Dù khá thận trọng nhưng việc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức thể nghiệm khai ấn một lần nữa xới lên sự quan tâm của xã hội. Khi nguồn gốc của ấn “Sắc mệnh chi bảo” còn chưa được chứng minh rõ ràng thì ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học là cần thiết để góp phần làm rõ vấn đề: Có ấn “Sắc mệnh chi bảo” đời Trần không?
Thể nghiệm khai ấn
Sáng 16/2 tại Hoàng thành, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức lễ thể nghiệm khai ấn. Cụ thể, Trung tâm đã tiến hành đóng lá ấn “Sắc mệnh chi bảo”.
Đây là hiện vật bằng gỗ được phát hiện trong quá trình đào khảo cổ học trong hố khai quật năm 2012. Tầng văn hoá được xác định là có niên đại đời Trần, cách nay 700 năm.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, thời gian tới có thể lấy ý kiến các nhà nghiên cứu về lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long.
Còn theo PGS.TS Tống Trung Tín: “Ấn "Sắc mệnh chi bảo" là ấn của vua, đời vua nào cũng có. Ấn này có nghĩa vua ban mệnh, ban chức tước, công việc cho người giúp vua giúp nước. Ấn "Sắc mệnh chi bảo" bằng gỗ này tính đến thời điểm này là ấn sớm nhất và cổ nhất trong lịch sử ấn chương, ấn tín của Việt Nam”.
Căn cứ theo ghi chép trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1257 khi vua Trần thống lĩnh quân chống giặc, ấn báu được giấu tại điện Đại Minh, quan giữ ấn chỉ đem theo ấn nội mật và chiếc ấn này bị mất.
Giấy tờ trong quân không thể thiếu ấn, vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu xác định ấn thuộc đời vua Trần Thái Tông.
Trong đó, GS Hoàng Văn Khoán (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) so sánh văn tự các thời kỳ, nhất là chữ viết trên tiền cổ, đã đưa ra kết luận: Chữ trên ấn này gần gũi chữ ghi trên tiền thời Trần.
Sáng 16/2, một chiếc ấn phục chế (mô phỏng ấn thời Trần tìm thấy trong hố khảo cổ) đã được sử dụng để đóng lên các lá ấn làm từ giấy dó và phát cho đại biểu dự lễ.
Theo TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội chia sẻ: “Dự kiến, hằng năm Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tổ chức lễ khai xuân để tái hiện những hoạt động văn hóa trong ngày đầu năm của cung đình hoặc trong nhân dân dưới những hình thức khác nhau”.
Ý kiến khác nhau
Việc thể nghiệm lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long dù khá thận trọng nhưng vẫn khiến dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên, mới chỉ dựa trên những cứ liệu nêu trên thì chưa đủ căn cứ khoa học để khẳng định đó là ấn đời Trần. Vì thế, cần phải làm rõ nguồn gốc của chiếc ấn này.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã thuyết minh về ấn “Sắc mệnh chi bảo” khi trưng bày tại Hoàng thành như sau: “Ấn của nhà vua dùng để ban cấp cho văn võ, phong tặng cho thần dân.
(Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 14, tr.34). Chất liệu: Gỗ. Kích thước: 11,5cm x 11,5cm x 0,5cm. Niên đại: Thời Trần (thế kỷ 13-14). Phát hiện được tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long".
Bất ngờ vì lấy tư liệu thời Nguyễn thuyết minh cho hiện vật được cho là của đời Trần, TS. Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) khẳng định “đây không phải là ấn, triện”. Theo ông Kiên, đó chỉ là “một miếng gỗ mỏng”.
Nhiều năm làm nghề khảo cổ, TS. Nguyễn Hồng Kiên nêu câu hỏi: "Miếng gỗ mỏng kia sao lại là ấn được? Cầm vào đâu để đóng? Không thể có chuyện các cụ lại đem dán mảnh gỗ này vào một cục gỗ khác để có chỗ cầm nắm! Về mặt sử dụng, nếu làm thế thì cũng chỉ đóng được vài lần là bật keo dán hay đinh đóng (mỏng thế kia chả làm mộng kiểu gì để liên kết được) và vỡ ngay cái phần khắc chữ kia.
Trong nghề làm trùng tu, tôi được học từ các cụ khi cắt bỏ, nối chân các cột gỗ bị mục/thối, bao giờ khúc gỗ nối cũng phải dài hơn đường kính của cây cột đó. Nếu nhỏ hơn hoặc bằng đường kính cột phần nối sẽ bị "đạp" nứt toác ngay vì sức nặng từ trên dồn/ đè xuống".
Cùng chung quan điểm này, TS Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) chia sẻ: “Theo tôi biết thì không có ấn thời Trần nào còn lại tới ngày nay. Ấn thời Lê còn khó”. Ông Tuấn phân tích, ấn gỗ trong thời tiết ẩm như ở Việt Nam chỉ tồn tại được vài chục năm thì mục. “Nói chung là không thể tin được đó là ấn đời Trần”, TS Phạm Văn Tuấn khẳng định.
Nhà thư pháp Xuân Như Vũ Thanh Tùng quan tâm và nghiên cứu về ấn chương Việt Nam cho biết: “Chưa có khảo cứ nào nhà Trần có ấn “Sắc mệnh chi bảo”. Nhà Trần chưa có lệ dùng ấn “Sắc mệnh chi bảo” cho việc quan, quân, dân”.
Theo ông Xuân Như, ấn “Sắc mệnh chi bảo” đến nay cũng mới chỉ thấy trên sắc phong từ thời Hồng Đức, niên hiệu của vua Lê Thánh Tông, dùng từ năm 1470 đến năm 1497 trở đi. Ông Xuân Như cũng cho biết thêm, kích thước các ấn đời nhà Lê đều đồng nhất hình vuông 10,5 x 10,5 cm. Kích thước ấn “Sắc mệnh chi bảo” đời nhà Nguyễn đều là hình vuông 13 x 13 cm”.
Về độ mỏng 0,5 cm trên ấn “Sắc mệnh chi bảo” đang trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long, ông Xuân Như cho rằng “không bao giờ mỏng như thế”. Nguyên tắc làm ấn các đời vua Trung Hoa (nhất là tỉ), có tỉ lệ, có cơ sở khoa học và con số tính toán tỉ lệ giữa chiều rộng, chiều cao và độ dày của ấn. Ấn Việt Nam cũng vậy.
“Ấn mỏng 0,5 cm thế là giống chúng tôi làm ấn “Sắc mệnh chi bảo” để phục chế bản sao sắc phong thôi. Không có hoàng đế nào bủn xỉn gỗ thế đâu”, ông Xuân Như nói.
Trong sách “Ấn chương Việt Nam” (NXB Khoa học Xã hội) cho biết: Ấn là ấn lớn của cơ quan từ trung ương xuống đến địa phương cấp huyện, châu và trong quân đội một số tướng lĩnh cũng được sử dụng loại ấn này. Phân biệt từ “ấn” ở đây là danh từ riêng chỉ loại hình ấn lớn mà cơ quan dùng. Ấn ở đây cũng như “tỉ”, “bảo” là những chữ đứng cuối cùng ở dòng chữ trong dấu, khác với từ “ấn” là danh từ chung chỉ tất cả những loại hình ấn khác nhau. |