“Sức sống của không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được tác giả Phạm Phương Thảo dành nhiều tâm huyết, sau các cuốn sách “Đi qua thời gian”, “Chuyện về văn hóa ứng xử”, “Những người phụ nữ đẹp mãi trong tôi”, “Chuyện ở phường”…
Tôi là người có vinh hạnh được đọc trước bản thảo “Sức sống của không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Và tôi cũng là người đã cùng tác giả nói về cái thần, tâm hồn, sức lan tỏa của không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đồng thời, tôi cũng là người đã đến, đã cùng đến, cùng nói về một số thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh, được tác giả Phạm Phương Thảo chọn giới thiệu trong số gần 5.000 thiết chế ở cuốn sách này.
Mỗi nơi ở TP.HCM đều thể hiện tấm lòng, một sự tìm đến sức sống không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Bởi đô thị lớn nhất phương Nam, Người đã ra đi, không được đón Người trở lại, nhưng được mang tên Người mãi mãi từ ngày 02/7/1976.
Thử điểm qua vài địa danh được đề cập trong cuốn sách của tác giả Phạm Phương Thảo. Đến số 5 Châu Văn Liêm (trước là đường Quai Testard), Bến Nhà Rồng và với Tủ sách di sản Hồ Chí Minh để biết hành trình của người thanh niên Văn Ba từ thời khắc lịch sử 05/6/1911 trên con tàu Amiral Latouche Tréville đến 30 năm sau (1941) trở lại, đem đến độc lập cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.
Đến phường Hiệp Phú, Văn phòng các Ban Đảng thành phố Thủ Đức, Huyện ủy Bình Chánh để gặp Đường sách không gian văn hóa Hồ Chí Minh, gặp những phiến đá khắc ghi lời dạy của Bác để nghe lắng sâu, lan tỏa lòng yêu nước, thương dân từ văn hóa Hồ Chí Minh.
Đến đền Bến Dược Củ Chi để nghe Viễn Phương nói về “Vùng đất sáng ở miền Nam Tổ quốc, nửa tiếp Trường Sơn, nửa nối đồng bằng… Lính chủ lực về quê mình làm du kích. Cả nước vì Sài Gòn, Sài Gòn vì cả nước quyết hy sinh…” để thấy “Trăng chiến khu” tái hiện “Vùng giải phóng” Bác đang cùng chúng cháu hành quân.
Đến Tòa án nhân dân TP.HCM, nơi ngổn ngang gạch - ngói - xi măng (tu sửa trụ sở Pháp xây dựng từ năm 1869), vẫn có không gian văn hóa Hồ Chí Minh với trái cây, với hoa, hương khói nhớ ơn Người. Đến Tòa án nhân dân Quận 1 thanh thản chốn uy nghiêm, khắc ghi lời “Phụng công, thủ pháp”, bình đẳng, chan hòa.
Với tác phẩm “Sức sống của không gian văn hóa Hồ Chí Minh” mà tác giả Phạm Phương Thảo chắt chiu ghi chép, người đọc thấy sức lan tỏa của văn hóa Hồ Chí Minh với Tân Bình hành trình văn hóa từ “Vùng lõm chính trị - Căn cứ cách mạng Bảy Hiền” đến các phường 13, 14 đều có không gian văn hóa Hồ Chí Minh “Hòm thư gửi Bác”; gặp Bình Chánh viết tiếp bản hùng ca từ Láng Le - Bàu Cò, lời Bác dạy ngày này năm xưa trên mạng xã hội của huyện, của xã.
Mặt khác, qua cuốn sách, người đọc gặp văn hóa Hồ Chí Minh tại các trường học, bệnh viện, các cơ sở tôn giáo, các tòa soạn báo chí như: trường Trần Đại Nghĩa, Chu Văn An, Trần Văn Ơn, Viện Pasteur, chùa Pháp Bửu, Đền đức Thánh Trần Hưng Đạo, Hội quán Ôn Lăng, Hội quán Tuệ Thành, Thánh thất Cao Đài Sài Gòn, Thánh đường Hồi giáo Chợ Lớn, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Người lao động, Báo Phụ nữ… với nhiều chuyện kể về Bác, nhiều sách về Bác, của Bác và cả bộ phim TFS sản xuất có tên gọi “Hồ Chí Minh con đường phía trước”…
Tác giả Phạm Phương Thảo tỉ mỉ giúp người đọc người đọc gặp nhiều, thấy nhiều thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, gần 5.000 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh vẫn chưa đủ, sẽ còn phải nhiều hơn nữa, mỗi ngày đều nhiều hơn. Nghĩa là, sẽ có không gian văn hóa Hồ Chí Minh phi vật thể, loại hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh qua mạng, công nghệ thông tin. Và hơn thế nữa, phải tìm đến và gặp trái tim, gặp cái tâm hồn, cái thần của không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Cầm trên tay “Sức sống của không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, người đọc thấy “Như một lẽ tự nhiên” của chiến tranh đã lùi xa, hồn tử sĩ vẫn còn mãi với non sông, Bắc Nam sum họp một nhà, cả dân tộc cùng hát bài đoàn kết, cùng tiến lên với tự hào hai tiếng Việt Nam.
Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là công trình lớn của thành phố mang tên Bác, bắt đầu từ Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, là nhiệm vụ thường xuyên liên tục phát triển mãi với thời gian để hòa quyện với hồn dân tộc nghìn năm văn hiến.
Tác giả Phạm Phương Thảo chia sẻ: "Qua gần 4 năm thực hiện, TP.HCM đã có gần 5.000 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, ở các khu chung cư, nhà trọ, chợ, nơi công cộng, khu công nghiệp… rất phong phú, được người dân quan tâm, chung tay xây dựng và đem lại kết quả bước đầu.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi học tập trực quan, sinh động về Bác Hồ kính yêu, là những bảo tàng thu nhỏ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi hiểu thêm về Bác, nghĩ nhiều về Bác, càng biết ơn Bác, càng học tập và rèn luyện tốt hơn, ứng xử có văn hóa hơn trong công việc, với con người và với môi trường sống.
Hy vọng với sự năng động, sáng tạo, các mô hình, thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ đa dạng hơn, việc phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể sẽ được đẩy mạnh và những đổi thay của mỗi người sẽ ngày một tốt hơn trong hành trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Người".