| Hotline: 0983.970.780

Cấp đất chồng lấn lên đường dân sinh, ngư dân bị 'rào đường' xuống biển

Thứ Tư 16/08/2017 , 09:15 (GMT+7)

Con đường dân sinh phục vụ hàng trăm ngư dân xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đi biển từ hàng chục năm nay bỗng dưng bị khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên (gọi tắt là Quỳnh Viên) “khai tử” sau khi đi vào hoạt động.

08-02-34_1
Từ khi đi vào hoạt động, con đường dân đi bấy lâu nay bị “khai tử”

Kể từ đó, người dân phải đi đường vòng, chênh vênh trên núi với nhiều hiểm nguy rình rập.
 

Ngư dân “tắc” đường

Để phát triển du lịch vùng ven biển, năm 2002 Hà Tĩnh đồng ý cho Cty TNHH Dịch vụ du lịch Quỳnh Viên xây dựng khu du lịch sinh thái sát bãi biển thuộc xã Thạch Hải. Theo đó, con đường dân sinh nằm trên địa phận thôn Bắc Hải, đi ra Eo Lòi (nơi người dân sử dụng để neo đậu tàu thuyền đánh bắt hải sản) cũng nằm gọn trong khuôn viên khu du lịch sinh thái này.

Kể từ đó, mỗi lần đi ra biển ngư dân phải “gõ cửa” xin phép bảo vệ khu sinh thái. Đặc biệt, từ sau khi đi vào hoạt động, con đường ấy bị “khai tử” buộc người dân phải đi đường vòng trên chân núi.

Ông Nguyễn Quang Luân, người dân thôn Bắc Hải thường xuyên đi ra thuyền bằng con đường này bức xúc: “Đoạn đường đi ra khu vực Eo Lòi dài khoảng 2km, từ khi tôi sinh ra đã có rồi, người dân đi biển bao đời nay chủ yếu nhờ vào nó. Đến năm 2002, dự án Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên được bàn giao và xây dựng thì con đường lại nằm ngay trung tâm của Quỳnh Viên nên bị xóa sổ.

DN mở một con đường khác và có cho dân đi qua. Được một thời gian họ xây cổng chắn đường, mỗi lần đi qua phải gọi xin bảo vệ mở cửa. Bình thường bảo vệ có mở cho dân đi nhưng nghề đi biển có phải làm theo giờ hành chính đâu, có khi 2 hoặc 3 giờ sáng đã đi rồi. Những lúc như thế, họ thường gây khó dễ, có hôm họ không dậy mở cửa cho dân đi nghề”.

Ông Nguyễn Văn Hải, một người dân đi biển phản ánh: “Từ khi Quỳnh Viên đi vào hoạt động, đường đi lại của dân bấy lâu nay bị họ xây cổng chắn lại, dân buộc phải đi đường vòng rất xa. Hơn nữa đường đi lại ngoằn nghèo, chênh vênh, mùa mưa trơn trượt rất khó đi. Mỗi lần thuyền về chở cá mú đi bán không thể vượt dốc được phải nhờ người đẩy lên”.

Theo trưởng thôn Bắc Hải và Nam Hải, tính cả hai thôn có gần 800 người thường xuyên sử dụng con đường này để vào ra neo đậu tàu, thuyền, đánh bắt và vận chuyển thủy hải sản về tiêu thụ.
 

Doanh nghiệp “phủi” trách nhiệm

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi “mục sở thị” con đường mới mở ngay sát chân núi. Ngay từ đầu đường, Quỳnh Viên lập một rào chắn, lập điểm giữ xe và bảo vệ canh giữ 24/24. Mỗi khi có khách du lịch đi qua, bảo vệ bán vé với giá 10.000 đồng/người, còn đối với ngư dân địa phương thì được miễn phí.

08-02-34_2
Con đường mới mở dốc cao, gồ ghề, bùn lầy nhão nhoẹt mỗi khi mưa xuống

Sau khi xin phép bảo vệ qua cổng, chúng tôi đi thẳng ra biển theo con đường mới, sự gồ ghề, ngoằn ngoèo, dốc lên xuống khiến chúng tôi nhiều phen hú vía. Theo người dân, những lúc đi biển vào đêm khuya rất khó lòng để nhận được sự đồng thuận của bảo vệ khu du lịch. Khi trời mưa, con đường trở nên lầy lội, ngư dân vận chuyển hải sản lên bờ rất khó khăn, nhất là vào ban đêm.

Ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải cũng tỏ ra bức xúc: “Không những việc đi lại của hàng trăm ngư dân bị ảnh hưởng mà 5 nhân viên của trạm hải đăng ở ngay phía trên núi, cạnh Eo Lòi cũng bị ảnh hưởng theo. Việc đổ bê tông làm con đường này nằm ngoài khả năng của xã, nếu có sự chung tay của cả DN, Nhà nước và người dân thì may ra có thể làm được”.

Liên hệ với lãnh đạo Quỳnh Viên, tuy nhiên phía DN lại “phủi” trách nhiệm. Ông Hồ Việt Anh, chủ Khu du lịch Quỳnh Viên cho biết: “Em nên gặp huyện chứ cái này không thuộc thẩm quyền của bọn anh, dự án này được tỉnh phê duyệt và bọn anh làm theo quy hoạch”.

Về việc người dân gặp nhiều bất tiện khi qua cổng, ông Việt Anh cho rằng: “Không thể nói rằng tôi thích đi ngang nhà ông thì ông phải mở cửa cho tôi đi, nói như thế là không đúng. Trước đây chẳng có đường, bọn anh mở ra khu du lịch, họ xin đi băng thì bọn anh cho nhưng nhiều lúc không thể đi vì khi có khách du lịch không thể cho xe máy chạy rầm rầm được”.

Trưởng phòng TN- MT huyện Thạch Hà, ông Hoàng Viết Hùng cho biết, con đường dân sinh nằm trong khuôn viên của Quỳnh Viên và đã được UBND tỉnh cấp cho DN, khi cấp không xem xét đến con đường này.

“Việc này huyện nắm được lâu rồi nhưng lâu nay cũng quên mất vì nhiều việc quá. Huyện đã cử cán bộ về khảo sát thì được biết con đường mới mở cũng nằm trong khu quy hoạch đất của Quỳnh Viên nên rất khó. Bây giờ không thể thu hồi cũng không thể bắt DN làm đường cho dân được”, ông Hùng cho hay.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.