Họa sĩ Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1979, tốt nghiệp ngành sơn dầu của Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, hiện đang công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Họa sĩ Nguyễn Thành Nhân bộc bạch: “Tôi không cố gắng mô phỏng, ghi chép lại thực tế mà muốn tạo ra những hình ảnh mang tính gợi mở cho người xem nhiều tầng cảm xúc, giữa thực tại và ảo ảnh… Màu sắc trong tranh tôi là ngôn ngữ để diễn tả những xúc cảm phức tạp, trạng thái tâm lý đa dạng, phá vỡ mọi giới hạn, để màu sắc và đường nét được tự do nhảy múa trên tấm toan”.
Cẩn trọng trên con đường chuyên nghiệp, họa sĩ Nguyễn Thành Nhân tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên bằng những tác phẩm trừu tượng. Cái tên gọi “Tầng không hiện hữu” có thể ám chỉ như những tầng số sóng điện từ, hoặc những rung động tinh thần mà con người không thể cảm nhận trực tiếp được thông qua các giác quan, họa sĩ Nguyễn Thành Nhân muốn gợi mở về những gì đã mất, đã đi qua nhưng vẫn để lại dấu ấn trong tâm trí chúng ta.
Với tư cách đồng nghiệp, họa sĩ Phan Trọng Văn cho rằng, hơn 25 tác phẩm trong triển lãm “Tầng không hiện hữu” của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân đã mang đến người xem cảm nhận được sự mơ hồ giữa hiện thực và hư ảo. Cảm giác “mọi thứ thấy đó mất đó, có cũng như không và ngược lại” chính là một trong những điểm nổi bật trong các tác phẩm của Nguyễn Thành Nhân, tạo ra một không gian nghệ thuật đầy triết lý và thiền định, về sự trống rỗng, nơi mà mọi thứ dường như không còn tồn tại một cách rõ ràng, tâm trí được giải phóng khỏi những ràng buộc của thực tại, cho phép công chúng trải nghiệm một không gian tĩnh lặng.
“Tầng không hiện hữu” không chỉ là một khoảng trống vật lý mà còn là một không gian tâm linh, nơi mà những suy tư và cảm xúc có thể tự do bay bổng. Cảm giác thiền định mà triển lãm mang lại giúp người xem quay về với chính mình, các tác phẩm không chỉ là những signal hình ảnh mà còn là những không gian để suy ngẫm và chiêm nghiệm. Đứng trước tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân, người xem được mời gọi để dừng lại, lắng nghe và cảm nhận, tìm thấy sự bình yên, một bữa tiệc thị giác không chỉ dành cho đôi mắt hoài nghi và ưu tư.
Nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức, kiến thức có giới hạn, còn tưởng tượng là vô biên”. Đúng vậy, trí tưởng tượng như cánh cửa mở ra một góc nhìn sâu sắc về nghệ thuật và vai trò của nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo.
Là một họa sĩ trẻ với triển lãm cá nhân đầu tiên, Nguyễn Thành Nhân không chỉ là một nghệ sĩ mà còn là một người có khát khao mạnh mẽ cho sự phát triển của nền mỹ thuật đương đại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Họa sĩ Nguyễn Thành Nhân hy vọng có thể tạo ra những tác phẩm có sức ảnh hưởng đến thẩm mỹ công chúng và cơi nới thẩm mỹ cho công chúng.
Triển lãm “Tầng không hiện hữu” cũng là một cơ hội để họa sĩ Nguyễn Thành Nhân khám phá và định hình phong cách cá nhân. Những tác phẩm không chỉ phản ánh những trải nghiệm và cảm xúc của riêng anh, mà còn là một phần của hành trình tìm kiếm ý niệm cuộc sống, tạo ra một không gian nghệ thuật phong phú và đa dạng.