Hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân không đơn thuần là một giải pháp kinh tế, mà còn là một thiết chế tất yếu để nền nông nghiệp phát triển bền vững. Câu chuyện hợp tác không mới, nhưng bài toán liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn còn đó, với những nút thắt cần tháo gỡ. Không còn là mối quan hệ giữa bên mua - bên bán, mà đã đến lúc hợp tác doanh nghiệp - nông dân phải được định hình như một quan hệ cộng sinh, nơi mỗi bên đều cùng nhau tạo dựng giá trị, cùng nhau chia sẻ thành quả và cùng nhau nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam.
Tại huyện Hưng Hà (Thái Bình), dự án hợp tác trồng 300ha lúa xuất khẩu sang Nhật Bản đang là một mô hình đáng chú ý. Kế hoạch mở rộng lên 2.500ha vào năm 2030 không chỉ phản ánh tiềm năng kinh tế mà còn đặt ra yêu cầu về một thiết chế hợp tác chặt chẽ, với cam kết dài hạn từ cả doanh nghiệp lẫn nông dân.
Câu hỏi đặt ra không chỉ là ai được hưởng lợi từ mô hình này, mà sâu xa hơn là làm thế nào để đảm bảo lợi ích đó bền vững, không bị phá vỡ khi gặp khó khăn về thị trường hay những biến động trong sản xuất.
Trong lịch sử phát triển nông nghiệp, những liên minh giữa người sản xuất và các tác nhân thị trường luôn là yếu tố quyết định sự thành bại. Nhiều quốc gia đã thành công nhờ xây dựng được những thiết chế hợp tác bền vững, nơi doanh nghiệp không chỉ thu mua mà còn đóng vai trò cung cấp giống, công nghệ, giám sát quy trình sản xuất.
Ngược lại, nông dân không chỉ là người canh tác mà còn trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị.
Nhưng để một chuỗi liên kết vận hành trơn tru, cần nhiều hơn những cam kết trên giấy. Một khi lòng tin giữa các bên còn mong manh, thì dù hợp đồng có chặt chẽ đến đâu, rủi ro đổ vỡ vẫn luôn hiện hữu.
Thực tế tại đồng bằng sông Cửu Long đã cho thấy điều đó: 80% hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân bị phá vỡ.
Nguyên nhân không chỉ đến từ một phía. Có khi doanh nghiệp quay lưng vì biến động thị trường, có khi nông dân tự ý bán ra ngoài vì giá cao hơn. Nhưng sâu xa hơn, đó là hệ quả của một thiết chế hợp tác chưa đủ chặt chẽ, chưa thực sự gắn kết các bên trong một hệ sinh thái chung.
Bài toán đặt ra là, khi hợp tác chỉ dừng lại ở những cam kết ngắn hạn, thì vòng tròn liên kết sẽ ngày càng thu hẹp, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu chiến lược dài hơi.
Vậy, giải bài toán là làm thế nào để doanh nghiệp và nông dân thực sự đi cùng nhau? Câu trả lời không chỉ nằm ở hợp đồng, mà còn ở cơ chế, chính sách và cả tư duy hợp tác. Những quốc gia như Nhật Bản hay Hàn Quốc đã xây dựng những thiết chế hợp tác nông nghiệp với tính pháp lý cao, đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi của tất cả các bên.
Ở Việt Nam, cần nhiều hơn những chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để thúc đẩy liên kết. Hiện nay, chỉ dưới 4% hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, trong khi đây là yếu tố quan trọng để mở rộng sản xuất. Nếu không có sự hậu thuẫn đủ mạnh từ hệ thống chính sách, thì dù có thiện chí hợp tác, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều khó có thể đi đường dài.
Nhìn rộng ra, phát triển nông nghiệp không thể chỉ dựa trên từng cá nhân hay từng doanh nghiệp riêng lẻ, mà phải là câu chuyện của cả một hệ sinh thái ngành hàng, nơi bộ máy quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, nông dân, chuyên gia cùng nhau kiến tạo không gian phát triển.
Một nền nông nghiệp hiện đại không thể vận hành theo tư duy “quản lý và chấp hành”, mà cần một mô hình hợp tác thực sự, nơi mọi bên cùng hướng đến giá trị chung thay vì chỉ chăm chăm bảo vệ lợi ích riêng.
Huyện Hưng Hà có thể là một điểm sáng, nhưng muốn nhân rộng mô hình hợp tác doanh nghiệp - nông dân trên cả nước, cần nhiều hơn những thay đổi từ tư duy đến hành động. Cần một sự dịch chuyển từ hợp tác mang tính thời vụ sang hợp tác chiến lược, từ liên kết lỏng lẻo sang thiết chế gắn kết bền chặt.
"Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Và, chỉ khi đi cùng nhau, chúng ta mới có thể đi xa, và đưa nền nông nghiệp Việt Nam vươn cao hơn trên bản đồ thế giới.