1. Điểm bày hàng của Quyết là một khoảng nhỏ, rộng bằng chiếc chiếu, không phải “mặt tiền” như người ta vẫn thường nghĩ. Án ngữ chỗ Quyết ngồi là các hàng cá, tôm…; phía bên trong là hàng đồ khô, quần áo “bán đống”. Khách hàng của Quyết, chủ yếu là các bà, các mẹ lớn tuổi. Các bà đi chợ từ rất sớm, người nọ bảo người kia, chỉ tìm đến điểm bán rau của Quyết.
Quyết có rất nhiều loại rau, củ quả, tất cả cũng bày thành một đống lớn mà không chia thành các bó như các bà buôn thúng bán mẹt ở chợ vẫn làm. Các mẹ tự chọn theo sở thích, rồi tự cân, đọc số. Quyết chẳng buồn nhìn cân, chỉ nói số tiền, các bà tự thả vào một cái thùng giấy Quyết để tơ hơ giữa chợ.
Đến khoảng 9h sáng, "núi" rau của Quyết đã hết veo. Anh quét dọn sạch sẽ chỗ ngồi, rồi thu dọn đồ ra về; sớm hôm sau lại bắt đầu một ngày lao động như thế.
Vì sao Quyết bán hàng nhanh, gọn và đông khách nhất chợ?
Vì rau của Quyết luôn tươi, ngon, và khá an toàn, vệ sinh. Mẹ tôi từng mua về 1 bịch mồng tơi, những ngọn rau lộn xộn không bị “độn” những lớp lá to, dày, nhễ nhại nước để “làm hàng” như những hàng rau khác. Có lần, bà bỏ quên, mấy ngày sau mới sực nhớ đến, túi rau mang ra vẫn còn tươi, khô, không bị úa nẫu.
Thứ hai, Quyết bán hàng giá luôn rẻ hơn so với những người khác. Túi rau mẹ tôi mua về, hái ra được một rổ chặt mà chưa đến 10 ngàn đồng. Nếu mua ở hàng khác, giá gần như gấp 2 mà phải vứt bỏ rất nhiều “rau độn”. Không những thế, anh còn "hào phóng" thêm cho các mẹ khi thì vài quả ớt, quả chanh, vài ngọn rau thơm…, khiến ai cũng mãn nguyện ra về.
Với các bà ở quê, thói quen đi chợ mặc cả từng hào nhỏ. Đã mua được đồ ngon - bổ - rẻ, lại được thêm cái này cái kia… Quyết đã đánh trúng “tim đen” của các mẹ. Và thế là, tệp khách hàng của Quyết - bà nọ mách bà kia - mỗi ngày một dày thêm!
Quyết giữ khách bằng “nghệ thuật” rất đời thường, tự nhiên, không gượng ép… của riêng mình. Các bà, các mẹ ở quê, đã quá quen thuộc với mớ rau, con cá, và tư duy chắc lép từng hào nhỏ, bao giờ các mẹ cũng là những khách hàng khó chinh phục nhất!
2. Lò Văn Thịnh - người đàn ông dân tộc Thái, 48 tuổi, đến từ bản Chiềng Mai (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), vượt hơn 300km xuống Hà Nội cùng với mấy chiếc bu gà, sau xe là người vợ nổi bật bởi búi tóc tằng cẩu cao nghễu nghện trên đỉnh đầu, bên trên búi tóc ấy chênh vênh một chiếc mũ bảo hiểm. Hai vợ chồng anh Thịnh lần đầu rời bản làng, quyết thử sức nơi đô thành nhộn nhịp…
Sản vật mà chị mang theo, đó là đàn gà Mông đen anh chị nuôi từ đận trước tết chưa bán hết, còn dư chục con, anh mang về xuôi tiêu thụ.
