| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 10/10/2016 , 07:15 (GMT+7)

07:15 - 10/10/2016

Cha, con và biệt thự khủng ở Tam Đảo

Mấy hôm nay, dư luận xôn xao trước việc các nhà báo phát hiện một biệt thự “khủng” trên đỉnh núi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) mà người dân Tam Đảo vẫn gọi là “tòa nhà dầu khí”.


Một góc của căn biệt thự giá hàng triệu USD mang đậm bóng dáng Trịnh Xuân Thanh nhưng lại được đứng tên Cty Mai Phương do ông Trịnh Xuân Giới, bố đẻ của Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT (Ảnh: Dân trí)
 

Đó là một biệt thự được xây trên diện tích đất 3.400 m2, ở một vị trí vô cùng đắc địa, đứng ở đó nhìn trọn vẹn được cả thị trấn Tam Đảo. Có người còn nói rằng những hôm trời quang, từ đó có thể nhìn về tận... Hà Nội.

Biệt thự 3 tầng, được thiết kế theo phong cách châu Âu, mặt sàn và cầu thang đều được ốp gỗ quý. Ngoài nhiều phòng nghỉ còn có phòng hát karaoke, phòng chiếu phim 3D, bể bơi. Nội thất các phòng cực kỳ sang trọng, với những bộ bàn ghế có giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài sân là vô số kỳ hoa dị thảo, chỉ mỗi gốc hồng cổ Sa Pa thôi, đã có giá hàng triệu đồng rồi. Ngôi biệt thự (cả đất và nhà) trị giá cả trăm tỷ đồng.

Theo UBND thị trấn Tam Đảo, thì cách đây khoảng 5-6 năm, Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC-KBC) đã mua mảnh đất nói trên của một doanh nghiệp khác và xây dựng biệt thự đó. Nhưng sau đó, PVC-KBC đã bán biệt thự đó cho Công ty TNHH Mai Phương. Và hiện nay, nó vẫn là tài sản của Công ty TNHH Mai Phương.

PVC-KBC là doanh nghiệp liên kết của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam mà ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT thời kỳ đó. Còn Công ty TNHH Mai Phương do ông Trịnh Xuân Giới, bố ông Trịnh Xuân Thanh, làm Chủ tịch HĐQT.

Có gì lắt léo trong chuyện này? Công ty TNHH Mai Phương chuyên sản xuất hay kinh doanh lĩnh vực nào? Nếu biệt thự trên là do Công ty TNHH Mai Phương mua, thì dứt khoát nó phải được đưa vào khai thác để thu hồi vốn và sinh lời, chứ không thể mua chỉ để cho ông Trịnh Xuân Thanh thỉnh thoảng lên đó nghỉ và đãi tiệc bạn bè, xong lại đóng cửa, thuê người trông nom. Còn nếu nó là tài sản riêng của ông Trịnh Xuân Giới, núp dưới danh nghĩa công ty, thì tiền đâu để ông mua một tài sản “khủng” như vậy, kể cả lúc còn tuổi, ông làm đến Phó ban Dân vận Trung ương đi nữa?

Phải chăng đó là tài sản của Trịnh Xuân Thanh, có được từ nguồn “lỗ” 3.300 tỷ của PVC thời kỳ Thanh làm chủ tịch HĐQT, rồi được “rửa” qua từ PVC-KBC đến Công ty TNHH Mai Phương? Vụ việc này khiến người ta nhớ đến vụ án Giang Kim Đạt. Với trên 30 triệu USD tham nhũng được từ những vụ “làm ăn” ở Vinalines, Đạt đã mua cả chục bất động sản từ trong nước đến ngoài nước, cho bố mình đứng tên.

Và nếu tài sản trên đúng là của Trịnh Xuân Thanh, thì thêm một minh chứng nữa cho thấy: Chỉ kê khai tài sản của riêng các quan chức thôi là chưa đủ, chưa phát hiện được tham nhũng hay tài sản bất chính, mà cần phải mở rộng đối tượng kê khai, ngoài họ còn là vợ, con, cháu... của họ nữa. Và sau khi kê khai là giai đoạn giải trình. Giải trình một cách công khai cho toàn dân biết để giám sát. Bởi chẳng ai dại gì lại tự mình đứng tên những tài sản có nguồn gốc từ số tiền tham nhũng.