| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực khắc phục hậu quả, bà Trương Mỹ Lan được đề nghị giảm án

Thứ Năm 03/04/2025 , 18:25 (GMT+7)

Bị cáo Trương Mỹ Lan đã nộp lại hơn 8.000 tỷ đồng, tương đương 1/4 số tiền phải thi hành án, nên được Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Sau hơn một tuần xét xử và tạm nghỉ 3 ngày, sáng 3/4, phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng đồng phạm bước vào phần tranh luận.

Nhiều bị cáo được đề nghị giảm án

Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sátND Cấp cao tại TP.HCM phát biểu quan điểm xử lý vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Theo Viện Kiểm sát, số tiền bà Lan đã nộp lại là hơn 8.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục thu từ các tổ chức, cá nhân khác là khoảng 15.000 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan được VKS đề nghị giảm án do đã nộp khắc phục số tiền hơn 8.000 tỷ đồng. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan được VKS đề nghị giảm án do đã nộp khắc phục số tiền hơn 8.000 tỷ đồng. Ảnh: HT.

Theo Viện Kiểm sát, bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhưng ghi nhận bà Lan đã khắc phục được 1/4 thiệt hại ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm án chung thân; giữ nguyên mức án 12 và 8 năm tù ở hai tội còn lại.

Tại tòa hôm nay, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét giảm từ 6 đến 18 tháng tù cho đa số bị cáo trong vụ án. Cụ thể, đối với các kháng cáo của bị cáo Trương Huệ Vân, Trần Thị Mỹ Dung..., đại diện Viện kiểm sát cho rằng hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, mức án sơ thẩm là phù hợp. Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, nộp lại một phần tiền để khắc phục hậu quả nên có căn cứ xem xét chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bà Lan), Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan). Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho những người này 15-18 tháng tù so với án sơ thẩm. Tương tự, 18 bị cáo khác được đại diện đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt 6-18 tháng tù.

Về kháng cáo của bị cáo Trương Huệ Vân liên quan đến việc nhận lại điện thoại và đồng hồ, Viện Kiểm sát cho biết tòa sơ thẩm đã trả lại một số tài sản không liên quan đến vụ án. Do đó, đề nghị HĐXX kiểm tra, nếu tài sản này thực sự không liên quan, thì xử lý theo quy định.

Bị cáo Trương Huệ Vân được VKS đề nghị HĐXX giảm 15-18 tháng tù so với án sơ thẩm. Ảnh: HT,

Bị cáo Trương Huệ Vân được VKS đề nghị HĐXX giảm 15-18 tháng tù so với án sơ thẩm. Ảnh: HT,

Viện Kiểm sát cũng đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan), dù ông không kháng cáo, do ông đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả trong quá trình xét xử sơ thẩm.

Riêng các bị cáo Nguyễn Phương Anh, Võ Tấn Hoàng Văn và Bùi Anh Dũng không có tình tiết mới, nên Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án như bản án sơ thẩm.

Về kháng cáo của bị cáo Bùi Anh Dũng xin gỡ bỏ lệnh phong tỏa tài khoản, Viện Kiểm sát xét thấy số tiền trong tài khoản có liên quan đến vụ án, do đó cần tiếp tục phong tỏa để đảm bảo thi hành án.

Đối với yêu cầu gỡ bỏ lệnh kê biên tài sản của bị cáo Nguyễn Phương Hồng (nguyên Phó Tổng Giám đốc SCB, đã mất), Viện Kiểm sát cho rằng bà Hồng là mắt xích quan trọng trong vụ án. Do các tài sản liên quan chưa được làm rõ, HĐXX sơ thẩm đã kiến nghị tiếp tục điều tra, nên Viện Kiểm sát đề nghị duy trì lệnh kê biên.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn không được xem xét giảm án vì theo VKS là 'không có tình tiết mới'. Ảnh: HT.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn không được xem xét giảm án vì theo VKS là "không có tình tiết mới". Ảnh: HT.

Bà Lan nói muốn được “giảm sâu” mức án 

Trong hơn 40 phút trình bày tại tòa, bà Lan bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét về việc bản thân đã đổ cả trăm nghìn tỷ đồng vào SCB. Ngoài ra, bà nói các bản án chưa ghi nhận việc SCB không có vốn Nhà nước, không sử dụng một đồng nào của Nhà nước trong việc tái cơ cấu này. “Bị cáo đã thực hiện được lời hứa với Ngân hàng nhà Nước là suốt 11 năm qua, tự lực tất cả tiền bạc. Tiếc là bị cáo gần làm được, đến phút 89 thì thất bại”, bà Lan nói trong nước mắt.

Bị cáo Trương Mỹ Lan nhắc lại quá trình làm việc của mình và đề nghị HĐXX xem xét nguyên nhân, bối cảnh, bản chất sự việc xảy ra tại SCB trong cả 2 bản án (giai đoạn một bà bị tuyên tử hình, giai đoạn hai bị tuyên án chung thân).

“Bị cáo mong muốn được ghi nhận sự cống hiến và xem xét giảm nhẹ hình phạt sâu hơn nữa để tạo động lực, tinh thần giải quyết hậu quả. Sau khi bị cáo bị bắt thì vụ án này mới xảy ra, đây là điều ngoài mong muốn. Còn trước khi bị bắt, SCB vẫn hoạt động bình thường, không mất thanh khoản, không bị lỗ. Các dự án đều đang thi công, SCB chuẩn bị tái cơ cấu", bà Lan trình bày.