Chiếc xe máy biển 26 (BKS tỉnh Sơn La) dựng chân chống giữa. Hai lồng sắt chen chúc chục con gà Mông khỏe mạnh. Đôi gà Mông được cột chân, đứng nghễu nghện trên yên xe, toàn thân phủ kín màu đen đặc trưng: da đen, mào đen, chân đen… thay cho tấm biển quảng cáo, thu hút những người đi đường.
Học theo vợ chồng anh Thịnh, 4 người cháu trong bản cũng học theo, mang gà Mông đen từ Chiềng Mai về phố, rồi trở thành “thương lái gà Mông” lúc nào không hay!
Cách bán gà của anh Thịnh, đó là dùng những đặc trưng nhất của vùng miền để tiếp thị, không cần quảng bá, tự con gà Mông đen đứng nghễu nghện trên xe; chiếc xe biển số 26; búi tóc tằng cẩu của người vợ… mời khách. Những hình ảnh ấy nó dễ được chấp nhận, bởi nó tạo ra một thứ giá trị, đó là niềm tin - thứ đắt đỏ mà phải mất rất nhiều thời gian để gây dựng.
3. Anh Đỗ Hữu Luân - chủ một cơ sở chăn nuôi gà thương phẩm ở Quảng Ninh, năm 2012 mất toàn bộ chuồng trại do chập cháy điện, chết hàng vạn con gà. Xót của, thiệt hại hàng tỷ đồng, anh cố gỡ gạc bằng cách nhờ bà con tới giải cứu những con còn sống sót.
Sau cơn bĩ cực, vợ chồng anh nghỉ chăn nuôi, mua gà thịt về bán, mỗi ngày dăm ba con. Vợ anh quyết định bán hàng theo tư duy “phi truyền thống”: Chiều theo ý khách, ai mua phần nào: cổ, cánh, ức, lườn…, chị bán phần đó, sẵn sàng chia nhỏ con gà. Sự khác biệt này làm nên uy tín, khách tìm đến anh chị mỗi ngày một đông. Công việc thuận lợi, anh chị tìm được mối đổ xỉ cho các nhà hàng, quán đồ nướng, cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn…
Từ người chăn nuôi, anh chị trở thành người tiêu thụ. Các cơ sở chăn nuôi, các lái buôn tìm đến bắt mối, đổ hàng… nườm nượp. Từ điểm giết mổ manh mún, tự phát, cơ sở ngày càng mở rộng, anh chị thuê thêm chục lao động, mỗi ngày giết mổ hàng tấn gà…
Từ chỗ bị động, gà nuôi ra đến ngày xuất chuồng ngay ngáy nỗi lo tìm mối xuất, bị thương lái chèn giá, ép giá, từng phải bán tống bán tháo mỗi dịp giá gà xuống thấp…, bây giờ anh chị được chủ động chọn gà thương phẩm, chủ động chọn mối; thương lái quay lại “nịnh ngược” người mua…
“Tái ông thất mã. Nếu không có vụ việc chập điện cháy hết chuồng trại, chắc vợ chồng vẫn phải cùi cụi trong những nỗi lo”, anh Luân cho hay.
Thay đổi hướng đi, không có nghĩa là anh Luân quay lưng lại với nông nghiệp, mà vẫn tham gia một mắt xích trong chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu thụ nông sản, đồng hành cùng bà con nông dân. Hay như lối đi riêng của anh Quyết ngày ngày chở rau vào thành phố tiêu thụ; vợ chồng anh người Thái từ bản Chiềng Mai xa xôi…, bằng những nỗ lực tự thân, họ tìm lối thoát cho mình, từ đó gián tiếp hỗ trợ cho những người sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Tình yêu dành cho nông nghiệp có nhiều cách thể hiện. Trong những cơn bĩ cực, họ sẽ nỗ lực tìm ra giải pháp, tự mở đường đi, để những khó khăn được giải quyết, dù theo cách đầy chậm rãi nhưng thận trọng, như mỗi ngày đặt một viên gạch nhỏ lát đường, lâu dần, sẽ xây được một con đường gạch thẳng thớm thay cho con đường đất sình lầy.