc). Ảnh: Ánh Nguyệt.

Lúa tươi được tập kết về các điểm thu mua tại xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc). Ảnh: Ánh Nguyệt.

Từ sáng sớm, không khí rộn ràng thu hoạch lúa đã trải khắp các cánh đồng của huyện Can Lộc. Vụ hè thu 2024, gia đình ông Trần Xuân Long ở thôn Phúc Tân, xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh) sản xuất 8 sào lúa DT39. Ông Long cho biết: “Vụ hè thu năm nay dù đầu vụ gặp nhiều khó khăn do nắng hạn gay gắt, tuy nhiên lúa vẫn được mùa. Toàn bộ diện tích lúa DT39 của gia đình tôi sản xuất theo hướng hữu cơ. Năng suất lúa tươi bình quân đạt 3,5 tạ/sào (sào 500m2), thu hoạch xong bà con chở đến cơ sở thu mua lúa trên địa bàn xã bán với giá 7.000 đồng/kg. Giá bán cao nên chúng tôi rất phấn khởi, thu hoạch tới đâu nhà tôi bán hết đến đó”.

Cách đó không xa, chị Hoàng Thị Hiền tại thôn Phúc Tân, xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc) cũng đang tất bật gom các bao lúa đã được máy đập liên hợp đóng sẵn để giao cho thương lái. Chị Hiền phấn khởi nói: "Chưa bao giờ thấy lúa hè thu lại bán được giá cao như năm nay. Gia đình tôi làm 2 mẫu lúa, trong đó có hơn 1 sào lúa Tám Thơm, còn lại là Nếp 98. Hiện giá Nếp 98 đang ở mức 6.800đ/kg, cao hơn năm ngoái gần 7.00đ/kg nên chúng tôi đang tập trung thu hoạch để tranh thủ bán được giá cao, né được nguy cơ mưa lũ".

Các địa phương tại Hà Tĩnh đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu để tránh rủi ro mưa bão có thể xẩy ra. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Các địa phương tại Hà Tĩnh đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu để tránh rủi ro mưa bão có thể xẩy ra. Ảnh: Ánh Nguyệt.

"Vụ hè thu 2024, toàn thôn Phúc Tân sản xuất hơn 50ha lúa, trong đó hơn 80% là nếp, còn lại là các giống lúa như Bắc Thơm, DT39…. Năm nay săng suất lúa tại đây đạt từ 3,5 - 4 tạ/sào, cùng với đó giá lúa tăng cao hơn so với mọi năm nên bà con nông dân rất phấn khởi", bà Nguyễn Thị Lý, Trưởng thôn Phúc Tân cho biết.

Tại các xã trọng điểm sản xuất lúa khác của huyện Can Lộc như Khánh Vĩnh Yên, Vượng Lộc, Xuân Lộc..., bà con nông dân cũng đang huy động nhân lực, vật lực khẩn trương thu hoạch lúa. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch gần 2.000ha.

Ông Thái Văn Nghĩa tại thôn Vân Cửu, xã Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc) sản xuất 12 sào lúa hè thu, trong đó có 4 sào lúa DT39 được sản xuất theo hướng hữu cơ, còn lại là cac giống lúa nếp. Theo ông Nghĩa, khó khăn lớn nhất trong sản xuất vụ hè thu năm nay là nguồn nước tưới, tuy nhiên nhờ sản xuất đúng lịch thời vụ và chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất lúa cao hơn mọi năm.

"Hiện gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 6 sào lúa nếp. Giá lúa nếp tươi đang ở mức đỉnh trong nhiều năm trở lại đây nên gia đình tôi đã bán sớm số lượng lớn cho thương lái thay vì đem về nhà phơi", ông Nghĩa cho biết thêm.

Giá lúa cao nên nông dân tranh thủ bán lúa tươi ngay tại ruộng, các cơ sở thu mua lúa hoạt động tất bật. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Giá lúa cao nên nông dân tranh thủ bán lúa tươi ngay tại ruộng, các cơ sở thu mua lúa hoạt động tất bật. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Thu hoạch nhanh để né mưa bão

Vụ hè thu này xã Khánh Vĩnh Yên sản xuất trên 870ha lúa, trong đó trên 60% diện tích là lúa nếp. Vào cao điểm thu hoạch, toàn xã có trên 10 điểm tập kết thu mua lúa, nếp tươi cho bà con nông dân. Sau mỗi ngày thu hoạch, các đầu nậu sẽ gom hàng chuyển ra cho các chủ lớn ở miền Bắc.

Anh Nguyễn Doãn Hiệp, đầu mối thu mua lúa tại thôn Chiến Thắng, xã Khánh Vĩnh Yên cho biết: “Hiện mỗi ngày cơ sở chúng tôi thu mua được khoảng trên 40 tấn lúa. Chúng tôi đang tập trung gom hàng ở tất cả các thôn và bán cho các đầu mối lớn ở tỉnh Thanh Hóa”.

