| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 22/11/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 22/11/2017

Chỉ mới rà soát, đã đỡ lãng phí tiền thuế của dân gần 6000 tỷ đồng!

Thông tin về việc UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị số 2 rà soát lại chỉ 5,9 km đường đi ngầm dưới lòng đất, đoạn Trần Hưng Đạo- Thượng Đình, đã giảm mức đầu tư được 5.825 tỷ đồng (từ 34.743 tỷ còn 28.918 tỷ), khiến cả xã hội choáng váng.

Thật là một sự lãng phí khủng khiếp. 5.825 tỷ đồng, số tiền đó có thể kiên cố hóa nhà ở cho hàng ngàn hộ nghèo hay hộ gia đình chính sách, hiện đang phải chui rúc trong những ngôi nhà mà hễ mưa là nhà cũng như sân, hay có thể bê tông hóa cho hàng trăm km đường nông thôn... Hoặc thực hiện được rất nhiều dự án khác.

5,9 km đường ngầm, tốn 34.743 tỷ, tức là mỗi km làm hết 5.888 tỷ, tương đương với 259 triệu USD. Nay chỉ một lần rà soát, mức đầu tư đã giảm được mỗi km khoảng 1.000 tỷ đồng. Đó mới chỉ là một phần của dự án. Nếu rà soát lại toàn bộ dự án, thì số tiền giảm đi sẽ là bao nhiêu? Mà đó mới chỉ là rà soát bước đầu. Nếu tiếp tục rà soát, tính toán cẩn thận, tỷ mỷ hơn, thì biết đâu sẽ còn giảm nữa.

Đây không phải là lần đầu tiên một dự án giảm được giá trị đầu tư sau khi được rà soát. Thời còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng đã cho rà soát lại dự toán của 5 con đường, và kết quả là giảm bớt được 40.000 tỷ. Còn hàng ngàn dự án khác mà nếu được rà soát, thì chắc chắn dự án nào cũng giảm được giá trị đầu tư. Những việc đó nói lên điều gì?

Rõ ràng là công tác lập dự toán của chúng ta có vấn đề. Lâu nay, xã hội vẫn râm ran chuyện mỗi dự án xây dựng hay giao thông, phải “cắt phế” lại cho người này người nọ bao nhiêu phần trăm. Từ dự toán đến nhà thầu, số tiền đã gầy còm đi rất nhiều.

Phải chăng đó là chuyện thật. Và cũng chính vì thế mà mỗi khi lập dự toán, cứ phải lập vống lên, để còn “cắt phế”? “Cắt phế” xong rồi thì nào khai tăng giá vật liệu, nào kê khai khống khối lượng...và hàng trăm thứ kê khai khống khác để bù vào.

Nếu không có sự rà soát lại, thì ngót 6.000 tỷ đồng đó đi đâu? Tất nhiên là một phần lớn trong số đó có thể vào túi cá nhân. Số tiền làm dự án đường sắt đô thị có 80% có nguồn gốc từ ODA, tức là tiền đi vay của nước ngoài. Số nợ đó, đương nhiên, là toàn dân phải trả. Hiện tại, từ đứa trẻ mới sinh đến ông bà già sắp gần đất xa trời, mỗi người đã phải oằn lưng gánh trên vai gần 30 triệu đồng nợ công rồi.

Từ những hiện tượng trên, phải chăng Chính phủ nên thành lập một tổ chức giám định độc lập, chuyên làm nhiệm vụ tính toán, rà soát lại dự toán, thiết kế của những dự án sắp triển khai thi công. Làm được thế, chắc chắn sẽ tiết kiệm được cho Ngân sách những số tiền khổng lồ, và góp phần làm giảm bớt gánh nặng nợ công.