Bà Lan cho rằng, trong cùng một vụ án nhưng số tiền bà bị buộc tội “Tham ô tài sản” ở giai đoạn một là 304.000 tỷ đồng gốc; sang giai đoạn hai bà lại bị buộc tội “Rửa tiền” (tham ô) 445.747 tỷ đồng. Hai hành vi này liên quan đến nhau, nên bà đề nghị tòa phúc thẩm làm rõ số liệu để đảm bảo tính xác thực.

Trong giai đoạn 2 đại án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, tòa sơ thẩm xác định bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện loạt hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hơn 30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ thông qua việc phát hành trái phiếu khống; “Rửa tiền” 445.747 tỷ đồng và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng).

Là một trong 8 người bào chữa cho bà Lan, luật sư Phan Trung Hoài kiến nghị HĐXX xem xét toàn diện về nguyên nhân, bối cảnh vụ án; bản chất mối liên hệ giữa các tội danh.

Phiên toà phúc thẩm giai đoạn 2 có 28 bị cáo kháng án. Ảnh: HT.

Phiên toà phúc thẩm giai đoạn 2 có 28 bị cáo kháng án. Ảnh: HT.

Luật sư Hoài kiến nghị Viện Kiểm sát yêu cầu SCB cung cấp số liệu, thu hồi vật chứng với số tiền hơn 15.000 tỷ đồng được cho là tiền từ các lô trái phiếu đã phát hành cho đối tác. Theo ông Hoài, ở tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” bà Lan bị cáo buộc, thì không phải tất cả giao dịch đều không đúng quy định.

Dẫn chứng quan điểm này, luật sư phân tích theo nhận định của bản án sơ thẩm, việc dịch chuyển trái phép tiền tệ từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài là phương thức thủ đoạn phạm tội mới (mặc dù không vận chuyển về mặt cơ học).

“Nếu theo cách hiểu mới về nội hàm của tội này thì câu hỏi đặt ra là chủ thể nào là chủ thể của hành vi vận chuyển, và khi xem lại các giao dịch chuyển tiền thì có những giao dịch nào là hợp pháp?”, ông Hoài nêu vấn đề, đồng thời chỉ ra rằng nguồn tiền 180 triệu USD từ nước ngoài do 8 pháp nhân chuyển về để góp 30% vốn điều lệ của ngân hàng SCB, mua phần vốn góp của Công ty Việt Vĩnh Phú...

Ngoài ra, theo luật sư, trong giai đoạn một của vụ án đã xác định hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra thiệt hại 673.000 tỷ đồng, là dư nợ của 1.243 khoản vay. Tuy nhiên qua đối chiếu, rà soát thì ở thời điểm khởi tố vụ án năm 2022, có đến 988/1.243 khoản vay chưa đến hạn thanh toán (sau năm 2023), với tổng số tiền là 357.000 tỷ đồng.

Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan dù được VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm án chung thân trong giai đoạn 2, nhưng án tử hình ở giai đoạn 1 vẫn còn nguyên. Ảnh: HT.

Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan dù được VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm án chung thân trong giai đoạn 2, nhưng án tử hình ở giai đoạn 1 vẫn còn nguyên. Ảnh: HT.

Từ đó, luật sư đề nghị tòa xem xét các khoản vay chưa đến hạn thanh toán như trên "thì có quy buộc vào trách nhiệm chung cho bị cáo Lan hay không?”, vì theo quy định chỉ khi tới hạn thanh toán khách hàng không trả được thì ngân hàng có quyền phát mãi tài sản.

Bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn còn án tử hình ở giai đoạn 1:

Trong giai đoạn 1 của vụ án, cuối năm 2024, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm tuyên phạt y án sơ thẩm tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về 3 tội danh: tham ô tài sản (tử hình), đưa hối lộ (20 năm tù), vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (16 năm tù; sơ thẩm 20 năm tù). Tòa còn buộc bị cáo Lan phải bồi hoàn cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng.

Xem thêm
Hướng dẫn thủ tục thực hiện dự án nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2025/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về thủ tục thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp.

Gần thập kỷ sống trên cung đường ô nhiễm

HẢI DƯƠNG - Đường 194B qua địa bàn 3 xã: Đức Chính, Cao An và thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương từ khi được làm mới, trở thành nỗi 'ám ảnh' với người dân.

Thái Bình: Khen thưởng Ban chuyên án phá đường dây lô đề nghìn tỷ

Công an tỉnh Thái Bình vừa tổ chức biểu dương, khen thưởng Ban chuyên án triệt phá đường dây lô đề quy mô hàng nghìn tỷ đồng do ông trùm ‘Tuấn chợ Gốc’ cầm đầu.

Bộ Công an: Cụm thi đua số 4 giao ước giải quyết tin tố giác tội phạm đạt 90%

Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Công an vừa tổ chức Lễ ký giao ước thi đua và phát động phong trào thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc' năm 2025.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Hà Nội đẩy mạnh chống lãng phí trong đầu tư công, đất đai, tài sản công

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND nhằm cụ thể hóa các biện pháp phòng, chống lãng phí trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Bình luận mới nhất