Vụ hè thu năm nay, ngoài các giống lúa nếp chủ lực thì thị trường các giống lúa hàng hóa như Khang dân 18, Xuân Mai 12… cũng rất sôi động. Giá bán lúa tươi cho thương lái tại các địa phương đang cao ngang ngửa với các giống lúa nếp.

Hiện giá bán lúa tươi đang ở mức cao, dao động từ 6.500 - 6.800 đồng/kg, cao hơn năm ngoái từ 500 - 1.000đ/kg. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hiện giá bán lúa tươi đang ở mức cao, dao động từ 6.500 - 6.800 đồng/kg, cao hơn năm ngoái từ 500 - 1.000đ/kg. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Chị Nguyễn Thị Hoa tại thôn 3, xã Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên) phấn khởi chia sẻ: “Vụ hè thu 2024, gia đình tôi sản xuất hơn 5 sào lúa Khang dân 18 với năng suất đạt 3,5 tạ/sào, cao hơn những năm trước. Hiện lúa tươi đang được thương lái thu mua với giá khá cao (6.700 đồng/kg, cao hơn năm ngoái gần 1.000đ/kg) nên tôi bán ngay tại chân ruộng. Với 5 sào lúa, gia đình tôi thu về gần 12 triệu đồng. Trừ chi phí sản xuất khoảng 1/3, gia đình tôi còn lãi gần 8 triệu đồng”.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cẩm Xuyên, vụ hè thu năm 2024, toàn huyện gieo cấy hơn 9.000ha lúa, trong đó nhóm giống lúa hàng hóa dễ bán chiếm hơn 80% tổng diện tích như Khang dân, Khang dân đột biến, Xuân Mai, nếp… Theo đánh giá bước đầu, Cẩm Xuyên là địa phương có năng suất lúa hè thu năm 2024 cao nhất toàn tỉnh. Vụ lúa này cũng lập đỉnh về năng suất lúa hè thu của huyện từ trước đến nay. Hiện giá bán lúa tươi tại địa bàn huyện đang ở mức cao, dao động từ 6.500 - 6.800 đồng/kg, cao hơn năm ngoái từ 500 - 1.000đ/kg.

Hà Tĩnh đã cơ bản vượt qua vụ hè thu nhiều khó khăn và thắng lợi toàn diện. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hà Tĩnh đã cơ bản vượt qua vụ hè thu nhiều khó khăn và thắng lợi toàn diện. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Là đơn vị thu mua lúa gạo lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, những ngày qua không khí mua bán tấp nập diễn ra tại HTX Hạnh Cường (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh). Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc HTX Hạnh Cường cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi thu mua hàng trăm tấn lúa tại các huyện như Cẩm Xuyên, Thạch Hà… Lúa tươi đang được chúng tôi thu mua với giá 6.500 đồng/kg đối với các giống như Khang dân, Xuân Mai…, còn các giống nếp có giá 6.800đ/kg nên bà con rất phấn khởi. Sau khi thu mua, chúng tôi sẽ tiến hành sấy lúa tập trung bằng hệ thống máy móc của HTX và xuất đi các đầu mối ở tỉnh khác”.

Vụ hè thu 2024, Hà Tĩnh sản xuất gần 45.000ha lúa, chủ yếu cơ cấu nhóm giống có thời gian sinh trưởng ngắn, xung quanh 100 - 110 ngày, đảm bảo né thiên tai cuối vụ gồm: Khang dân 18, Khang dân đột biến, Bắc Thịnh, BT09, Nếp 98, Nếp 87, Thiên Ưu 8, BQ, HT1, PC6, TH3-3, TH3-5, Xuân Mai... Đến thời điểm này, các địa phương đã thu hoạch đạt hơn 30% diện tích, năng suất bình quân ước đạt trên 51,58 tạ/ha, cao hơn 1,42 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2023.

Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (thứ 2 từ phải sang) yêu cầu các địa phương hoàn thành thu hoạch lúa hè thu trước 5/9. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (thứ 2 từ phải sang) yêu cầu các địa phương hoàn thành thu hoạch lúa hè thu trước 5/9. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Qua kiểm tra thực tế tại huyện Thạch Hà và huyện Can Lộc, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá cao việc tuân thủ lịch thời vụ, lựa chọn các giống lúa có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất tại các địa phương trong tỉnh.

Ông Hải yêu cầu ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, chỉ đạo nông dân huy động tối đa nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, phấn đầu hoàn thành trước ngày 5/9 nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại do mưa bão, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ lúa cho nông dân.

Xem thêm
Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.